Home Cộng Đồng Thực tế kinh hoàng bên trong “ổ dịch” Covid-19 lớn thứ 2 thế giới
Cộng Đồng

Thực tế kinh hoàng bên trong “ổ dịch” Covid-19 lớn thứ 2 thế giới

Những người đào huyệt mặc quần áo bảo hộ khiêng một chiếc quan tài để chuẩn bị chôn cất một bệnh nhân Covid-19 tại nghĩa trang lớn nhất Brazil Formosa ở thành phố Sao Paulo. (Ảnh: Reuters)

Brazil đã trở thành tâm dịch Covid-19 lớn thứ 2 thế giới, nhưng điều khiến chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro bận tâm hơn dường như là sức khỏe của nền kinh tế.

Bệnh viện quá tải

Tại Sao Paulo, thành phố lớn nhất và cũng là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 ở Brazil, dịch vẫn chưa đạt đỉnh song hệ thống y tế đã sắp “vỡ trận”. Mặc dù vậy, Tổng thống Jair Bolsonaro dường như quan tâm hơn đến một “bệnh nhân” khác: kinh tế quốc gia.

Trong tuần này, Brazil đã trở thành tâm dịch lớn thứ 2 thế giới với hơn 330.000 ca mắc Covid-19, nhưng Tổng thống Bolsonaro vẫn chỉ coi Covid-19 là bệnh “cúm nhẹ”. Ông hối thúc doanh nghiệp hoạt động trở lại bất chấp nhiều thống đốc bang nói rằng các biện pháp giãn cách xã hội giúp làm chậm đà lây lan của dịch.

Các bệnh viện ở Brazil gần như “vỡ trận” vì Covid-19. (Ảnh minh họa: BBC)

Tại một phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện bệnh truyền nhiễm Sao Paulo, các bác sĩ đã tỏ ra vô cùng bức xúc khi nói về quan điểm này của Tổng thống Bolsonaro. Bác sĩ Jacques Sztajnbok tỏ ra điềm đạm hơn. “Đó không phải là bệnh cúm. Đó là điều khủng khiếp nhất mà chúng tôi phải đối mặt trong sự nghiệp của mình”, ông Jacques và thừa nhận ông cũng lo lắng cho sức khỏe của bản thân.

Virus corona chủng mới đang gây ra những cái chết đằng sau tấm rèm bệnh viện trong sự thầm lặng khác xa với những bất ổn và ồn ào chính trị của thế giới do Covid-19. Dấu hiệu đầu tiên phá vỡ sự im lặng đáng sợ trong phòng chăm sóc đặc biệt là ánh đèn đỏ từ các thiết bị y tế. Dấu hiệu thứ hai là chiếc mũ bảo hộ của bác sĩ nhấp nhô lên xuống khi hai cánh tay ép lồng ngực để cấp cứu cho bệnh nhân. Bệnh nhân là một phụ nữ khoảng 40 tuổi với tiền sử bệnh nền. Qua cửa kính có thể thấy, các nhân viên nhân y tế kín phòng ICU, họ phải vòng qua đầu bệnh nhân để thay ống thở, trở mình cho bệnh nhân và thay ca cho nhau sau những giờ trực căng thẳng, mệt mỏi. Họ đang gồng mình để giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Một lúc sau, một bác sĩ bước ra, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, phía sau là tiếng cửa kính đóng lại – một tiếng động hiếm hoi giữa sự tĩnh lặng đáng sợ ở nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Khoảng 40 phút sau đó, yên tĩnh lại bao trùm cho đến khi biểu đồ nhịp tim trên màn hình máy đo chỉ còn là một đường thẳng vĩnh viễn.

Covid-19 đang hủy hoại cuộc sống của rất nhiều người nhưng cách mà nó lấy đi sinh mạng của con người chỉ có các nhân viên y tế mới tận mắt chứng kiến sự đau đớn khủng khiếp này. Với các nhân viên y tế ở Emilio Ribas, họ đang gần như hàng ngày phải chứng kiến thực tế kinh hoàng đó.

Chỉ vài ngày trước họ đã mất đi một đồng nghiệp, y tá Mercia Alves, người với 28 năm trong nghề. Hôm nay, họ lặng lẽ đứng bên ngoài cửa kính một phòng điều trị cách ly khác nơi mà một bác sĩ trong nhóm của họ đang phải dùng đến ống thở vì Covid-19. Một đồng nghiệp khác cũng được xác nhận mắc Covid-19 vào ngày hôm đó. Đại dịch khiến bệnh viện của họ quá tải dường như giờ đây cũng biến họ trở thành nạn nhân.

Bệnh viện Emilio Ribas thậm chí không thể bổ sung thêm giường bệnh trước khi đại dịch đạt đỉnh, một số nhân viên ở đây cũng tử vong vì Covid-19 mặc dù đây là bệnh viện được trang bị tốt nhất ở Sao Paulo. Tại thành phố giàu có bậc nhất này của Brazil, bất chấp chính quyền địa phương áp dụng lệnh phong tỏa và khuyến cáo đeo khẩu trang, số ca mắc Covid-19 vẫn lên tới hơn 76.000 ca, trong đó gần 6.000 trường hợp đã tử vong.

Covid-19 “xâm chiếm” các khu ổ chuột

Những người đào huyệt mặc quần áo bảo hộ khiêng một chiếc quan tài để chuẩn bị chôn cất một bệnh nhân Covid-19 tại nghĩa trang lớn nhất Brazil Formosa ở thành phố Sao Paulo. (Ảnh: Reuters)

Bất chấp dịch bệnh lây lan, tại các khu ổ chuột của Brazil, người ta gần như không bàn đến điều này bởi rõ ràng ưu tiên hàng đầu của họ vẫn là chuyện cơm áo, gạo tiền.

Renata Alves, một nhân viên y tế làm tình nguyện viện cho nhóm cứu trợ nhân đạo G10 Favela, đã đến tìm hiểu tại một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực ngoại ô Paraisopolis.

Những con đường hẹp, những ngõ hẻm phần nào lý giải cho việc tại sao Covid-19 tràn lan ở đây. Alves nhận ra rằng, cô mới chỉ biết được một nửa bức tranh trong số 100.000 người có nguy cơ mắc bệnh. Tại đây, chỉ người nào có đầy đủ 3 triệu chứng của Covid-19 mới chấp nhận để cô xét nghiệm ngay cả khi chi phí xét nghiệm đã có các mạnh thường quân chi trả.

“Hầu hết các xét nghiệm được thực hiện khi người bệnh đã ở giai đoạn tiến triển của bệnh”, Alves cho biết.

Maria Rosa da Silva, 53 tuổi, cho biết bà có vẻ như đã bị lây Covid-19 khi đi chợ ở đây dù đã đeo khẩu trang và găng tay. Do vậy, bà quyết định tự cách ly. “Những người như tôi thuộc nhóm có nguy cơ tử vong cao. Thậm chí hôm qua chủ một hiệu thuốc đã tử vong. Nhiều người phải từ giã cuộc đời chỉ vì sự bất cẩn của người khác”, bà Silva nói.

Tại Vila Formosa, nghĩa trang lớn nhất Brazil, nơi đây bao trùm bởi sự tang thương, những ngôi mộ mới liên tục được đào khi mà cứ 10 phút lại có một tang lễ.

Brazil có ít nhất 2 tháng để chứng kiến, học hỏi và rút kinh nghiệm khi Covid-19 càn quét các nước trên thế giới. Tuy vậy, với cách chống dịch “không giống ai”, Brazil đã nhanh chóng trở thành tâm dịch lớn thứ 2 thế giới với gần 350.000 người mắc Covid-19, trong đó hơn 22.000 người đã tử vong, thậm chí con số thực tế có thể cao gấp nhiều lần.

Theo Dân trí

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *