Home Cộng Đồng ‘Hàn Quốc không màu hồng như phim ảnh’
Cộng Đồng

‘Hàn Quốc không màu hồng như phim ảnh’

Sinh viên và lao động Việt tại Hàn Quốc cho rằng có tình trạng người Hàn phân biệt đối xử với người nước ngoài, cả trong học tập, làm việc và quan hệ gia đình.
Quán thịt nướng trong con ngõ nhỏ ở thành phố Daegu khi ấy vắng khách. Đeo trên người tạp dề màu đen, cô sinh viên 20 tuổi Nguyễn Thị Phương Anh tranh thủ ngồi nghỉ bên bếp nướng.

Chính tại đây, từ chạng vạng tối cho tới 2h sáng mỗi ngày, Phương Anh phục vụ rất nhiều người Hàn Quốc đến ăn uống.

“Làm quán ăn mà gặp khách không ưa người ngoại quốc, họ sẽ tỏ thái độ không lịch sự với mình. Nếu thấy mình nói tiếng Hàn không giỏi chẳng hạn, họ khinh thường luôn”, Phương Anh bức xúc chia sẻ với PV. “Chuyện người Hàn phân biệt đối xử với người Việt là có thật”.


Quán thịt nướng tại thành phố Daegu, Hàn Quốc, nơi Phương Anh làm thêm mỗi tối. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phân biệt đối xử “từ trường ra phố”

Theo học chương trình ngôn ngữ Hàn Quốc tại trường Đại học Quốc gia Kyungpook, Phương Anh đã sống tại thành phố Daegu được 1,5 năm. Khi mới nhập học, những sinh viên năm nhất người nước ngoài như Phương Anh được trường chỉ định bạn học người Hàn đến giúp đỡ.

“Có bạn nhiệt tình giúp, nhưng cũng có bạn không thiện chí. Ví dụ khi được nhờ tư vấn đăng ký môn học sao cho phù hợp hoặc chọn giáo sư dễ tính, bạn người Hàn kia sẽ hướng dẫn linh tinh, có khi còn làm khó mình. Nhiều bạn chúng em liên lạc còn không trả lời”, Phương Anh kể. “Nếu may thì gặp người giúp đỡ tốt, gặp người không tốt thì cũng như không”.

Tình trạng phân biệt đối xử thường xảy ra với người Đông Nam Á và đặc biệt là người da đen châu Phi. Đối với sinh viên đến từ các quốc gia phương Tây, người Hàn không như vậy, Phương Anh cho biết.

Cùng nhận xét với Phương Anh, Nguyễn Thị Dung, 23 tuổi, sinh viên năm thứ hai trường Đại học Dongguk, cho biết cô và nhiều bạn học khác đều “cảm nhận rõ ràng” khi có người nước ngoài tới theo chương trình trao đổi, sinh viên Hàn Quốc có xu hướng “thích chơi” và “kết bạn nhiệt tình” với người phương Tây hơn người châu Á.

“Trong nhiều chương trình, buổi giao lưu văn hóa do câu lạc bộ sinh viên tổ chức, sinh viên Hàn ưu tiên lựa chọn các bạn phương Tây gia nhập”, Dung nói với PV.

Giống như nhiều sinh viên Việt Nam du học theo diện tự túc khác, ngoài thời gian lên lớp, Phương Anh đi làm thêm để kiếm tiền trang trải học phí và sinh hoạt phí. Cô sinh viên Đại học Quốc gia Kyungpook khẳng định từ trường học cho tới chỗ làm của mình đều có tình trạng phân biệt đối xử với người nước ngoài.


Phương Anh (thứ 4 từ trái qua) cùng các bạn học tại Đại học Quốc gia Kyungpook. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Có lần ở quán ăn, em chứng kiến một em trai đồng nghiệp có nước da ngăm, kiểu cách ăn mặc hơi lôi thôi mang đồ ra cho khách. Người Hàn liền hỏi ‘bạn không phải người Hàn đúng không?’. Khi biết em ấy là người Việt, nhóm khách quay ra cười với nhau tỏ ý khinh bỉ. Thái độ khinh người biểu hiện rõ nhất ở các bạn nữ”, Phương Anh kể lại.

Trước khi phục vụ ở quán ăn hiện tại, cô cho biết từng bị ông chủ cũ “chậm trả lương” và “có ý định quỵt lương”. “Nhiều ông chủ bắt nạt người ngoại quốc, trả lương thấp, chậm lương hoặc trừ lương linh tinh”.

Dẫn chứng trường hợp của người đồng nghiệp bị chủ không trả lương, Phương Anh kể: “Ông ấy biết mình là người ngoại quốc, lại đi làm chui nên nghĩ mình sẽ không làm gì được. Đến lúc anh đồng nghiệp của em nhờ luật sư can thiệp, ông viện cớ anh này từng làm tràn nước ra bếp khiến than bị hỏng, từ đấy trừ tiền”.

Tại những nơi công cộng khác như trung tâm thương mại, Phương Anh cũng cảm nhận được sự phân biệt đối xử. Khi ghé thăm các cửa hàng mỹ phẩm, người bán hàng thấy khách ngoại quốc liền “đi kèm, như kiểu sợ mình trộm cắp, và thái độ cũng không giống như đối với người Hàn”, Phương Anh chia sẻ.

“Công việc chân tay là để cho người nước ngoài”

Số lượng người nước ngoài ở Hàn Quốc đã tăng hơn ba lần trong 10 năm từ 2006-2015 (từ 537.000 lên 1.741.919 người). Tuy vậy, dù Liên Hợp Quốc từ năm 2014 đã khuyến nghị Hàn Quốc “giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc và bài ngoại”, Hàn Quốc vẫn chưa thông qua luật riêng về chống phân biệt đối xử với người nước ngoài.

Số người nước ngoài như trên tương đương 3% dân số Hàn Quốc. Tỷ lệ này được dự đoán sẽ tăng lên 10% vào năm 2030, tương tự các xã hội châu Âu ngày nay.


Một quán bar với biển báo “chỉ dành cho người Hàn Quốc” ở khu Itaewon, thủ đô Seoul. Ảnh: Lee Tae Hoon

Cục Thống kê Hàn Quốc tháng 12/2018 cho biết 21,2% trong số 1,3 triệu người nước ngoài (1/5 người) chịu phân biệt đối xử ở nước này. Trong số đó, 61% nói bị phân biệt vì quốc tịch và 26% do không nói thạo tiếng Hàn. Các nguyên nhân còn lại bao gồm ngoại hình và nghề nghiệp.

Trích dẫn bài giảng của một giáo sư tại trường đại học, Dung cho biết đa số các công ty vừa và nhỏ, ít kinh phí vận hành sẽ tìm người nước ngoài làm công việc nguy hiểm, nặng nhọc. Đó là các công việc đồng áng, trồng khoai, hái dâu, làm việc tại vườn đào, trang trại nhân sâm, các công việc vất vả, “mài mặt ngoài đường” như giao hàng, bốc vác hàng hóa.

Đọc bình luận dưới các bài báo về việc làm, Dung nhận thấy người Hàn có xu hướng coi “công việc chân tay là để cho người nước ngoài”. “Bình luận trên mạng là thế giới mà người Hàn Quốc nói thẳng nhất, không cần nể nang”, Dung nhận xét.

Theo Phương Anh, đối tượng phân biệt đối xử với người nước ngoài đa phần là các “chị bánh bèo” và các “oppa” (thanh niên trẻ ăn diện, ưa hình thức), ngoài ra còn là những “ajuma” (phụ nữ trung tuổi ở nhà nội trợ). “Họ cho rằng đất nước Việt Nam mình nghèo hơn, không giỏi bằng họ”.

Không muốn hàng xóm là người nhập cư

Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy lương người Hàn tính trung bình hơn lương người nhập cư 55%, cách biệt lớn nhất trong các nước OECD. Nếu giả sử người nhập cư có cùng trình độ với người Hàn, cách biệt vẫn sẽ lên tới 36%, vẫn ở mức cao nhất trong OECD.

Một khảo sát khác năm 2015 của Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình Hàn Quốc cho thấy 31% người Hàn không muốn hàng xóm là người nhập cư. Gần 61% người Hàn Quốc nói họ không coi lao động nước ngoài là một phần của xã hội Hàn Quốc, theo khảo sát do Quỹ Kiều dân Hàn Quốc thực hiện đầu năm 2018 trên 820 công dân trưởng thành.


Một nhóm vận động thông qua luật chống phân biệt đối xử tổ chức họp báo tại quảng trường Gwanghwamun ở Seoul ngày 12/9/2017. Ảnh: Hankyoreh.

Dung cũng nêu ví dụ về người bạn đi làm với mức lương chỉ 5.000 won/giờ (khoảng 5 USD), trong khi lương tối thiểu tại thời điểm đó là hơn 7.000 won/giờ (khoảng 7 USD), với lý do tương tự nhiều trường hợp khác: không giỏi tiếng Hàn. “Những tin tuyển người, thông báo ở rất nhiều quán chỉ trả lương ở mức thấp hơn lương cơ bản”.

Kể lại trường hợp của cháu mình, Dung cho biết tại trường học, trẻ em nước ngoài hoặc con lai thường bị phân biệt đối xử. Một số trường thông báo không tuyển các bé là con lai hoặc người nước ngoài.

Nhiều bà mẹ khẳng định không muốn con mình tiếp xúc với bạn học như vậy. Người nhà của Dung đã phải viết đơn lên khu dân cư, kiến nghị đối xử công bằng.

“Người Hàn không quý người nước ngoài như trước nữa”

Rời khỏi nhà hàng cũ và chuyển tới làm việc ở quán ăn hiện tại, Phương Anh may mắn khi gặp ông chủ mới tốt bụng, “rất thương nhân viên và tâm lý”.

“Quán có bốn người phục vụ Việt Nam toàn là du học sinh, nhà lại ở xa nên ông chủ đều đưa chúng em về tận nhà. Hôm nào bận, ông ấy cho tiền taxi, đưa ra tận nơi nhờ lái xe chở chúng em về an toàn”, Phương Anh tươi cười kể và cho biết nếu trả chậm lương, ông chủ cũng xin lỗi, giải thích rõ lý do.

Vì kinh doanh quán ăn, ông chủ còn căn dặn nhân viên phải nói với ông nếu bị khách trêu. “Nhưng ở đâu cũng có người này người kia. Có nhiều người Hàn đến Việt Nam du lịch cũng rất thích nước mình. Những khách hàng như vậy thường nói với em ‘tôi thích Việt Nam’ và cho thêm tiền”, Phương Anh kể lại.

Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc chào mừng ngày lễ 30/4-1/5 ở thành phố Asan. Ảnh: TTXVN.

Mới trở về Việt Nam sau 10 năm làm lao động phổ thông tại Hàn Quốc, anh Trần Tuấn, 34 tuổi, tự nhận mình may mắn vì từng chuyển nhiều công ty, ngành nghề khác nhau nhưng chưa từng bị phân biệt đối xử ở nơi làm việc.

Hồi tưởng lại những ngày mới sang, “công việc chưa biết, tiếng tăm không sõi”, anh Tuấn vẫn được cấp trên “hướng dẫn, chỉ bảo từng ly từng tí”.

“Có lần tôi để rớt dầu ra cầu thang rất trơn trượt, nhưng ông ý chỉ nhắc lần sau cẩn thận hơn chứ không có thái độ phân biệt gì cả”, anh Tuấn nói với PV.

Ở Hàn Quốc sinh sống và làm việc trong thời gian dài, anh Tuấn nhận thấy thái độ của người Hàn Quốc với người nước ngoài dần thay đổi theo thời gian. “Trước đây, không có nhiều người Việt sang Hàn Quốc. Người Hàn cũng quý người Việt vì cần cù, chăm chỉ, lại vất vả ở xứ người nên thấy thương. Còn bây giờ đi đâu cũng thấy người Việt”.

Phương Anh miêu tả hiện chỉ cần ra ngoài là gần như sẽ gặp người Việt. Một số người ồn ào, ý thức kém, khiến “con sâu bỏ rầu nồi canh”. “Người Hàn cũng khó chịu lắm”.

Anh Tuấn cho biết thêm sau khi Hàn Quốc thông qua chính sách cấp visa 5 năm cho người Việt thời gian gần đây, lượng người Việt sang Hàn Quốc quá đông, ảnh hưởng đến quyền lợi, công việc của người bản địa. “Vì vậy nên người Hàn cũng không còn quý người nước ngoài như trước nữa”.

Chính sách được đưa ra hồi tháng 12/2018, theo đó nới lỏng chứng minh tài chính và cấp thị thực 5-10 năm với công dân, trí thức Việt Nam. Công dân Việt Nam có hộ khẩu tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng được cấp visa sang Hàn Quốc với thời hạn 5 năm và không giới hạn số lần nhập cảnh, tạo thuận lợi cho du khách Việt có cơ hội khám phá xứ kim chi.

Tuy nhiên, anh Tuấn nhận định nhiều người Việt Nam lợi dụng chính sách này để sang Hàn Quốc sinh sống và ở lại, “vì cuộc sống của họ ở Việt Nam quá khó khăn”.


Hàng dài người chờ trước Đại sứ quán Hàn Quốc ở Hà Nội để làm thủ tục xin visa 5 năm. Ảnh: Việt Hùng.

“Người Hàn cho rằng họ đã phải phấn đấu rất vất vả trong quá khứ để có được kinh tế như bây giờ. Người nước ngoài giờ chỉ việc sang hưởng an sinh, phúc lợi của nước họ”, chị Đỗ Thanh Huyền nhắc lại với PV về chia sẻ của người chồng Hàn Quốc. Chị mới sang Seoul được vài tháng sau khi kết hôn.

“Đối với người nước ngoài, họ đánh giá xem quốc gia đó có ngang bằng Hàn Quốc hay không. Nếu ngang bằng, người Hàn sẽ chào đón bình thường, nhưng nếu kém phát triển hơn thì sẽ bị coi là dựa dẫm”, chị nói thêm.

Trao đổi với PV, tiến sĩ Seong Sang Hwan tại Đại học Quốc gia Seoul cho rằng công chúng Hàn hiện chưa được hướng dẫn đủ về các quyền cơ bản của con người, cũng như vun trồng thái độ tích cực đối với người nhập cư, vì xã hội họ đang trở thành một xã hội đa văn hóa. “Các chương trình giáo dục chủ động dành cho công chúng và học sinh Hàn Quốc cần được tăng cường và cải thiện”, ông nhận định.

“Hãy suy nghĩ kỹ trước khi sang Hàn Quốc”

Trả lời phỏng vấn, anh Tuấn và Phương Anh đều nói có biết đến vụ việc người chồng Hàn Quốc 36 tuổi, sống tại Yeongam, tỉnh Jeolla Nam, đánh đập tàn nhẫn vợ người Việt trong suốt 3 giờ đồng hồ, ngay trước mặt con trai 2 tuổi.

“Công chúng Hàn Quốc đều rất phẫn nộ về chuyện này”, Phương Anh nói.

Đoạn video ghi lại cảnh tượng bạo hành được phát tán trên mạng làm rúng động dư luận Hàn Quốc. Nạn nhân L.G., 30 tuổi, bị đánh nứt xương sườn và chịu nhiều chấn thương khác. Cảnh sát phải cách ly nạn nhân và con trai đến cơ sở lánh nạn trong thời gian điều tra.

Trả lời PV, nạn nhân cho biết nguyên do “bị đánh như bao cát” là vì người chồng “bảo em lấy cái gì đó mà em không hiểu. Em đi lấy nhầm thì anh ta bắt đầu tát tai em rồi đánh đập liên tục”.


Người chồng Hàn Quốc bạo hành vợ Việt trong suốt 3 giờ đồng hồ. Ảnh: Korea Times.

Bình luận về vụ việc, chị Phạm Thị Khuyên, 25 tuổi, đang công tác tại Hàn Quốc, cho biết trong công việc, người Hàn vẫn rất lịch sự. Nhưng hôn nhân và công việc là hai chuyện khác nhau.

“Nếu người chồng thật sự yêu vợ, sẽ không có chuyện phân biệt đối xử. Nhưng mẹ chồng và em gái chồng có thể có”, chị Khuyên nói với PV.

Với nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam, một số “mẹ chồng” người Hàn Quốc cho rằng họ ở “mức trên”, còn con dâu Việt Nam “nghèo”, chỉ biết “ăn bám” họ. “Mức độ phân biệt của họ cũng dựa trên địa vị, đẳng cấp xã hội của người nước ngoài”.

Theo anh Tuấn, báo đài Hàn Quốc chỉ đưa tin những vụ tâm điểm và nghiêm trọng như của nạn nhân L.G., còn nhiều vụ việc nhỏ, làm xấu hình ảnh Hàn Quốc thì không thấy nhắc đến. “Ai đi vạch áo cho người xem lưng”, anh Tuấn nói.

Lúc đó đã là 22h15 tại thành phố Daegu, Hàn Quốc. Trước khi vội đứng lên tiếp vài vị khách mới đến quán ăn, Phương Anh khẳng định vấn đề phân biệt đối xử với người nước ngoài cũng rất ít thấy xuất hiện trên báo đài.

“Vậy nên mọi người hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định sang đây, vì Hàn Quốc không ‘màu hồng’ như trên phim ảnh”, Phương Anh nhắn nhủ.

Nguồn: https://news.zing.vn/han-quoc-khong-mau-hong-nhu-phim-anh-post965672.html

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *