Home Người Việt Năm Châu Chuyện của một nữ điều dưỡng gốc Việt giữa đại dịch Covid-19 ở Mỹ
Người Việt Năm Châu

Chuyện của một nữ điều dưỡng gốc Việt giữa đại dịch Covid-19 ở Mỹ

Một nữ điều dưỡng gốc Việt chia sẻ rằng đại dịch đã làm thay đổi bản thân cô và là thời điểm khó khăn nhất trong nghề.

Mới đây, tờ The Mercury News đăng tải câu chuyện được chia sẻ bởi nữ điều dưỡng gốc Việt tên Nhi Duong làm việc tại Bệnh viện O’Connor ở thành phố San Jose (bang California, Mỹ).

Bệnh viện O’Connor ở thành phố San Jose (bang California, Mỹ) – ẢNH: BAY CITY NEWS

Câu chuyện đã gây nhiều chú ý. Mở đầu là một ngày tháng 4.2020, Nhi Duong vẫn vào ca như mọi ngày, không hề biết rằng đó sẽ là một ngày căng thẳng nhất trong hơn 16 năm theo nghề. Trước đó, những việc như hỗ trợ một sản phụ hơn 30 tuổi mang thai 31 tuần là công việc hằng ngày của cô. Tuy nhiên, lần này thì khác, vì sản phụ nhiễm Covid-19 và còn bị ngưng thở.

Sau khi kiểm tra sinh hiệu qua màn hình, cô lập tức báo động mã xanh, tín hiệu về trường hợp khẩn cấp y tế trong bệnh viện, và làm hô hấp nhân tạo để giữ 2 mẹ con sống đến khi bác sĩ đến. “Tôi ép lồng ngực sản phụ và cầu cho cô ấy tỉnh lại, còn chuyên viên hô hấp thì cung cấp ô xy”, nữ điều dưỡng kể.

Nữ điều dưỡng Nhi Duong đã theo nghề hơn 16 năm – ẢNH: MERCURY NEWS

Do quy định phòng chống Covid-19, chỉ 3 nhân viên y tế được có mặt cùng lúc trong phòng, thay vì 20 như trước. Ngay khi bệnh nhân có lại nhịp tim, mạng sống đứa bé bắt đầu nguy hiểm nên sản phụ được đưa vào phòng sinh mổ. “Khi biết cô ấy phải sinh mổ khẩn cấp, tôi khóc vì không muốn cô ấy sinh non. Ai cũng khóc”, cô Duong kể. Kể từ đó, cô bắt đầu những ngày tháng cùng các đồng nghiệp phải “căng mình” ở tuyến đầu chống dịch.

Nguy cơ nhiễm Covid-19

Với số bệnh nhân gia tăng, Bệnh viện O’Connor thường xuyên gặp tình trạng khủng hoảng thiếu nhân viên, trong khi hoạt động với công suất tối đa. Bệnh viện từng có 24 điều dưỡng nhưng có lúc chỉ còn 14, dù số bệnh nhân cần chăm sóc nhiều lúc lên đến hơn 46 người.

Thời điểm đỉnh dịch khiến cô Duong nhiều lúc đã lo ngại rủi ro khi làm việc ở tuyến đầu, thậm chí có lúc cô tự hỏi liệu có đáng mạo hiểm để theo nghề không? “Bạn bước vào một căn phòng và biết chắc rằng những người ở đó nhiễm Covid-19 vì đã xét nghiệm. Tại sao tôi phải làm việc này khi đây là công việc nguy hiểm nhất vào thời điểm này”, cô nhớ lại lúc tự hỏi bản thân.

Làm việc dưới nguy cơ nhiễm Covid-19, sự lo lắng, bức xúc của cô và các đồng nghiệp ngày càng tăng do bệnh viện thiếu nhân viên, khiến việc kiểm soát những bệnh nhân nhiễm Covid-19 trở nên khó khăn. “Chúng tôi là những nhân viên y tế chăm sóc cho các bệnh nhân, còn chúng tôi không được hỗ trợ. Tại sao họ không tuyển thêm người?”, cô nhớ lại thời điểm đỉnh dịch ở Mỹ vào năm ngoái.

Tuy nhiên, nữ điều dưỡng này biết rằng bệnh viện đang cố hết sức, vì không thể tìm thêm nhân viên do các tiểu bang, thành phố khác cũng đang cần điều dưỡng.

Cộng đồng ủng hộ

Dù bác sĩ, điều dưỡng và các nhân viên tại Bệnh viện O’Connor đều đối diện vô vàn thách thức, nhưng sự ủng hộ của cộng đồng đã giúp họ vững tinh thần, theo cô Duong. Một tiệm phở Việt ở Đông San Jose đã ủng hộ 300 – 400 suất ăn hằng ngày cho các nhân viên bệnh viện, kèm theo đó là hàng ngàn khẩu trang. Một buổi sáng nọ khi đi làm, cô và đồng nghiệp bước vào bệnh viện đã thực sự bất ngờ vì được hàng chục cảnh sát và những nhân viên dịch vụ khẩn cấp hoan hô.

“Thật xúc động vì bạn cảm thấy rằng trong đại dịch, chỉ có những người như bạn đang đương đầu với Covid-19, nhưng thực tế ở phía sau vẫn có rất nhiều người đang âm thầm ủng hộ bạn”, theo cô Duong.

Đến gần đây, khi số bệnh nhân nhiễm Covid-19 cần chăm sóc đã giảm, cô suy nghĩ về thời gian khó khăn đã tác động đến bản thân như thế nào. “Đại dịch đã làm thay đổi, khiến tôi trở thành một con người rất kiên cường và không gì có thể khiến tôi e sợ. Trải nghiệm đó đã dạy cho chúng tôi thật nhiều điều”, cô chia sẻ.

Theo Thanh niên

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *