Home Cộng Đồng Người Mỹ xin ‘bùa hộ mệnh’ quốc tịch ngoại giữa đại dịch
Cộng Đồng

Người Mỹ xin ‘bùa hộ mệnh’ quốc tịch ngoại giữa đại dịch

Khi Covid-19 tàn phá nước Mỹ và hộ chiếu quyền lực của nước này giảm giá trị, không ít người Mỹ vội vã tìm “bùa hộ mệnh” thứ hai.

Juliana Calistri lớn lên ở Chicago, nhưng cuộc sống luôn bao quanh mọi thứ về Italy, như âm nhạc, đồ ăn và ngôn ngữ. Ông bà của Calistri lớn lên ở Bagni di Lucca, vùng Tuscany, Italy và dù bố bà sinh ra ở Chicago, ông vẫn nói tiếng Italy trước tiếng Anh.

“Nếu bạn bảo tôi làm bánh, tôi sẽ làm bánh quy và bánh chanh, chứ không phải bánh sôcôla hay bánh nho khô yến mạch. Bản sắc của người Italy luôn ở trong tôi”, Calistri, 46 tuổi, sống tại Nashville, cho hay.

Calistri luôn muốn sống ở nước ngoài, nhưng nghĩ rằng sở hữu quốc tịch Italy là điều không thể. Theo luật Italy, phụ nữ có thể chuyển quốc tịch cho con của họ sau năm 1948, thời điểm hiến pháp hiện tại của quốc gia này có hiệu lực. Bố của Calistri sinh năm 1947, nên ông không thể thừa hưởng quyền công dân Italy từ mẹ. Ông của Calistri cũng từ bỏ quốc tịch Italy khi nhập tịch vào Mỹ.

Hai hành khách ở sân bay quốc tế Dulles, ở Virginia hồi tháng 3. Ảnh: NYTimes.

Hồi tháng 5, Calistri bắt đầu làm việc với chuyên gia khai vấn, người thúc đẩy xem lại điều luật trên. Calistri phát hiện ra rằng sau một phán quyết mang tính bước ngoặt được đưa ra năm 2009, mọi người nhiều lần tranh cãi về luật dòng dõi năm 1948 tại tòa án và giành chiến thắng.

Do đó, bà quyết định nộp đơn xin cấp quốc tịch. “Đại dịch thực sự đã khiến tôi hiểu ra những điều cơ bản. Bạn phải xem xét điều mình cần trong cuộc sống và điều gì quan trọng nhất. Đó là gia đình tôi chứ không phải thứ gì khác. Bản sắc và văn hóa sẽ quyết định tôi là ai và tôi là gì”, bà nói.

Calistri là một trong hàng trăm người liên hệ tới Italian Citizenship Assistance, tổ chức giúp người muốn xin hộ chiếu Italy, trong vài tháng qua.

“Chúng tôi đã thấy số lượng người liên hệ từ tháng 5 đến nay tăng gấp 5 lần so với năm ngoái”, Marco Permunian, người sáng lập tổ chức nói và thêm rằng đội ngũ 48 người của ông bị quá tải. “Chúng tôi có nhiều yêu cầu tới mức không thể giải quyết hết”.

Bà Calistri dự kiến chuyển tới Italy cùng con gái 9 tuổi và mẹ 73 tuổi ngay khi nhận được hộ chiếu mới.

Khi đại dịch tàn phá nước Mỹ, nhiều người dân nước này nhận thấy quyền công dân thứ hai hoặc quyền thường trú ở một quốc gia khác là yêu cầu cần thiết. “Ngay cả những điều cơ bản nhất cũng bị chính trị hóa”, theo Anjelica Triola, 34 tuổi, cũng có gốc Italy và là giám đốc kinh doanh của Wethos, công ty giúp người làm nghề tự do phát triển sự nghiệp.

Cô lấy ví dụ về vấn đề khẩu trang. “Ông bà tôi đã đến đây để được tự do, nhưng có cả một thế hệ đang tìm cách trở về để theo đuổi quyền tự do tương tự”, cô nói.

Một số người xem đây như bảo hiểm tự do đi lại trong tương lai. Trong khi một số khác trong thời gian rảnh rỗi vì cách biệt cộng đồng đã nộp đơn xin cấp quyền công dân thứ hai, điều nằm trong kế hoạch dài hạn của họ.

Hai con đường để có hộ chiếu thứ hai mà không cần sống và làm việc ở nước ngoài: bỏ ra số tiền lớn để mua hoặc chứng minh có gốc gác của nước đó.

Nhiều quốc gia cung cấp thị thực cho người đầu tư, chương trình thường được gọi là “thị thực vàng”. Một số nước, như Cyprus, St. Lucia, Grenada, Malta, Thổ Nhĩ Kỳ và Montenegro, cấp quyền công dân cho người mua đất đai hoặc đầu tư.

Mỗi quốc gia đều có quy định riêng. Ở Cyprus, chính phủ mất khoảng 8-12 tháng để giải quyết đơn xin cấp hộ chiếu thông qua đầu tư, nhưng ở Montenegrp chỉ mất ba tháng, theo Henley & Partners, công ty luật ở Anh, chuyên tư vấn cho khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu có nhu cầu này.

“Đại dịch đã tác động tồi tệ theo nhiều cách”, Paddy Blewer, giám đốc Henley & Partners, nói và thêm rằng nó chính là điểm khởi đầu cho nhiều khách hàng của họ nghĩ tới việc sở hữu hộ chiếu thứ hai.

Blewer cho biết yêu cầu gửi đến Henley & Partners đã tăng gấp rưỡi từ tháng 1 tới tháng 4 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Khách hàng của công ty này thường phải trả khoảng 24.000 USD tới gần 600.000 USD tùy theo mức độ phức tạp của từng trường hợp.

Các gia đình phải cân nhắc về chi phí thích hợp, tốc độ phê duyệt đơn, cũng như chính sách chăm sóc sức khỏe và giáo dục ở các nước khác nhau.

Tự do đi lại cũng là yếu tố quan trọng cần cân nhắc. Người có hộ chiếu Mỹ hiện có thể dễ dàng tới 87 quốc gia, thay vì 171 như năm 2019, theo Passport Index, trang tổng hợp dữ liệu về hộ chiếu các nước.

“Việc sụt giảm hơn 50% về tự do đi lại của hộ chiếu Mỹ là lời cảnh tỉnh cho rất nhiều gia đình. Hộ chiếu Mỹ giờ không còn quyền lực như trước”, Armand Arton, người sáng lập công ty Arton Capital chuyên về xin cấp quyền công dân hoặc thường trú dựa trên đầu tư, có trụ sở ở Canada, nhận định.

Người sinh ra ở Mỹ sẽ tự động có quyền công dân. Ở nhiều quốc gia khác, con cái được thừa hưởng quốc tịch từ bố mẹ. Điều này đồng nghĩa con cháu của người nhập cư từ một số quốc gia có thể yêu cầu quyền công dân ở ở đó, nếu họ có thể chứng minh mối quan hệ này vẫn được duy trì qua một số thế hệ.

Người gốc Italy, trong đó khoảng 16,5 triệu người ở Mỹ, có thể khôi phục quyền công dân thông qua cha mẹ, ông bà và thậm chí cả đời trước đó.

Việc xin quốc dịch dựa trên dòng dõi đã trở nên khá phổ biến đối với công dân Mỹ có gốc nhập cư. Nhưng hầu hết các nước trên thế giới, việc xin quốc tịch kiểu này khó đạt được hoặc không mang lại nhiều lợi ích cho người mang quốc tịch Mỹ. Nguyên nhân có thể là quốc tịch đó chỉ truyền từ bố mẹ sang con, hoặc quốc gia đó không cho phép có hai quốc tịch, hoặc hộ chiếu thứ hai không mang lại thêm lợi ích, như giáo dục miễn phí hoặc có thể đi lại tự do ở nhiều nước hơn.

Nhu cầu xin cấp quốc tịch thứ hai đã tăng lên trong vài tháng qua. “Tôi thấy cách người châu Âu bắt tay cùng nhau để đạt được mục tiêu, như chống Covid-19. Đại dịch đã thực sự tác động rất nhiều đến tôi”, Susan Periharos, người đã nộp đơn xin cấp quyền công dân Hy Lạp 4 tuần trước, cho hay.

Người Mỹ xếp hàng ở Trung tâm Nghề nghiệp Kentucky tại Frankfort, bang Kentucky, với hy vọng được nhận trợ cấp thất nghiệp do Covid-19, hôm 18/6. Ảnh: Reuters

Periharos cho biết cô không từ bỏ Mỹ, nhưng nhận thấy nhiều lợi ích của hộ chiếu thứ hai. Cô và chồng có thể tới Hy Lạp ngay cả khi có lệnh cấm người Mỹ trong tương lai. Với hộ chiếu của nước thuộc khu vực Schengen, các con cô có thể sống và làm việc ở hầu hết châu Âu.

Số người đăng ký hộ chiếu Hy Lạp dã tăng ba lần so với cùng kỳ năm trước, theo công ty Christina Mantas & Associates, nơi đang giúp xử lý đơn yêu cầu của Periharos. Công ty này thêm rằng chi phí để có quyền công dân ở Hy Lạp dao động 700 USD tới hơn 2.300 USD và có thể mất từ ba tháng tới ba năm năm để xử lý.

Quá trình xin cấp quốc tịch đòi hỏi nhiều thời gian và cần kiên nhẫn. Người đăng ký thường phải nộp giấy khai sinh, hồ sơ nhập tịch vào Mỹ, giấy tờ chứng nhận kết hôn hoặc đã ly dị.

“Covid-19 đã khiến thế giới dừng lại một chút”, Bianca Ottone, người sáng lập My Italian Family, công ty cung cấp dịch vụ quyền công dân từ năm 2001, nói.

Ottone thêm rằng số người liên hệ tới công ty cô tăng 50% trong 6 tháng qua. “Nhiều người gọi tới chúng tôi nói rằng ‘bạn có nhớ chúng ta từng thảo luận về nó năm 2018 hay 2019 không?’ Điều này đã nằm trong dự tính của họ và giờ là lúc thực hiện”, cô nói.

Triola, giám đốc kinh doanh của Wethos và sống ở Los Angeles, từng xin cấp quyền công dân Italy từ năm 2018 nhưng kế hoạch này phải dừng lại vì gặp khó khăn về xin giấy chứng nhận kết hôn của ông bà cô và tên không khớp giữa hồ sơ của Mỹ và Italy. Nhưng gần đây, Triola quyết định nộp đơn lần nữa.

Ngoài các phúc lợi ở Italy như chăm sóc sức khỏe với chi phí hợp lý, nghỉ phép có lương và nhiều lợi thế khác, Triola cho biết bối cảnh chính trị hiện tại ở Mỹ khiến cô hoài nghi có thể “sống thoải mái”.

Dave Gallo, 73 tuổi, người nghỉ hưu ở San Francisco, cũng đã nộp đơn xin quyền công dân Italy năm 2017 và được phê duyệt hồi tháng 2 năm nay. Gallo cho biết đại dịch đã chứng minh lựa chọn của ông hoàn toàn chính xác.

“Đại dịch đã mang tới nhiều bất ổn đến mức không ai biết cuộc sống sẽ ra sao trong 10-15 năm tới. Đối với một người cao tuổi, nó thậm chí còn khó khăn hơn. Nếu hỏi nơi tôi muốn sống trong quãng đời còn lại ở đâu, câu trả lời là Italy”, ông Gallo nói.

Theo Vnexpress

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *