Home Cộng Đồng Lạc đà có thể là nguồn gốc của đại dịch tiếp theo
Cộng Đồng

Lạc đà có thể là nguồn gốc của đại dịch tiếp theo

Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực ngăn chặn một loại virus corona nguy hiểm – MERS-CoV – nhảy từ lạc đà sang người lần nữa, nhưng biến đổi khí hậu khiến công việc này khó khăn hơn.

Người ta cho rằng đại dịch Covid-19 có nguồn gốc từ động vật trước khi lây sang con người. Các chuyên gia đang cảnh báo đại dịch tiếp theo có khả năng cũng sẽ xảy ra theo cách tương tự.

Theo chương trình Predict chính phủ Mỹ tài trợ và có sự tham gia của các chuyên gia bệnh truyền nhiễm toàn cầu, 75% bệnh mới xuất hiện và ảnh hưởng đến con người có nguồn gốc từ động vật.

Hiện tại, các nhà khoa học của Predict đã xác định được 1.200 bệnh mới lây truyền từ động vật hoặc có nguồn gốc từ động vật. Tuy nhiên, họ ước tính còn khoảng 700.000 bệnh lây truyền từ động vật nữa mà chúng ta vẫn chưa phát hiện ra.

Một trong những loài động vật đang thu hút sự chú ý của các nhà khoa học là lạc đà.

Lạc đà là đối tượng đang được nghiên cứu để đề phòng đại dịch tiếp theo. Ảnh: Jacob Kushner.

Trung gian truyền bệnh

Trên khắp đông bắc châu Phi, châu Á và Trung Đông, hàng triệu con lạc đà đang được chăn nuôi. Nhiều cộng đồng hoàn toàn phụ thuộc vào lạc đà.

Chủ nuôi thường nói lạc đà là những sinh vật hiền lành. Nhưng nếu đến gần chúng với một cây kim để lấy máu và dùng que lấy mẫu ở mũi và trực tràng, bạn sẽ biết sinh vật này khi giận dữ đáng sợ thế nào.

“Nó có thể đá, phun nước bọt, tiểu vào bạn”, Millicent Minayo, người đã dành hai năm để xét nghiệm lạc đà và những người chăn nuôi ở Marsabit, Kenya, nói với BBC.

“Bất kỳ ai tiếp xúc với họ đều có thể bị lây bệnh”, nhân viên giám sát của Đại học bang Washington này nói.

Loại virus corona Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS) là Mers-CoV, và nó đã được chứng minh là làm chết người gấp 10 lần so với virus gây bệnh Covid-19.

MERS được phát hiện ở Saudi Arabia vào năm 2012. Đến năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định “1.761 trường hợp dương tính với MERS-CoV, trong đó có ít nhất 629 trường hợp tử vong”.

Cuối năm đó, một đợt dịch tại bệnh viện đã làm dấy lên lo ngại rằng không chỉ những người chăn nuôi lạc đà mới dễ mắc bệnh, mà bất kỳ ai cũng vậy.

Dù lạc đà có thể là trung gian truyền bệnh, mối nguy từ MERS chủ yếu là do con người tạo ra, BBC nhận định.

Lấy mẫu thử từ lạc đà là một công việc khó khăn. Ảnh: Jacob Kushner.

Biến đổi khí hậu khiến hạn hán thường xuyên hơn, kéo dài và nghiêm trọng hơn. Do đó, những người chăn nuôi phải chuyển từ bò và gia súc khác sang lạc đà. Chỉ có loài sinh vật này mới có thể sống hàng tuần mà không cần nước.

Kết quả là số lạc đà tiếp xúc gần với con người ngày một nhiều – điều kiện hoàn hảo để một căn bệnh chết người lây lan.

“Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này ở Kenya vì nơi đây có số lượng lạc đà rất lớn, đặc biệt là ở Marsabit”, bà Minayo nói.

Nhóm của bà Minayo đang chạy đua để xét nghiệm ở người với hy vọng ngăn chặn trước khi MERS bùng lên thành một đại dịch như Covid-19.

“Bạn không biết căn bệnh này nếu lây sang người sẽ diễn biến như thế nào”, bà Minayo nói với BBC.

“Không ai biết trước rằng Covid-19 sẽ trở thành đại dịch toàn cầu cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Vì vậy, tốt hơn hết là chúng ta có thể phòng ngừa chúng. Phòng bệnh lúc nào cũng tốt hơn chữa bệnh”, chuyên gia này nói thêm.

Đất nước của những con lạc đà

Kenya là nơi 3 triệu con lạc đà – gần 10% tổng số lạc đà trên thế giới – đang được chăn nuôi. Theo chính phủ Kenya, hạt Marsabit là nơi ít nhất 224.000 con lạc đà đang sinh sống. Số lạc đà gần bằng dân số của hạt này.

80% dân số nơi này sống trong cảnh nghèo đói. Nền kinh tế của Marsabit không được hưởng lợi từ thứ đã vực dậy những địa phương khác của Kenya như du lịch. Trong số 2 triệu khách du lịch đến Kenya mỗi năm, chỉ có vài nghìn người đi đến Marsabit.

Do đó, chăn nuôi chiếm 85% nền kinh tế của hạt Marsabit. Ngoài việc là sinh kế, lạc đà và bò còn được xem là tài sản của gia đình và có thể được dùng làm của hồi môn hoặc đóng học phí.

Đặc biệt, lạc đà đang được nuôi nhiều hơn khi hạn hán xảy ra ngày càng thường xuyên. Song, càng có nhiều lạc đà, nguy cơ mắc bệnh truyền từ động vật càng cao.

“Việc chăn dắt số lượng gia súc lớn tăng khả năng chúng tiếp xúc với động vật hoang dã”, Dawn Zimmerman, bác sĩ thú y dẫn đầu các dự án của Predict ở Kenya, cho biết.

“Mầm bệnh vẫn luôn ở đó. Khi có cơ hội, chúng sẽ nhảy sang người”, bà Zimmerman nói thêm.

MERS là một căn bệnh như vậy. Nghiên cứu gần đây cho thấy những người chăn lạc đà đặc biệt dễ mắc MERS. Một số người thậm chí còn dương tính với kháng thể, điều này nghĩa là họ từng nhiễm virus.

Kenya có gần 3 triệu con lạc đà, chiếm 10% số lạc đà trên thế giới. Ảnh: Jacob Kushner.

Theo báo cáo của chính phủ Kenya, cứ sau một đến 3 năm, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn và những người chăn nuôi có thể mất tới 50% đàn gia súc của họ.

Tuy nhiên, các nhà khoa học khí hậu cho biết điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Liên Hợp Quốc dự đoán nhiệt độ ở Kenya sẽ tăng 2 độ C vào năm 2050. Đến năm 2100, diện tích đất bị hạn hán ảnh hưởng có thể tăng hơn 50% tại một số khu vực ở Đông Phi.

Những đợt hạn hán đó khiến người chăn gia súc phải đi xa hơn trong sa mạc để tìm cỏ. Họ phải ở đó trong nhiều ngày, không có lửa, Kariuki Njenga, nhà khoa học dẫn đầu nghiên cứu thực địa về MERS ở Marsabit, nói với BBC.

Mỗi đêm những người chăn gia súc đưa lạc đà vào sa mạc tìm cỏ là thêm một đêm họ ngủ với những con lạc đà của mình để sưởi ấm. Hàng ngày, họ uống sữa lạc đà và đây đôi khi là nguồn dinh dưỡng duy nhất của họ trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Khi một con lạc đà chết trên sa mạc, họ đôi khi ăn thịt mà không nấu chín vì thiếu củi.

Những hành động này là nguy cơ khiến virus lây sang người.

Nguy cơ từ lạc đà

Trước khi Covid-19 bùng phát, 13 căn bệnh khác nhau lây truyền từ động vật bao gồm lao phổi, viêm gan E và cúm gia cầm khiến 2,4 tỷ người mắc bệnh và 2,2 triệu ca tử vong mỗi năm. Nhiều bệnh trong số này lây truyền qua vật nuôi.

Cho đến nay, MERS vẫn chưa lây sang con người ở Marsabit.

Mỗi buổi sáng, Minayo và đồng nghiệp Boru Dub Wato sẽ lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên 6 con lạc đà. Sau đó, họ sẽ chuyển sang lấy mẫu người dân Marsabit.

Các mẫu sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm trong thị trấn và làm lạnh cho một chuyến đi dài đến Nairobi để tìm MERS-CoV.

Những mẫu thử nhóm của bà Minayo thu thập trong hai năm qua đều cho kết quả âm tính. Song nếu virus lây sang người, hệ quả sẽ rất tàn khốc.

MERS gây ra các biến chứng với hệ hô hấp như Covid-19, bao gồm cả viêm phổi. Ban đầu, người bệnh thường có các triệu chứng như ngạt mũi, ho, đau ngực hoặc khó thở. Trong trường hợp xấu nhất, MERS có thể gây xơ phổi, dẫn đến chết người. Theo WHO, hơn 1/3 người mắc MERS đã chết vì biến chứng này.

Hệ thống y tế của Marsabit đặc biệt dễ bị quá tải nếu MERS bùng phát. Tính đến năm 2014, cả hạt Marsabit chỉ có 5 bác sĩ. Điều này nghĩa là một bác sĩ phải phụ trách 64.000 người. Con số này gấp 64 lần tỷ lệ WHO khuyến nghị.

Song, không chỉ Marsabit bị MERS đe dọa. Một số nhà khoa học cho biết MERS có thể gây ra rủi ro cho con người trên toàn thế giới – miễn là nơi đó có lạc đà.

Nơi nào có lạc đà, nơi đó phải đối mặt với rủi ro từ MERS. Ảnh: Jacob Kushner.

Ở sa mạc Gobi của Trung Quốc và Mông Cổ, lạc đà hoang dã tiếp xúc nhiều hơn với con người và gia súc, khiến chúng dễ bị MERS hơn. Một nghiên cứu năm 2019 ở Morocco phát hiện ra kháng thể MERS ở những người chăn nuôi lạc đà và công nhân lò mổ. Điều này cho thấy nguy cơ MERS lây sang người là “rất cao”.

Một khi lây từ động vật sang người, ổ dịch MERS có thể mở rộng rất nhanh. Trong hai tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020, Saudi Arabia ghi nhận 15 người mắc MERS. Ba ca trong số đó là nhân viên y tế bị người bệnh lây nhiễm.

“Việc virus RNA như virus corona có khả năng đột biến nghĩa là chúng ta không bao giờ biết điều gì có thể xảy ra với loại virus đó”, bà Zimmerman cho biết.

Đó là lý do việc tài trợ cho các nghiên cứu xác định loài động vật và bệnh tật có thể gây ra đại dịch tiếp theo là rất quan trọng ở thời điểm hiện tại, bà Zimmerman nói thêm.

Bà Minayo nhận định những người chăn nuôi có thể là nạn nhân đầu tiên.

“Lạc đà cũng hắt hơi và ho. Khi nó nhổ nước bọt vào bạn hay hắt hơi sẽ tạo ra giọt bắn. Bất kỳ ai tiếp xúc với lạc đà đều có thể bị nhiễm virus từ những giọt bắn đó”, bà Minayo nói với BBC.

Và không giống như con người, “lạc đà không đeo khẩu trang”, chuyên gia này nói thêm.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *