Nước mắm Red Boat của ông Cường Phạm là loại nước mắm tinh khiết, không sử dụng chất phụ gia và được các đầu bếp nước ngoài đánh giá rất cao.
Vào giờ cao điểm ở Phú Quốc, ông Cường Phạm đang điều khiển các con tàu đầy ắp những con cá cơm từ ngoài khơi về. Cựu kỹ sư của Apple người Mỹ gốc Việt này đã sang Mỹ từ nhiều thập kỷ trước và rời bỏ Thung lũng Silicon, trở về quê hương để trở thành một “doanh nhân bán nước mắm”, đưa loại gia vị đặc trưng này đến với bữa ăn của thế giới.
Hiện tại, ông Phạm đang thể hiện cho các đầu bếp từ Mỹ và châu Âu một cái nhìn tổng quan về thương hiệu Nước mắm Red Boat (cánh buồm đỏ), không sử dụng công nghệ cao nhưng chất lượng luôn được đảm bảo. Năm 2006, ông đã mua lại một nhà thùng nhỏ và phải mất 3 năm đầu tư nửa triệu USD, một thời gian dài đi lại giữa Việt Nam và California thì những chai nước mắm đầu tiên mới “ra đời”. Và chai nước mắm đầu tiên được bán ra là vào năm 2011. Còn bây giờ, những chuyên gia ẩm thực đã “lặn lội” tới tận bên bờ sông của Red Boat ở đảo Phú Quốc để thưởng thức loại gia vị truyền thống này.
Ông Cường Phạm giới thiệu với khách loại muối đặc biệt từ thành phố cảng Vũng Tàu trong chuyến tham quan ngày 2/11
Ông Phạm chia sẻ: “Điều quan trọng nhất trong quá trình sản xuất nước mắm diễn ra trên thuyền với việc muối cá. Tỷ lệ muối với cá và thời gian muối chính là hai yếu tố quyết định chất lượng cuối cùng của sản phẩm.
Hành trình trở về Việt Nam của ông bắt đầu với những chuyến công tác khi còn là một kỹ sư công nghệ. Đến năm 2006, ông quyết định trở về để sản xuất thứ mà ông cho là loại nước mắm tinh khiết nhất thế giới với hai thành phần, đó là cá cơm đen đước đánh bắt ngoài khơi quần đảo Phú Quốc và muối. Chai nước mắm đầu tiên của Red Boat được bán với giá 8 USD (khoảng 184.000 VND) với 250ml, cao gấp 3-4 lần so với các loại nước mắm sản xuất hàng loạt và được sử dụng nhiều trong các món ăn của những đầu bếp nổi tiếng.
Du khách nếm thử nước mắm ở nhà thùng.
Chai nước mắm đầu tiên được ông Phạm bày bán trên một chiếc xe thể thao đa dụng, ông lái xung quanh các chợ của người châu Á ở California. Chiếc xe đã đi khoảng 40km trong năm đầu tiên và 90% khoảng thời gian đó đều phải đối mặt với sự từ chối từ nhiều người. Một vài khách hàng ngần ngại bởi mức giá khá cao. Ông thường được các chủ cửa hàng và nhà phân phối khuyên nên chọn một sản phẩm khác bởi thị trường châu Á đã bão hòa với nhiều thương hiệu cạnh tranh. Tuy nhiên, hương vị đặc biệt của Red Boat, ít mùi cá và mùi thơm hấp dẫn như dăm bông Iberico hay phô mai Parmesan, đã nhanh chóng thu hút các doanh nghiệp Việt Nam, những người nhớ đến vị của nước mắm truyền thống – nước mắm nhĩ.
Ông Phạm nói: “Những Việt Nam lớn tuổi mua sản phẩm này theo thùng bởi họ sợ rằng sẽ không thể tìm mua lại nó. Bạn sẽ thấy những người phụ nữ trung nên bước ra khỏi cửa hàng, khệ nệ với những thùng nước mắm.”
Các sản phẩm của thương hiệu Red Boat do ông Cường Phạm sở hữu.
Red Boat đang sản xuất 600 nghìn đến 700 nghìn lít nước mắm mỗi năm, ông Phạm dự định sẽ tăng gấp đôi sản lượng vào năm tới. Ngoài thị trường Mỹ, những chai nước mắm với chiếc thuyền màu đỏ đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu trong năm nay và dự kiến sẽ mở rộng sang thị trường Trung Đông vào cuối năm 2019.
Chưa dừng ở đó, nước mắm Red Boat còn xuất hiện trong nhà bếp của nhà hàng nổi tiếng nhất thế giới – Michelin và được các đầu bếp hàng đầu đánh giá rất cao bởi không chứa các chất phụ gia hoặc đường thường thấy trong các loại nước mắm thông thường.
Một thùng như thế này chứa đến hơn 14 tấn cá cơm
Ngoài ra, ông Cường Phạm còn sản xuất mắm Kosher. Rất nhiều đầu bếp sử dụng loại mắm này để ướp bít tết, chế biến ra “miếng bít tết được ủ khô (dry-aged)”, ông chia sẻ. Sau nhận được nhiều yêu cầu của các đầu bếp, ông bắt đầu sản xuất và bán loại nước mắm dạng đặc, đó là Red Boat Salt, được sử dụng khi nấu ăn và hoàn thiện món ăn.
Đầu bếp Ngô Thế Đức, người điều hành 11 nhà hàng tại Berlin và Frankfurt, cho biết Red Boat đang tạo một mối quan tâm mới trên toàn cầu đối với nước mắm. “Rất nhiều đầu bếp nghĩ rằng nước mắm có vị rất mặn và mùi khó chịu, nhưng loại nước mắm này thì không mặn, hương vị umani trong đó rất rõ.”
Các đầu bếp được mời tới Red Boat để thử nghiệm chế biến các món hải sản với nước mắm.
Vào năm 2005, Cường Phạm đến Phú Quốc lần đầu tiên và rất thất vọng khi chứng kiến những nhà sản xuất nơi đây lựa chọn “đường tắt” để làm nước mắm với các chất phụ gia, chất bảo quản và chất làm tăng hương vị. Thời điểm đó, ông mang về cho mẹ mình một chai nước mắm nguyên chất và bà đã khóc, ông chia sẻ.
Red Boat hiện có hai nhà thùng ở Phú Quốc, các kho chứa tổng cộng 190 thùng với 14 tấn cá cơm. Du khách sẽ được chào đón với một nhà thùng có sàn xi măng cực kì sạch sẽ, không khí ẩm ướt và mùi cá thoảng nhẹ. “Bạn nghĩ rằng nếu đi vào trong kho đựng nước mắm, mùi sẽ thực sự khó chịu. Nhưng ở đây lại không có mùi gì. Thật dễ chịu”, Lee, một du khách đến Red Boat, chia sẻ.
Theo Trí Thức Trẻ