Home Cộng Đồng Những điều khách Tây sợ bị lừa khi tới Việt Nam
Cộng Đồng

Những điều khách Tây sợ bị lừa khi tới Việt Nam

Khách quốc tế thường dễ nhầm tờ 500.000 đồng và 20.000 đồng, vì nhìn thoáng qua chúng khá giống nhau.

Matthew Pie, du khách Canada có thời gian sống lâu ở TP HCM, đã có những chia sẻ về Việt Nam trên Culture Trip với bạn bè quốc tế. Theo đánh giá của Pie, Việt Nam là một đất nước xinh đẹp, người dân thường rất tự hào khoe với bạn bè nước ngoài về quê hương mình.

Tuy nhiên, bên cạnh việc ngắm cảnh, thưởng thức các món ăn ngon, du khách tới đây cũng nên cẩn thận với một số mánh khóe của những kẻ lừa đảo.

Việt Nam thu hút khách quốc tế nhờ cảnh đẹp tự nhiên, đồ ăn ngon. Ảnh: Culture Trip.

Việt Nam thu hút khách quốc tế nhờ cảnh đẹp tự nhiên, đồ ăn ngon. Ảnh: Culture Trip.

Một trong những bẫy du lịch mà các khách Tây thường dễ “dính” nhất là bị tráo tiền có mệnh giá lớn với mệnh giá nhỏ hơn. Pie cho biết tờ 500.000 đồng với tờ 20.000 đồng nhìn lướt qua khá giống nhau. Do đó, nhiều kẻ lừa đảo đã tìm cách tráo đổi những tờ tiền này của du khách. Mẹo nhỏ là bạn nên tiêu những tờ tiền có mệnh giá lớn tại siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi. Với các quán vỉa hè, hàng rong, bạn nên trả họ bằng tờ tiền có mệnh giá nhỏ.

Pie khẳng định phần lớn taxi ở Việt Nam đều làm ăn trung thực, nhưng vẫn còn tồn tại một số taxi “dù”. Họ thường lừa khách đi taxi bằng cách để đồng hồ đo công tơ mét chạy với tốc độ “chóng mặt”. Nhiều người đã phải trả số tiền lớn khi đi một quãng đường ngắn. Do vậy, du khách nên gọi taxi của các hãng uy tín, nhờ lễ tân khách sạn gọi hộ hoặc đặt xe qua các ứng dụng.

Một góc phố Bùi Viện (TP HCM) trong mắt du khách quốc tế. Ảnh: Culture Trip.

Nhiều du khách đã mất tiền oan vì mua tour của các công ty ma. Thường các nơi lừa đảo này sẽ mời chào, bán tour dưới những cái tên gần giống với các đơn vị lữ hành lớn, uy tín của Việt Nam. Mẹo ở đây là du khách nên kiểm tra kỹ tên các hãng du lịch trên mạng, trước khi đặt mua tour.

Pie kể rằng, anh biết một trường hợp khách nước ngoài thuê đánh giày ở Việt Nam. Trước khi đưa giày, họ đã thỏa thuận số tiền. Sau đó, người này phải trả gấp đôi, vì thỏa thuận ban đầu là cho một chiếc giày. Muốn đánh chiếc còn lại, bạn phải trả số tiền tương tự.

Hãy cẩn thận với những người bán hàng rong cũng là điều Pie muốn khuyên. Nhiều người sẽ gợi ý cho bạn mượn quang gánh của họ để chụp ảnh. Khi bạn đang mải mê chụp, họ sẽ bổ trái cây, nước dừa cho bạn uống và buộc bạn thanh toán tiền, dù trước đó không yêu cầu.

Theo Vnexpress

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *