Home Cộng Đồng “Tự hào Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới”
Cộng Đồng

“Tự hào Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới”

Chúng ta vẫn tự hào rằng Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Song điểm quan trọng là câu chuyện “tăng trưởng bao trùm” –  tức tất cả mọi người được hưởng lợi từ thành quả đó. Ở đây có những nhóm người vẫn hoàn toàn không được hưởng lợi hoặc được hưởng lợi rất ít.

Đã hơn 10 năm, tôi vẫn bị ám ảnh về tương lai của một gia đình. Đó là cặp vợ chồng người Mông ở Văn Chấn, Yên Bái.

|Bài viết phân tích của Phùng Đức Tùng, Tiến sỹ Kinh tế tại trường Leibniz thuộc Đại học Hannover (Đức) với chuyên môn sâu về kinh tế lượng, đánh giá tác động, thiết kế và thực hiện các cuộc điều tra.

Năm 2006, lãnh đạo xã dẫn chúng tôi đến một cái lán nhỏ nằm chênh vênh ở góc của mảnh ruộng cuối xã. Lán chỉ khoảng 15 mét vuông, bên trong rất tối. Nghe tiếng trẻ con khóc, tôi chui vào lán với ông chủ tịch xã. Trong ánh sáng lờ mờ, một phụ nữ bế đứa con 6 tháng tuổi, một đứa trẻ 3 tuổi nằm trên giường. Ông cán bộ xã giới thiệu, đây một hộ gồm hai vợ chồng và hai đứa con. Đứa trẻ 3 tuổi suy dinh dưỡng nặng, không đi lại và cũng không nói được, đang nằm ở trên giường khóc ỉ i.

Người vợ chỉ nói được tiếng Mông, tôi hỏi chồng đi đâu, ông chủ tịch xã phiên dịch câu trả lời của chị: “Chồng đi lên huyện Văn Chấn xem có ai thuê gì thì làm”. Mẹ con chị đang đợi anh mang về vài cân gạo.

Tôi nhìn quanh nhà, đồ đạc không có gì ngoài một cái chum nhỏ còn khoảng 2 nắm gạo. Một giường ọp ẹp, một cái màn mà bụi bẩn bám đen và không thể nhìn xuyên qua, một cái xoong dính vài hạt cơm. Lúc đó khoảng 10 giờ sáng mà chưa thấy chị chuẩn bị cơm cháo gì. Anh cán bộ xã cho biết, hai vợ chồng không có người thân ở trong xã, cũng không có đất đai và cả hai đều thiểu năng trí tuệ. Cái lán đó của một người hàng xóm cho ở nhờ.

Dự án Chia sẻ của Thụy Điển mà tôi tham gia năm đó, có một hợp phần rất quan trọng, là việc giúp đỡ người nghèo mua gia súc. Hộ nghèo chỉ đóng góp 5% giá trị của con gia súc để được nhận một con trâu hoặc bò dùng làm phương tiện sản xuất và sinh sản. Tôi hỏi chủ tịch xã với vẻ đầy hy vọng, rằng hộ này có được con bò không. “Không”, ông đáp. Tôi hỏi tại sao dự án từ chối họ. “Nó không có 500 nghìn đồng”, ông nói. Một con bò giá 10 triệu đồng, họ phải bỏ ra góp 500 ngàn đồng. Số tiền đó rất nhỏ với các gia đình khác nhưng với hộ này lại là rất lớn. Vẻ mặt không biểu cảm, vị chủ tịch giải thích thêm rằng họ không đủ khả năng chăm sóc con thì việc không chăm được bò là hiển nhiên.

Tôi ra về, nhiều năm sau vẫn nhớ vẻ mặt của vị chủ tịch xã, vẻ sợ hãi không dám bước vào căn lều của mấy người nước ngoài và anh cán bộ trung ương – họ sợ ám ảnh bởi những gì sẽ nhìn thấy. Chính tôi cũng không thể quên căn lều kia. Thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi: một người không đủ trí tuệ đi tìm ai đó thuê mình làm việc chân tay thì có mang được mấy cân gạo về nhà không? Thế hệ thứ hai sẽ đi về đâu khi em bé đầu tiên đang suy dinh dưỡng nặng, có khả năng trở thành người tàn tật hoặc tử vong?

Kết thúc năm 2018, Chính phủ và các nhà tài trợ đã công bố những thành tựu về xóa đói giảm nghèo. Theo UNDP, từ 2012 đến 2016, tỷ lệ nghèo thu nhập ở Việt Nam đã giảm từ gần 12,6%  xuống còn hơn 7%; tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm từ 18% xuống còn 10,9%. Thành tích giảm nghèo giúp Việt Nam đứng thứ 57 trong tổng số 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc về chỉ số phát triển bền vững (SDGs) năm 2018, tăng 9 bậc so với năm trước.

Nhưng những hộ dân như vợ chồng người Mông kia vẫn phải đối mặt một tương lai vô cùng mờ mịt. Bởi kể cả họ được giúp đỡ thì khả năng tái nghèo là vô cùng cao. Một trong những đặc điểm nổi bật của Việt Nam là tính bền vững của thoát nghèo rất mong manh, tức khả năng tái nghèo lớn.

Chúng ta đang có gần 10% dân số – khoảng 10 triệu người nghèo, bằng dân số của rất nhiều quốc gia trên thế giới, thậm chí gần bằng dân số của Lào. Trong đó, nhóm người khó giảm nghèo như gia đình người Mông ở trên dù chưa có thống kê nhưng theo ước đoán của tôi có thể chiếm tới một nửa.

Đây là những hộ gia đình thực sự khó có thể dùng các chính sách hiện thời để giúp họ thoát nghèo bao gồm các hộ già cả cô đơn, người khuyết tật, trẻ em mồ côi… Họ là những người cần có các chính sách bảo trợ xã hội đủ mạnh và riêng biệt hơn để có thể cung cấp một mức sống tối thiểu cao hơn chuẩn nghèo hiện có.

Chúng ta vẫn tự hào rằng Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Song điểm quan trọng là câu chuyện “tăng trưởng bao trùm” –  tức tất cả mọi người được hưởng lợi từ thành quả đó. Ở đây có những nhóm người vẫn hoàn toàn không được hưởng lợi hoặc được hưởng lợi rất ít.

Để đưa cho người nghèo hy vọng và ánh sáng trên con đường họ đang đi, điều đầu tiên là cần bổ sung những chương trình phù hợp với từng nhóm người nghèo cụ thể.

Số lượng chương trình quốc gia về giảm nghèo và các chương trình liên quan của Chính phủ đã giảm từ 15 xuống chỉ còn một chương trình.

Chính phủ và rất nhiều tổ chức quốc tế đang hài lòng với tỷ lệ giảm nghèo rất nhanh của Việt Nam nhưng thực sự vẫn còn có những nhóm người bị bỏ lại phía sau vì họ không thể nào tham gia vào quá trình phát triển của đất nước; không thể hưởng lợi từ sự tăng trưởng chung bởi vì họ không có cơ hội và cũng không có khả năng nắm bắt cơ hội. Đó là những đối tượng không phù hợp với các chính sách và chương trình mà trước đây chúng ta đã thành công để giảm nghèo trên diện rộng, như Chương trình 135.

Sau đó, cần xã hội hóa những chương trình đói nghèo rộng rãi hơn và mạnh mẽ hơn. Cán bộ trong hệ thống chính quyền thường ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ chính trị – là công việc chính của họ thay vì các dự án giúp người nghèo. Cần nhiều hơn vai trò của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức độc lập. Bởi họ có chuyên môn và kỹ năng chuyên biệt hơn cán bộ địa phương trong việc giúp đỡ những cộng đồng yếu thế cũng như kết nối để tạo ra những thị trường cho người nghèo.

Người ta ví tốc độ bay của đàn chim phụ thuộc vào con chim bay sau cùng. Tốc độ bay của nền kinh tế cũng thế, nó phụ thuộc vào sự cải thiện sinh kế cho nhóm người yếu nhất.

Theo Vnexpress