Home Cộng Đồng Đài Loan bất lực trước nạn ăn cắp chip của Trung Quốc
Cộng Đồng

Đài Loan bất lực trước nạn ăn cắp chip của Trung Quốc

Số vụ ăn cắp bí mật thương mại tại các tập đoàn sản xuất chip của Đài Loan và chuyển cho các công ty ở Trung Quốc đại lục ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Cuối năm 2016, một kỹ sư tại Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC) – nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới của Đài Loan, nhận được một cuộc gọi từ một công ty đối thủ Trung Quốc. Ông ta được hỏi liệu có cảm thấy hứng thú với vị trí kỹ sư trưởng bộ phận chuyên sản xuất chip sử dụng cho điện thoại di động và máy chơi game hay không.

Lời đề nghị rất bất thường, theo cáo trạng của tòa án Đài Loan, bởi người đàn ông này hầu như không có chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất loại chip đó. 

Hai tuần sau đó, ông ta lén tải về, in ra và sao chép các tài liệu liên quan tới bí mật kinh doanh của TSMC. Số tài liệu này đã nằm yên trong dữ liệu của Shanghai Huali Microelectronics Corp – một tập đoàn nhà nước chuyên sản xuất chip của Trung Quốc, nếu hành vi của kỹ sư Hsu Chih -Peng không kịp thời bị phát giác trước ngày ông ta sang đại lục bắt đầu công việc mới.

Tháng 11-2016, kỹ sư Hsu bị tuyên 18 tháng tù treo vì hành vi đánh cắp bí mật thương mại của TSMC. Đó chỉ là một trong số nhiều trường hợp bị phát hiện trong thời gian gần đây. Đài Loan, nhà sản xuất gần 2/3 vật liệu bán dẫn của thế giới, gần như không có chỗ dựa trong cuộc chiến giành giật công nghệ cao.

90% số vụ dính tới Trung Quốc

Trung Quốc đang nhắm vào Đài Loan – vùng lãnh thổ chuyên sản xuất chip cho các tập đoàn lớn nhất của Mỹ như Apple, Nvidia và Qualcomm. 

Các quan chức Đài Loan tin rằng việc đánh cắp công nghệ sản xuất chip là một chiến lược hẳn hoi của Trung Quốc, một mặt nhằm gây áp lực kinh tế lên hòn đảo này, mặt khác nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn cung chip từ nước ngoài.

Trong khi Trung Quốc sản xuất phần lớn điện thoại thông minh và máy tính, gần như toàn bộ linh kiện bán dẫn phức tạp vẫn phải nhập khẩu. Tổng giá trị linh kiện bán dẫn mà Trung Quốc nhập khẩu trong năm 2017 lên tới 260 tỉ USD, nhiều hơn 60% tổng giá trị dầu thô mà nước này nhập khẩu.

Lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu phải thay đổi điều này, đặt ra mục tiêu đến trước năm 2025 40% điện thoại thông minh sản xuất ở Trung Quốc sử dụng chip sản xuất trong nước, gấp 4 lần mức hiện tại.

Việc Mỹ cảnh giác trước các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, ngăn cản yếu tố Trung Quốc trong các tập đoàn công nghệ cao của nước này là một trong những nguyên nhân chính khiến Bắc Kinh quyết tâm tự chủ nguồn cung chip.

Và một Đài Loan chỉ cách một eo biển đã được đặt trong tầm ngắm. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin của Trung Quốc đã công khai kêu gọi sự hợp tác giữa hai bờ eo biển Đài Loan trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là linh kiện bán dẫn.

Tuy nhiên, một nghiên cứu của tạp chí Wall Street Journal cho thấy cứ 10 vụ truy tố trong lĩnh vực công nghệ thì có tới 9 vụ có dính dáng tới các công ty Trung Quốc.

Không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền

Đài Loan bất lực trước nạn ăn cắp chip của Trung Quốc - Ảnh 3.

Bên ngoài nhà máy Micron ở Đài Loan – Ảnh: WSJ

Một trong những vụ đáng chú ý gần đây nhất là việc Micron Technology – nhà sản xuất chip thẻ nhớ lớn nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ, đã mất hai bản thiết kế vào tay đối thủ Trung Quốc.

Wang Yongming là một kỹ sư làm việc tại nhà máy chip của Micron ở Đài Loan. Mọi việc đều bình thường cho đến một ngày năm 2016 người đàn ông này mở máy tính xách tay được công ty cấp và tìm kiếm cách thức xóa truy vết máy tính trên trang Google.

Wang sau đó nhảy việc, sang làm cho United Microelectronics Corp (UMC), một công ty của Đài Loan nhưng lại có hợp đồng 700 triệu USD với Fujian Jinhua Integrated Circuit – một nhà sản xuất chip có trụ sở ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). 

Wang chỉ là một trong số 50 người nhảy từ Micron Đài Loan sang UMC kể từ năm 2015, bao gồm cả cựu giám đốc Micron Đài Loan Stephen Chen.

Tháng 8-2016, Wang cùng một số người khác bị cơ quan công tố Đài Loan buộc tội đánh cắp bí mật công nghệ của Micron và chuyển sang Trung Quốc. Cả Jinhua, UMC đều từ chối bình luận về trường hợp của ông Wang.

Chỉ có một điều rõ ràng nhất là ngay sau khi Wang nhảy sang UMC, đến tháng 10-2016, Jinhua đã bắt đầu tiếp thị hai sản phẩm bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) đầu tiên mang mã F32 và F32S. Điều đáng nói là hai mã này hoàn toàn khớp với mã của hai sản phẩm được Micron sản xuất tại nhà máy ở Đài Loan.

Jinhua dự kiến sẽ tung ra DRAM thử nghiệm vào năm nay và đưa vào sản xuất hàng loạt vào năm 2019. Chính phủ Trung Quốc đã bỏ 5,7 tỉ USD vào Jinhua và xem nó là một phần của “Dự án 910” – tham vọng xây dựng các nhà máy sản xuất chip tầm cỡ thế giới.

Sau vụ kỹ sư Wang, Micron đã tăng cường các biện pháp an ninh và giám sát tại nhà máy ở Đài Loan, bao gồm lắp thêm camera ở khu vực lắp ráp.

Đối với chính quyền Đài Bắc, cho dù có biết nạn ăn cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc ngày càng tăng, họ cũng đành bất lực bởi không thể thu thập bằng chứng hay ra phán quyết trừng phạt các công ty Trung Quốc.

Theo Tuổi Trẻ