Báo Alo Úc – Cũng như nhiều người phải xa quê đi làm ăn, định cư ở nơi khác, về quê ăn tết là một dịp trọng đại mà gia đình tôi không muốn bỏ lỡ.
1. Từ đầu tháng 12 vừa rồi, gia đình tôi (hiện đang định cư ở một nước châu Âu) rục rịch tìm vé máy bay để về Việt Nam ăn tết. Vé đặt rồi, cả nhà sẽ sống trong háo hức cho đến ngày lên máy bay về Việt Nam gặp lại gia đình.
Năm nào cũng thế, về Việt Nam ăn tết là một dịp trọng đại mà chúng tôi không muốn bỏ lỡ, và cũng không muốn đánh đổi bằng một chuyến du lịch ở một đất nước thú vị nào khác.
Tôi dám chắc có rất nhiều gia đình như gia đình tôi, những người xa quê vì một lý do nào đó nhưng vẫn mong ngóng mỗi năm về quê một lần.
2. Vào dịp này trong năm, tôi cảm nhận được một sự đồng cảm vô cùng to lớn với bao nhiêu người nhập cư ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Cũng như chúng tôi, những ngày lễ tết họ ùn ùn lên xe, tàu, máy bay về quê, để lại một thành phố vắng vẻ hơn, tĩnh lặng hơn, nhưng rõ ràng cũng kém sôi động hơn.
Cái gì đã kéo chúng tôi rời xa quê quán? Lý do thì vô vàn, nhưng tựu trung, đó cũng là cơ hội việc làm, tiền lương, thu nhập cao hơn; đó cũng là chất lượng cuộc sống, chất lượng các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, giao thông.
Cũng có khi xa quê lại đơn giản chỉ là do chọn lựa bạn đời. Tôi biết có những người đau đầu vì suy nghĩ chọn tình yêu hay chọn về quê. Đau đầu thật sự, vì sống xa quê không phải là luôn dễ dàng.
Nhiều khi, bao nhiêu lợi thế về vật chất cũng không đáng giá bằng những tiếng cười giòn giã mỗi khi tụ họp gia đình, cũng như không đáng giá bằng ánh nhìn vui mừng của cha mẹ. Nhiều khi, lựa chọn xa quê gắn với cảm giác day dứt, áy náy với người thân. Xa quê… không bao giờ là vui cả.
Chính vì thế, những người nhập cư (vào một nước khác, hay vào một thành phố khác) đều có điểm chung là mỗi dịp lễ tết, chúng tôi đều cố gắng về thăm gia đình.
Những chuyến đi có thể dài như hơn chục giờ bay kèm theo vài giờ vất vưởng chờ đợi check-in, lấy hành lý, hay có thể chỉ ngắn như hai giờ chạy ôtô… đều chỉ với mục đích là được ăn lễ tết với cha mẹ, người thân tại ngôi nhà mà ta đã lớn lên, thuộc từng ngõ ngách.
Chỉ những dịp đó, ta mới có thời gian chạy qua thăm hỏi hàng xóm, khen bé nhà kia mới một năm mà đã lớn bổng, hay háo hức gặp lại người bạn sống tận bên bờ kia đại dương mười năm nay mới lại về quê.
3. Vì đều là những người nhập cư nên tôi cũng rất hiểu cảm giác của những người lao động Việt Nam từ quê lên thành phố mỗi khi phải đối mặt với những cái nhìn, những lời bình phẩm ác ý, kỳ thị về gốc gác, quê quán, về sự khác biệt văn hóa. Nếu chú ý một chút, ta thấy khá phổ biến những nhận xét kiểu như người nhập cư làm hỏng thành phố, người nhập cư làm quá tải các dịch vụ, người nhập cư quê mùa, không văn minh…
Thậm chí, có cả những nhận xét kỳ thị về vùng miền. Cho dù văn hóa Việt Nam chỉ có một, nhưng nhiều người vẫn thích chia văn hóa thành thị, văn hóa làng quê, hay văn hóa mỗi khu vực, tỉnh thành. Chỉ nhìn khía cạnh tiêu cực, nhiều người đã bỏ qua những đóng góp tích cực của dân nhập cư cho thành phố mình ở.
Người bản địa ở thành phố lớn, hay người lao động nhập cư, suy cho cùng đều là người Việt, nói tiếng Việt, mang văn hóa Việt và có cùng mong muốn chung là có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Biết đâu, khi thấy thành phố yên tĩnh quá, những người “bản địa” lại nhớ đến những người nhập cư và mong họ sớm trở lại để sự sôi động đặc trưng của Việt Nam lại tiếp diễn như ngày thường?
Khi chúng ta nhìn cuộc sống một cách tích cực thì chắc rằng cuộc sống cũng mang lại cho chúng ta nhiều điều tốt đẹp hơn.
Theo Tuổi Trẻ