Thời tiết cuối năm nóng lạnh thất thường rất dễ khiến chúng ta mắc bệnh cảm cúm, đặc biệt là nghẹt mũi rất khó chịu. Dưới đây là những “tuyệt chiêu” giảm nghẹt mũi đơn giản mà hiệu quả khi thời tiết thay đổi ai cũng cần ghi nhớ.
Khi thời tiết cuối năm thường nóng lạnh thất thường, nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến cơ thể không kịp thích nghi, phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm hẳn nên rất dễ đổ bệnh, đặc biệt là các bệnh như cảm, cúm, viêm phổi, viêm phế quản… Dưới đây là những phương thuốc “cây nhà lá vườn” giúp chữa cảm cúm, nghẹt mũi vừa ít tốn tiền vừa không gây tác dụng phụ cho sức khỏe ai cũng cần nên ghi nhớ!
Ăn các gia vị cay nóng
Khoa học đã chứng minh rằng, những món ăn có vị cay nóng đóng vai trò tích cực không chỉ trong việc giải cảm mà còn giúp giảm bớt sự khó chịu do ngạt mũi. Khi ăn thực phẩm cay (như ớt, hạt tiêu, mù tạc…), chất nhầy trong khoang mũi sẽ tăng tốc độ dịch chuyển, giúp đẩy lùi chứng ngạt mũi. Khi bị ngạt mũi, bạn nên cho thêm nhiều tiêu hoặc ớt vào món ăn.
Lá húng quế
Bài thuốc đơn giản nhất để trị chứng nghẹt mũi là hãy nhai từ 2 – 4 lá húng quế, hoặc bạn cũng có thể uống trà húng quế vì thức uống này cũng mang lại lợi ích tương tự.
Hành tây và tỏi tía
Sử dụng hỗn hợp tỏi tía, hành tây, hành tím băm nhỏ rồi cho vào một chiếc khăn mỏng rồi đưa lên mũi ngửi cũng là cách giúp ngạt mũi nhanh hết hơn.
Hành ta
Loại rau gia vị rất quen thuộc trong mỗi bữa cơm của người Việt này cũng có tính sát khuẩn mạnhgiúp trị cảm cúm rất hiệu quả. Bài thuốc chữa cảm cúm, nghẹt mũi đơn giản nhất từ hành là nấu cháo gạo tẻ, cho thêm vào thật nhiều hành và ăn lúc còn nóng rồi đắp chăn ấm ra mồ hôi sau đó lau khô mình là được.
Chanh và mật ong
Chỉ cần dùng 1 thìa mật ong và vài giọt nước cốt chanh bỏ vào một cốc nước ấm, khuấy đều và uống hàng ngày. Đây là một cách giúp mũi họng khỏe mạnh và chống ho rất hiệu quả.
Trà gừng
Để trị cảm cúm, nghẹt mũi, bạn chỉ cần cho vài lát gừng tươi cùng một ít đường phèn (hay ít mật ong) vào ấm nước đun sôi để ấm rồi uống. Chỉ cần uống nước gừng 3 lần/ngày sẽ giúp giảm nhanh các triệu chứng cảm cúm, nghẹt mũi mà không cần dùng đến các loại thuốc kháng sinh.
Lá cúc tần
Cúc tần có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau, được dùng chữa cảm mạo, sốt không ra mồ hôi, cơ thể đau nhức. Chỉ cần dùng lá và cành non rửa sạch, sau đó đun lên lấy nước uống hoặc để xông. Những người bệnh cảm sốt không ra mồ hôi, nhức đầu có thể dùng 20g lá cúc tần tươi, 10g lá sả, 10g lá chanh rồi đem nấu với nước và uống khi còn nóng. Nhớ cho thêm nước vào phần bã và đun sôi rồi dùng để xông cho ra mồ hôi nhằm giúp giảm sốt, giải cảm.
Lá tía tô
Nếu bị cảm do mưa gió, thân thể đau mỏi, nhức đầu sổ mũi, nôn đầy bạn có thể dùng 15g lá tía tô, vỏ quýt, củ gấu (hương phụ), gừng tươi, 10g hành trắng cả cây xắt uống lúc thuốc còn nóng. Trong trường hợp mắc cảm lạnh hoặc cảm cúm không có mồ hôi và ho tức ngực, nôn đầy, bạn nên dùng 20g lá tía tô tươi giã nhỏ, thêm nước sôi, khuấy đều và gạn lấy nước uống khi còn ấm; hoặc bạn cũng có thể cắt nhỏ lá tía tô trộn với cháo nóng và ăn rồi nằm nghỉ cho ra mồ hôi.
Lá và vỏ quả bưởi
Vỏ quả bưởi chứa tinh dầu có vị cay, đắng, ngọt, tính ấm, có tác dụng trị ho, giải cảm tốt. Nếu ho có đờm, bạn có thể dùng vỏ bưởi đã cạo bỏ lớp ngoài, cắt thành từng khúc, nấu với nước sôi vài phút rồi vắt nước, ngâm trong đường một tuần. Sau đó lấy nước ngâm vỏ quả bưởi uống dần, dùng liền 5 ngày có thể thuyên giảm bệnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng là bưởi tươi kết hợp cùng một số loại lá có tinh dầu thơm như lá chanh, sả, hương nhu để nấu nước xông giúp giải cảm.
Tinh dầu bạc hà
Để “đánh bay” triệu chứng nghẹt mũi về đêm, bạn có thể dùng một số loại dầu như bạch đàn hoặc cỏ xạ hương hay tinh dầu bạc hà. Trộn một vài giọt tinh dầu với nước ấm và hít vào khoảng 20 phút.
Gối cao đầu khi ngủ
Khi bị nghẹt mũi, khi ngủ hãy gối đầu cao hơn bình thường một chút, sao cho cổ và đầu bạn tạo thành góc 15 độ chênh với giường. Làm cách này bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
Hi vọng các bí kíp sống khỏe như trên sẽ giúp bạn phòng tránh được chứng cảm cúm, nghẹt mũi khó chịu cho mình và gia đình, đặc biệt là vào những khi thời tiết cuối năm với nhiều thay đổi rất dễ khiến chúng ta mắc bệnh.
Ảnh: Internet
Theo Bestie