Đêm trước khi rơi, chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng Lion Air (Indonesia) đã gặp vấn đề với cảm biến tính vận tốc và độ cao. Đây có thể là nguyên nhân khiến nó gặp nạn ở chuyến bay ngay sau đó.
Theo báo Straits Times, sáng 1-11, các thợ lặn Indonesia cho biết đã vớt được hộp đen của chiếc máy bay Lion Air gặp nạn và đưa về con tàu phụ trách tìm kiếm.
Trước khi rơi ngoài khơi Indonesia vào hôm 29-10, chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng Lion Air đã thực hiện chuyến bay nội địa đi từ đảo Bali đến thủ đô Jakarta đêm 28-10. Ngay khi hạ cánh, phi công của chuyến bay này đã báo cáo vấn đề với cảm biến tính vận tốc và độ cao – theo phát ngôn viên của hãng Lion Air, ông Danang Mandala Prihantoro, cho biết hôm 31-10.
Cũng theo ông Prihantoro, các kỹ sư đã kiểm tra cảm biến tính vận tốc và độ cao của chiếc Boeing 737 MAX 8 ngay sau khi phi công báo cáo. Sau khi kiểm tra xong, các kỹ sư khẳng định máy bay đã sẵn sàng cho chuyến bay kế tiếp. Tuy nhiên, ở chuyến bay định mệnh ngay sau đó vào sáng sớm 29-10, chiếc Boeing 737 MAX 8 đã rơi xuống biển Java 13 phút sau khi cất cánh.
Một điều tra viên đi qua khu vực các mảnh vỡ thu được từ máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng Lion Air. Ảnh: Bloomberg
Dữ liệu bay cho thấy chiếc Boeing 737 MAX 8 liên tục mất độ cao và tốc độ. Điều này có thể là do phi công vào thời điểm đó không nhận được thông tin chính xác từ cảm biến tính toán độ cao và vận tốc.
Theo Bloomberg đưa tin ngày 1-11, việc máy bay liên tục mất độ cao và vận tốc đột ngột, xuất phát từ lỗi cảm biến tính vận tốc và độ cao, có thể khiến phi công bối rối và từng dẫn đến tai nạn trong quá khứ, chẳng hạn như vụ tai nạn vào năm 2009 ở Đại Tây Dương của máy bay Air France (Pháp).
Lực lượng cứu hộ tiếp tục nhiệm vụ hôm 31-10. Ảnh: EPA
Trước đó, vào năm 1996, một máy bay cất cánh từ Cộng hòa Dominica cũng bị nghi là rơi vì nguyên nhân tương tự, khiến 189 người thiệt mạng.
Cùng năm, một chuyến bay của hãng hàng không Aeroperu rơi, khiến 70 người thiệt mạng. Theo hồ sơ điều tra, ngay sau khi cất cánh, phi công gần như liên tục nhận được cảnh báo máy bay bay quá nhanh, quá chậm và quá gần mặt đất.
Lực lượng cứu hộ Indonesia cho rằng nhiều khả năng là toàn bộ 189 người trên chiếc Boeing 737 MAX 8 gặp nạn đã thiệt mạng. Ảnh: Reuters
Cựu phi công John Cox, hiện là chủ tịch của công ty tư vấn an toàn hàng không Safety Operating Systems – Mỹ, nhận định lỗi cảm biến tính vận tốc và độ cao cũng có thể là nguyên nhân khiến chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng Lion Air gặp nạn.
Dù vậy, ông Cox khẳng định vẫn còn quá sớm để kết luận điều gì đã thực sự xảy ra trên chuyến bay hôm 29-10, đặc biệt là khi các dữ liệu cho thấy vận tốc của máy bay dù bất thường nhưng không cực đoan. Hơn nữa, máy bay hiện đại được trang bị 3 hệ thống cảm biến tốc độ bay riêng biệt để dự phòng. Nếu một hệ thống gặp trục trặc, các phi công được đào tạo để đọc dữ liệu từ cảm biến khác.
Mặc dù còn quá sớm để kết luận nguyên nhân khiến máy bay của hãng Lion Air rơi, cựu giám đốc điều hành hãng Delta Air Lines (Mỹ) David Greenberg khẳng định giả thuyết lỗi cảm biến tính vận tốc và độ cao cho thấy sự cần thiết và cấp bách của việc đào tạo phi công một cách tốt hơn.
Giày của các nạn nhân. Ảnh: EPA
Cảnh sát trưởng Hudi Suryanto hôm 31-10 cho biết họ đã giám định pháp y 48 thi thể và xác định được danh tính của nạn nhân đầu tiên: Jannatun Cintya Dewi – 24 tuổi.
Thợ lặn Indonesia cho biết đã tìm được hộp đen của chiếc Boeing 737 MAX 8 gặp nạn hôm 29-10. Ảnh: Reuters
Theo NLĐ