(www.Alouc.com) – Người làm đủ thủ tục mà vẫn không xin được giấy phép bán thịt heo là ông Trần Đức Loan (43 tuổi, trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Sau nhiều lần đi lại xin giấy phép, đến nay ông Loan vẫn chưa được bán thịt heo ở địa chỉ đăng ký kinh doanh trên đường Tống Duy Tân (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).
Đoạn trường xin giấy phép bán thịt heo
Ông Loan xin hoạt động theo ủy quyền của Công ty TNHH DANA FRESHFOOD (trụ sở tại Quảng Nam) có chi nhánh ở Đà Nẵng. Để hoàn thành thủ tục được bán thịt, ông phải có 5 loại giấy tờ khác nhau.
“Chưa tính giấy thuê nhà thì tôi phải xin 5 loại giấy tờ có con dấu đỏ nhưng vẫn chưa được kinh doanh” – ông Loan nói.
Theo ông Loan, từ cuối năm 2017 vợ chồng ông dự tính đi bán thịt ở chợ Hòa Mỹ (phường Hòa Minh) nhưng trong chợ không còn chỗ, nên ông phải tìm vị trí gần chợ trên đường Tống Duy Tân để mở quầy.
Trước khi mở quầy, ông đi khám sức khỏe rồi tham gia lớp của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) để lấy giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.
Có giấy tờ này, ông tiếp tục đi xin giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh và giấy đăng ký địa điểm kinh doanh ở Sở Kế hoạch – đầu tư Đà Nẵng. Sau đó ông đến Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN&PTNT) để xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
“Quá sốt ruột trước chi phí thuê nhà, ngày 5-1, vợ chồng tôi mở quầy bán. Phòng kinh tế quận liền xuống lập biên bản, bởi lúc đó tôi đang chờ lấy giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nên bị tịch thu 40 ký thịt đi thiêu hủy, họ còn thu cả tủ bán thịt.
Đến ngày 9-1, tôi có đủ 5 loại giấy, tôi tự tin mở bán hàng nhưng trên quận liên tục gọi điện cảnh báo sẽ phạt nặng. Họ nói tôi chưa đủ điều kiện kinh doanh.
Tôi hỏi thì được giải thích giấy phép kinh doanh của tôi không ghi ngành thịt tươi sống. Tôi lên xin lại tủ kinh doanh, lãnh đạo phòng kinh tế quận hứa sẽ trả tủ với điều kiện không được buôn thịt trên địa bàn quận” – ông Loan trình bày. Từ đó đến nay, ông Loan chưa dám kinh doanh.
Ông Mai Xuân Đức – trưởng Phòng kinh tế quận Liên Chiểu – xác nhận có vụ việc của ông Loan, đồng thời cho biết “quận rất vất vả với trường hợp này”. Theo ông Đức, ông Loan kinh doanh ngành thịt heo ở gần chợ Hòa Mỹ, bị tiểu thương trong chợ nhiều lần phản ảnh.
“Có lần, rạng sáng tiểu thương trong chợ điện thoại rùm beng, họ nói anh Loan kinh doanh trước chợ khiến họ bị ảnh hưởng. Họ cho rằng anh Loan kinh doanh vậy là không chịu phí thuế trong chợ, lại tiện đường nên không ai chịu vào chợ mua thịt.
Chúng tôi phải xuống tận nơi hòa giải mới êm thấm. Lúc đầu kiểm tra thấy anh Loan thiếu giấy chứng nhận của Chi cục Chăn nuôi và thú y nên chúng tôi lập biên bản.
Khi anh Loan có đủ giấy tờ thì lại phát hiện giấy phép kinh doanh mà anh được ủy quyền chỉ ghi ngành nghề chính là “buôn bán thực phẩm” chứ không cho bán thịt tươi sống” – ông Đức nói.
Ông Đức cho biết giấy phép kinh doanh của hộ cá thể thì do quận cấp, còn trường hợp của ông Loan là cửa hàng ủy quyền của doanh nghiệp, nên Sở Kế hoạch – đầu tư cấp. Quận đang liên hệ lại để nắm bắt thêm hướng giải quyết.
Bối rối, chưa biết giải quyết thế nào
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Tài – phó Chi cục Chăn nuôi và thú y Đà Nẵng – cho biết trước đây vẫn có những trường hợp như ông Loan được phép kinh doanh.
Theo bà Tài, thịt heo nằm trong ngành kinh doanh có điều kiện, trước khi chi cục cấp giấy chứng nhận, người đăng ký phải có đủ các loại giấy tờ theo quy định.
“Chúng tôi kiểm tra đủ điều kiện thì cấp giấy chứng nhận, thực tế là có nhiều trường hợp kinh doanh bình thường, không hề gặp vấn đề gì. Gần đây có vài trường hợp công ty mở chi nhánh kiểu như anh Loan, lại bị thông báo là không được kinh doanh” – bà Tài nói.
Theo ông Nguyễn Hà Bắc – phó giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, từ trước đến nay chưa có một quy hoạch nào liên quan đến việc bày bán sản phẩm thịt tươi sống, đây là trường hợp “phát sinh từ thực tiễn”.
Ông Bắc còn nói sản phẩm thịt tươi sống là ngành kinh doanh có điều kiện, lâu nay chủ yếu bày bán trong chợ hoặc siêu thị.
“Từ đợt “giải cứu thịt lợn” có nhiều công ty mở cửa hàng bán ở ngoài chợ, siêu thị. Từ đó phát sinh mâu thuẫn giữa tiểu thương trong chợ và người kinh doanh ngoài chợ. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, cái gì không cấm, mà người ta có đầy đủ các loại giấy tờ thì được làm. Hiện nay ngành công thương đang bối rối trong vấn đề này” – ông Bắc giải thích.
“Trường hợp ông Loan chưa ổn”
Theo đại diện Sở Kế hoạch – đầu tư Đà Nẵng, hồ sơ đăng ký kinh doanh của ông Loan chưa ổn.
“Trường hợp ông Loan phải kinh doanh đúng ngành nghề giấy ủy quyền của doanh nghiệp. Tôi kiểm tra mã số ngành kinh doanh của cửa hàng ông Loan thấy ghi ngành “buôn bán thực phẩm: chi tiết – không bán hàng thủy hải sản, gia súc, gia cầm tươi sống tại trụ sở”.
Do hiện nay trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không ghi trực tiếp ngành nghề kinh doanh mà chỉ ghi mã số doanh nghiệp nên có thể ông Loan chưa hiểu hết.
Nếu ông Loan muốn bán thịt heo tại địa điểm đăng ký phải xin lại giấy phép mới và kiểm tra địa điểm bán hàng là đất ở hay đất được kinh doanh hay không” – vị này nói.
Một luật sư (đề nghị không nêu tên) cho biết nếu căn cứ giải thích của Sở Kế hoạch – đầu tư Đà Nẵng là “đất ở hay đất được kinh doanh” thì chắc chắn ông Loan không được kinh doanh.
“Ở nước ta lâu nay địa điểm kinh doanh của các hộ cá thể chủ yếu là tại gia, đất nhà ở. Việc áp dụng pháp luật phải cân nhắc thực tế, bởi nếu xét đất kinh doanh thì có hàng vạn hộ dân kinh doanh tạp hóa tại nhà cũng không đủ điều kiện kinh doanh”.
Theo Tuổi Trẻ