Home Cộng Đồng Việt Nam: Ai chịu trách nhiệm vụ dầu thải tràn vào nguồn nước sạch?
Cộng Đồng

Việt Nam: Ai chịu trách nhiệm vụ dầu thải tràn vào nguồn nước sạch?

Dầu thải nhuốm đen nguồn nước đầu nguồn sông Đà. Ảnh: N.H.

Các luật sư cho rằng cả người đổ dầu thải và công ty cấp nước sạch đều phải bị xử lý khi để nguồn nước bị ô nhiễm gây mùi lạ. UBND Hà Nội cũng phải chịu trách nhiệm một phần.

Trước thông tin Công ty nước sạch Sông Đà phát hiện việc đổ trộm dầu thải nhưng không báo cáo, không ngăn chặn, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẽ kiến nghị công an điều tra.

Ông Chung khẳng định Công ty CP kinh doanh nước sạch sông Đà (VIWASUPCO) đã vô trách nhiệm. Thành phố sẽ xử lý nghiêm sai phạm này.

Trước bức xúc của người dân khi phải sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn, nhiều luật sư đã đưa ra quan điểm dưới góc độ pháp lý về xử lý trách nhiệm các bên liên quan.

Công ty cấp nước quá vô cảm?

Đánh giá việc nguồn nước sạch có mùi lạ, chất styren và có tỷ lệ từ 1,3 đến 3,6 lần cao hơn so với mức bình thường, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho rằng VIWASUPCO đã quá vô cảm.

“Đây là sự cố môi trường bởi nước sạch là nhu cầu thiết yếu đối với người dân”, luật sư nói và nhấn mạnh đáng lẽ ra, VIWASUPCO phải ý thức được khả năng ô nhiễm nguồn nước ngay từ khi nước xuất hiện mùi lạ.

Luật sư phân tích doanh nghiệp này kinh doanh nước sạch theo hình thức độc quyền. Do đó, khi xảy ra sự cố ô nhiễm thì trách nhiệm thuộc về VIWASUPCO là rất lớn.

Dầu thải nhuốm đen nguồn nước đầu nguồn sông Đà. Ảnh: N.H.

“Công ty này đã không làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm khi bán sản phẩm nước sạch hoàn toàn cho người dân”, ông Tuấn Anh nêu quan điểm.

Hành vi vô cảm còn thể hiện trong việc VIWASUPCO phát hiện việc đổ trộm dầu thải nhưng không báo cáo ai, cũng không có hành động gì liên quan để ngăn chặn số dầu này, cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến nhiễm vào nguồn nước.

Về mặt pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh đánh giá người dân hoàn toàn có thể khởi kiện dân sự để buộc VIWASUPCO bồi thường toàn bộ thiệt hại do việc kinh doanh nước ô nhiễm.

“Rất khó để xử lý về mặt hình sự hành vi vô trách nhiệm của công ty cấp nước bởi hợp đồng giữa 2 bên là hợp đồng kinh tế”, luật sư bày tỏ và gợi ý người dùng sản phẩm kém chất lượng có thể cầu cứu Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng.

Về hình sự, ông khẳng định cơ quan chức năng có thể truy cứu những người đã đổ dầu thải vào đầu nguồn nước sông Đà về tội Gây ô nhiễm môi trường.

Cơ quan điều tra cần vào cuộc để làm rõ toàn bộ mục đích, hành vi đổ dầu thải vào nguồn nước dẫn đến nước sạch cấp cho người dân Hà Nội bị ô nhiễm.

Luật sư còn cho rằng để xảy ra sự cố ô nhiễm nước lần này, UBND TP Hà Nội cũng phải chịu một phần trách nhiệm khi thể hiện vai trò “mờ nhạt” trong việc xử lý sự cố một cách kịp thời.

“Khi xảy ra sự cố, chính quyền đáng lẽ ra cần có động thái quyết liệt hơn như ngưng cung cấp nước để tìm nguồn thay thế, chờ xử lý nước ô nhiễm”, luật sư Tuấn Anh đưa ra quan điểm.

Xử lý cả công ty cấp nước lẫn người đổ dầu thải

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính pháp) nhận định trong vụ việc này, cả người đổ dầu thải ở đầu nguồn nước gây ô nhiễm môi trường lẫn đơn vị cung cấp nước sạch đều phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của những người dân và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đối với những người đổ trộm chất thải nguy hại vào đầu nguồn nước, hành vi này làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân. Người vi phạm có thể bị phạt hành chính đến một tỷ đồng.

Người dân phải mang vật dụng đi lấy nước sạch. Ảnh: Việt Linh.

Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường, quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự. Mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Theo luật sư, đối với đơn vị cung cấp nước sạch, công ty này biết rõ nguồn nước nhiễm bẩn nhưng không báo cáo mà tiếp tục cung cấp nước cho các hộ dân. Đó là sự thiếu trách nhiệm, thiếu cái tâm của nghề, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng nghìn người.

“Hành vi này hết sức tắc trách, coi thường tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng”, ông Cường nói và cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ chất lượng của nguồn nước để làm căn cứ xem xét xử lý trách nhiệm của những người có liên quan.

Trường hợp công ty cấp nước sạch xác định chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn bán cho người dân thì cần xử lý theo quy định pháp luật.

Tùy thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra, hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật lãnh đạo, xử phạt hành chính công ty hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về dân sự, luật sư Cường cho rằng công ty cấp nước sạch phải bồi thường toàn bộ thiệt hại mà người dân hứng chịu khi sử dụng nước ô nhiễm.

Từ này 10/10, nhiều người dân ở các khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai… phản ánh nước sinh hoạt có mùi hóa chất nồng nặc, khó chịu. Đây là những địa bàn người dân sử dụng nước sinh hoạt do Công ty CP Viwaco cung cấp. Nguồn nước sạch này được sản xuất tại Viwasupco, chuyển về TP qua hệ thống đường ống nước sạch sông Đà.

Một ngày sau, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra công tác vận hành cung cấp nước trên địa bàn, đồng thời đi kiểm tra, lấy mẫu nước tại ba địa điểm: Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm); bể chứa trung gian tại huyện Thạch Thất và tại Nhà máy nước sông Đà (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình). Kết quả dự kiến có sau 7 ngày.

Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà đang cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội gồm các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số quận nội thành cùng một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông.

Theo Zing

1 Comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *