Home Cộng Đồng Lãnh sự quán Houston từ ‘quả ngọt’ Mỹ – Trung đến nghi vấn ổ gián điệp
Cộng Đồng

Lãnh sự quán Houston từ ‘quả ngọt’ Mỹ – Trung đến nghi vấn ổ gián điệp

Houston là nơi Trung Quốc thiết lập lãnh sự quán đầu tiên tại Mỹ, nhưng 4 thập kỷ sau, nơi đây chứng kiến động thái mạnh tay chưa có tiền lệ của Washington.

Đầu năm 1979, chỉ vài tuần sau khi Mỹ – Trung bình thường hóa quan hệ, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tới Mỹ thăm cấp nhà nước và đội một chiếc mũ cao bồi xem đua ngựa ở phía tây Houston, Texas. Cảnh tượng này đã trở thành một hình ảnh nổi bật trong lịch sử quan hệ hai nước.

“Đám đông huýt sáo, vỗ tay thích thú khi ông Đặng đội chiếc mũ cao bồi. Chỉ bằng một cử chỉ đơn giản, ông Đặng dường như không chỉ chấm dứt 30 năm đối đầu gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, mà còn mở đường cho người dân nước mình tiếp nhận lối sống và văn hóa Mỹ”, một nhà báo tháp tùng ông Đặng trong chuyến công du viết.

Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đội mũ cao bồi tại Texas ngày 2/2/1979. Ảnh: AP.

Sau chuyến công du của ông Đặng, Houston, thành phố lớn thứ tư nước Mỹ, trở thành nơi đặt Tổng lãnh sự quán Trung Quốc đầu tiên tại quốc gia này. Tổng lãnh sự quán mở cửa năm 1979, cung cấp dịch vụ lãnh sự cho 8 bang Mỹ gồm Texas, Oklahoma, Louisiana, Arkansas, Mississippi, Alabama, Georgia, Florida và cả Puerto Rico.

Tổng lãnh sự quán ở Houston lúc đó được coi là “quả ngọt” cho mối quan hệ nồng ấm Mỹ – Trung. Trung Quốc sau đó mở thêm lãnh sự quán ở San Francisco, New York, Chicago và Los Angeles.

Trung Quốc, nước nhập khẩu hơn 70% dầu mỏ, có lợi ích thương mại lớn với Texas, một trong những bang xuất khẩu dầu thô lớn nhất ở Mỹ. Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký hồi tháng một, Trung Quốc đồng ý mua thêm 18,5 tỷ USD sản phẩm năng lượng của Mỹ trong năm đầu tiên và thêm 33,9 tỷ USD trong năm thứ hai.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Houston “mắc kẹt” trong mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã quá cảnh tại thành phố vào năm 2017 và 2018 trên đường đến Trung Mỹ. Cũng trong năm 2017, một quan chức hàng đầu trong chương trình thám hiểm không gian của Trung Quốc bị từ chối cấp visa để tham dự một hội nghị khoa học ở phía bắc Houston.

Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston tháng 8 năm ngoái ra tuyên bố lên án Daryl Morey, tổng giám đốc đội bóng rổ Houston Rockets vì một bài đăng trên Twitter ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston ngày 22/7. Ảnh: AFP.

Trong những tháng gần đây, lãnh sự quán ở Houston đã thể hiện thiện chí bằng cách tặng khẩu trang và vật tư y tế cho các bệnh viện địa phương để đối phó Covid-19. Hồi tháng 9/2019, Tổng lãnh sự Thái Vĩ gặp Thị trưởng Houston Sylvester Turner nhằm thúc đẩy tình hữu nghị giữa thành phố này và Trung Quốc.

Tuy nhiên, hơn 4 thập kỷ sau chuyến công du lịch sử của Đặng Tiểu Bình, Houston là nơi Washington có động thái mạnh mẽ với quan hệ đang xói mòn giữa hai quốc gia, khi yêu cầu lãnh sự quán Trung Quốc ở đây đóng cửa.

Lãnh sự quán ở Houston có khoảng 60 nhân viên. Các quan chức Mỹ có thể đã tính toán kỹ khi chọn địa điểm này vì đây là thành phố kết nghĩa với Vũ Hán. Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách đóng cửa lãnh sự quán tại Vũ Hán nhưng động thái sẽ chỉ mang tính biểu tượng vì Bộ Ngoại giao Mỹ đã sơ tán lãnh sự quán ở đây khi Covid-19 bùng phát ở thành phố. Tuy nhiên, quyết định này cho thấy căng thẳng Mỹ – Trung leo thang nhanh chóng khi hai nước đang bất hòa trên nhiều lĩnh vực, từ nguồn gốc của nCoV đến vấn đề Hong Kong, Tân Cương và Biển Đông.

Mỹ giải thích họ đóng cửa lãnh sự quán để “bảo vệ sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ”. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, quyền chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, cáo buộc lãnh sự quán ở Houston là “nút trung tâm của mạng lưới gián điệp rộng lớn và nỗ lực gây ảnh hưởng của đảng Cộng sản Trung Quốc tại Mỹ”, tham gia vào hoạt động gián điệp thương mại và gián điệp quốc phòng.

David R. Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, cho biết lãnh sự quán ở Houston là trung tâm của hành vi trộm cắp nghiên cứu ở Mỹ. Ông cáo buộc Trung Quốc cố gắng tăng tốc thực hiện các vụ trộm dữ liệu khoa học ở Mỹ trong 6 tháng qua, có thể liên quan đến nỗ lực phát triển vaccine, mặc dù ông không đưa ra bằng chứng.

NYTimes thu được một tài liệu dài 7 trang do các quan chức hành pháp Mỹ biên soạn, liệt kê một số cuộc điều tra của FBI liên quan đến lãnh sự quán ở Houston. Chúng bao gồm những cuộc điều tra về chuyển bất hợp pháp nghiên cứu y tế và thông tin nhạy cảm khác từ các tổ chức trong khu vực; kế hoạch thuyết phục hơn 50 nhà nghiên cứu, giáo sư và học giả trong khu vực chuyển giao những nghiên cứu hoặc thông tin mật cho các tổ chức Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Washington bác bỏ những cáo buộc của Mỹ, cho rằng chúng là bịa đặt vô căn cứ. Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ đảo ngược quyết định và dọa đáp trả.

Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston Thái Vĩ nói ông rất sốc trước quyết định của Mỹ. Khi được hỏi về thông tin Tổng lãnh sự quán đã bị đóng cửa vì Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng đây là một “ổ” hoạt động gián điệp kinh tế, do thám bí mật kinh doanh của Mỹ, ông Thái không lên tiếng bác bỏ thẳng thừng, mà chỉ yêu cầu phía Mỹ cung cấp bằng chứng.

Cheng Xiaohe, phó giáo sư tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhấn mạnh động thái của Mỹ chưa có tiền lệ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. “Nếu quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục xấu đi mà không được kiểm soát, hệ quả tiếp theo sẽ là cắt đứt quan hệ ngoại giao”, Cheng nói.

Theo Vnexpress

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *