Home Cộng Đồng Gã từ khét tiếng “đổi đời” nhờ một cuốn sách
Cộng Đồng

Gã từ khét tiếng “đổi đời” nhờ một cuốn sách

Khi tiến sĩ Kim Ki Sung bắt đầu bài giảng, những tù nhân da đen lực lưỡng, cười khẩy. Họ không biết, ông từng giống như họ nhưng khét tiếng hơn rất nhiều.

“Thưa quý vị, trước khi ra tù ai cũng quyết tâm không trở lại. Nếu như vậy chắc chắn sẽ quay trở lại”, tiến sĩ Kim, giảng viên đào tạo tinh thần trong trại giam của Hội Liên hiệp Thanh niên quốc tế (IYF), mở đầu. Nghe câu này, không ít tù nhân giật mình ngước nhìn.

“Trong quá khứ tôi từng sống sai lệch hơn hẳn các bạn ngồi đây. Tôi từng trộm cắp, giết người mà không có lấy một chút áy náy. Tôi đã sống như một con vật”, giọng bình thản, ông nói.

Trong 5 tiếng tiếp theo, Kim Ki Sung kể về cuộc đời mình. Lạ lùng, không một người tù nào ngủ gật. Họ chăm chú lắng nghe…

Tiến sĩ Kim Ki Sung (ngoài cùng trái), bên 2 người tù được lựa chọn trở thành giảng viên đào tạo tinh thần ở Kenya, tháng .../2019. Ảnh: IYF.

Tiến sĩ Kim Ki Sung (ngoài cùng trái) cùng 2 tù nhân được lựa chọn trở thành giảng viên đào tạo tinh thần ở Kenya, tháng 7/2019. Ảnh: IYF.

Một tối đầu thu 1979, Kim Ki Sung, cậu học sinh lớp 8 tán chuyện với mấy cậu bạn choai choai bên bờ biển đảo An Jawa, tỉnh Jeolla, Hàn Quốc. Từ chỗ nói về đi bar, cách để có cô bạn gái đầu tiên, cuối cùng cả lũ rủ nhau đi trộm tỏi, rồi kéo đến bar mới mở sang nhất trên đảo. Khi bị bắt, Ki Sung đứng ra một mình nhận tội để 4 bạn được thả.

Ngày ra tù, cậu thiếu niên thấy mình được chào đón. “Thằng bé sau này sẽ vĩ đại lắm”, ông trưởng làng trầm trồ khen và nhiều người khác đang gỡ lưới hùa theo. Ki Sung giãn cơ mặt, vai ưỡn rộng, lòng dâng lên nỗi tự hào.

“Đã ít kiến thức lại được khen nên tôi cứ tưởng mình tài giỏi lắm. Nếu như sau khi phạm tội, người lớn trong làng không khen mà trách mắng thì tôi không thể cao ngạo được”, Kim Ki Sung nói.

Khi đến trường, cậu đánh nhau với bạn bè, chống đối thầy cô. Đi làm, cầm cái chổi quét dọn thì cậu tự ái. “Sau này mình sẽ thành công. Mình sẽ tài giỏi cơ mà”, và rồi ném chổi, không làm thuê nữa.

Hết cấp 3, Kim Ki Sung lên Seoul và đi vào con đường chẳng phải làm việc nhiều vẫn có tiền. Hắn thường lân la bến tàu, ngõ khuất đánh người, trộm cắp. Tiền có bao nhiêu, ăn chơi bấy nhiêu.

Một lần Kim quyết tâm “Làm một phi vụ thật lớn rồi sống cho thật oách”. Cú chơi lớn đưa gã trai trẻ vào vòng lao lý với tội cướp của, giết người. Năm đó Kim Ki Sung 23 tuổi, nhận án chung thân, sau khi đã được thư dân nguyện xin giảm án.

Tiến sĩ Kim tham gia đào tạo tinh thần tại Cơ sở cai nghiện số 7 Hà Nội, tháng 4/2018. Ảnh: IYF.

Tiến sĩ Kim tham gia đào tạo tinh thần tại Cơ sở cai nghiện số 7 Hà Nội, tháng 4/2018. Ảnh: IYF.

Nhưng ở trong tù, gã trai quê mùa cũng không mảy may hối cải. Anh ta gây sự với phạm nhân khác, chống đối nội quy. “Tao muốn đi sang thế giới khác. Nhưng đi một mình buồn lắm nên mày phải đi cùng tao”, anh dí dao lên cổ quản giáo uy hiếp.

Sau lần ấy Kim lĩnh thêm một năm tù và đưa vào phòng biệt giam suốt 6 tháng, với hai tay còng sau lưng, phải ăn, ngủ trong tư thế bị còng. Thân thể hôi hám. Kẽ nách đã xuất hiện những con rệp.

Tới một ngày người quản giáo đưa cho Kim Ki Sung một cuốn sách của giáo sư Park Ock Soo, người sáng lập IYF, tổ chức chuyên giảng dạy cho thanh niên về Mind Education (định hướng tinh thần), trong đó có định hướng lại cho những người bị nghiện ma túy, game, tù nhân… Gã trai ít học đâu thích sách, nhưng ở bước đường cùng đã đọc theo bản năng. Qua từng trang, gã phát hiện lý do mình phạm tội.

“Tôi cũng như tất cả người gây ra vấn đề trong xã hội đều nghĩ mình đúng, lúc nào cũng oán trách người khác, muốn thắng người khác“, ông nói.

Cuốn sách đưa Kim Ki Sung, năm đó 27 tuổi đến một ngã rẽ mới. Anh nhận ra sự khôn ngoan lớn nhất trên thế gian là “phát hiện ra thiếu sót của bản thân, và chỉ khi phát hiện được thiếu sót của mình thì mới trở nên hạnh phúc được”.

Ra khỏi phòng biệt giam, Kim Ki Sung bắt đầu làm một con người khác hẳn. Anh học nhiều nghề và tuân thủ nội quy, không mảy may hơn thua với bạn tù nữa. Năm tháng trôi qua cũng tới ngày Kim Ki Sung được ân xá, năm đó 39 tuổi.

Nhưng, anh lo sợAnh nhận ra, thời gian trong tù mình sống lương thiện, sạch sẽ, nhưng sự lương thiện không phải vì con người anh đã thay đổi mà vì không có điều kiện để phạm tội. Ra tù, không còn song sắt, tường nhà giam nên Ki Sung đã nương nhờ tác giả cuốn sách, giáo sư Park Ock Soo, để thầy che chở cho mình.

Nói về Kim Ki Sung lúc đó, giáo sư Park kể: “Như một người quần áo đẹp sẽ không thấy chỗ nào có thể ngồi, nhưng khi bẩn rồi thì có thể lăn lê bò trườn bất cứ đâu. Một khi thấy thiếu sót của mình thì làm việc gì cũng được, cũng vui. Không ai sai bảo nhưng từ việc dọn nhà vệ sinh đến đổ rác, Ki Sung đều làm hết”.

Tiến sĩ Kim bên vợ con chiều 18/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tiến sĩ Kim bên vợ con chiều 18/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Một năm sau, anh vào đại học, cũng như trường đào tạo tinh thần và trở thành giảng viên. Từ những năm 2010, anh bắt đầu giúp các tù nhân sau khi mãn hạn tù không tái phạm.

Người lái ôtô biết rằng chỉ cầm vô lăng mà không định hướng thì xe sẽ chạy loạn hướng. Tinh thần của con người cũng như vậy, nếu để yên sẽ lạc trôi theo hướng bản thân thấy thoải mái. Để chiến thắng sự dễ dàng, thoải mái cho bản thân, không phải cần sự quyết tâm mà cần một con đường dẫn dắt. Tiến sĩ Kim đã mang con đường ấy tới các trại giam, trong đó bước căn bản nhất là giúp phạm nhân nhận ra sai lầm của bản thân.

Một trong những người tù đã lĩnh hội được bài giảng của tiến sĩ Kim là George Maggie Angene, Bộ trưởng nội các của Cook Islands, quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương. Trước khi thành bộ trưởng, George là một tên tù khét tiếng. Trong một phút ngông cuồng đã phóng tỏa đốt 8 tòa nhà và phải chịu 13 năm tù. Sau khi nhận ra cái sai của bản thân, ông đã chọn một cuộc đời sống thấp hơn người khác. Hoàn lương, ông dậy từ 5h sáng quét đường, sửa nhà cho người nghèo, làm hệ thống lọc nước cho người dân…

“Trước đây người này không chịu nghe lời ai hết, tính nóng như lửa, nhưng khi biết cái sai của mình, ông đã sống như người đầy tớ của nhân dân. Ông tìm thấy hạnh phúc trong việc giúp đỡ người khác”, tiến sĩ Kim Ki Sung chia sẻ.

Tiến sĩ Kim (ngoài cùng phải) và Bộ trưởng nội các Cook Islands, ông George Maggie Angene (thứ 2 từ phải sang) vào tháng, năm?. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tiến sĩ Kim (ngoài cùng phải) và Bộ trưởng nội các Cook Islands, ông George Maggie Angene (thứ 2 từ phải sang) vào . Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau khi ra tù không có một cái gì trong tay và không ai quý mến, giờ đây sau 16 năm, Kim Ki Sung là tiến sĩ danh dự chuyên ngành Giáo dục học, Hiệu trưởng trường THCS – THPT Lincoln House, Hàn Quốc. Ông giảng dạy trong trại giam của hơn 50 quốc gia, giúp cả triệu người tù trở lại cuộc sống tử tế.

Trong chuyến công tác ngắn tại Việt Nam giữa tháng 1/2020, tiến sĩ Kim đã dành thời gian chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình. Suốt buổi trò chuyện ông hay cười mỉm và khoe khuôn mặt mình giờ “không còn nét dữ dằn”. Nhưng ngón trỏ không nguyên vẹn – năm xưa tự chặt để trốn nhập ngũ – vẫn nhắc nhở người đàn ông 55 tuổi về thời trai trẻ ngông cuồng.

Chuyện đời của Kim Ki Sung được dựng thành phim The Big Shot (tạm dịch Thằng vĩ đại), ra rạp Việt Nam tháng 10/2019 với tựa đề Điều ước cuối của mẹ. 

Theo Vnexpress

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *