Chính phủ các nước đầu tư nhiều tỉ đôla vào các công ty nghiên cứu vắcxin ngừa COVID-19. Nhiều nhà đầu tư bèn ‘té nước theo mưa’, song các nhà phân tích cảnh báo thị trường có nguy cơ quá nóng.
“Khi bạn mua cổ phiếu của các công ty công nghệ sinh học là bạn đã mua vé số.” – Nhà quản lý vốn GREGORI VOLOKHINE
Cơn sốt đầu cơ mua cổ phiếu của các công ty sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 trong 3 tháng qua đã ập đến Công ty sinh học dược phẩm CureVac (Đức), một trong 168 đơn vị nghiên cứu vắcxin ngừa COVID-19 trên thế giới (số liệu của Tổ chức Y tế thế giới).
CureVac chỉ mới tham gia sàn giao dịch điện tử New York tuần trước, ấy vậy mà chỉ số Nasdaq đã tăng gấp năm lần chỉ trong hai ngày giao dịch cuối tuần.
Đồng tiền đang đi xa quá!
Công ty CureVac chẳng lớn lao gì và vắcxin ngừa COVID-19 cũng chỉ mới trong giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng (thử nghiệm cho vài chục người) mà cổ phiếu đã tăng giá như thế.
Cứ so sánh với Công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) mới thấy được sức hút của Moderna một khi vắcxin của họ đã bước sang giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên hàng chục ngàn người.
Theo báo Les Échos (Pháp), với giá trị vốn hóa gần 30 tỉ USD Phố Wall, Moderna đang có giá hơn các tên tuổi lớn giao dịch trên thị trường CAC 40 ở Paris như Orange, Crédit Agricole, Capgemini.
Từ đầu năm đến nay cổ phiếu của Moderna tăng sơ sơ 250%. Hai đồng hương của Moderna là Inovio và Novavax cũng hưởng lợi với giá tăng lần lượt +350% và +3.580%.
Chuyên gia phân tích Daniel Mahony – trưởng nhóm nghiên cứu tại Công ty quản lý đầu tư Polar Capital ở London (Anh) – tặc lưỡi đây là hiện tượng “phóng đại quá mức”.
Ông nhận xét các nhà đầu tư làm như thể mọi công ty nghiên cứu vắcxin chắc chắn sẽ thành công, trong khi tỉ lệ thất bại trong lĩnh vực này rất cao. Dù vậy, họ vung tiền như chơi canh bạc lớn!
Ông bộc bạch: “Điều khiến tôi lo lắng là phản ứng của các nhà đầu tư khi cho rằng tỉ lệ thành công của các công ty này rất cao và mỗi công ty sẽ bỏ túi hàng tỉ đôla nhờ vào vắcxin. Thật không thể tin nổi!”.
Nhà phân tích tài chính Chris Redhead thuộc văn phòng tư vấn Goetzpartners (Pháp) cảnh báo: “Nhiều công ty đang đi quá xa tầm vóc thực sự của họ”.
Còn nhà phân tích Adam Barker ở Công ty đầu tư Shore Capital (Anh) lưu ý: “Theo kịch bản cổ điển bao gồm khi xảy ra đại dịch, xác suất để một vắcxin từ giai đoạn 1 phát triển an toàn tới cuối giai đoạn 3 chỉ chiếm khoảng 10% mà thôi”.
Nguy cơ từ đồng tiền công
Động cơ thúc đẩy nhiều nhà đầu tư mạnh tay vung tiền là họ nhận ra các chính phủ và các tổ chức đang “chơi” lớn. Mỹ đã tài trợ lên đến 10,8 tỉ USD phân chia cho nhiều hãng dược để bảo đảm nhận lại hàng trăm triệu liều vắcxin.
Châu Âu (đầu tư 3,5 tỉ USD) thông qua Pháp, Đức, Ý và Hà Lan đã giải ngân 300 triệu euro đặt trước 300 triệu liều vắcxin từ Hãng AstraZeneca (Anh). Anh cũng đã chi hơn 100 triệu euro để bảo đảm nhận đủ liều vắcxin cần thiết cho người dân của mình.
Chuyên gia Daniel Mahony giải thích: “Thông thường hãng dược chỉ lắp dây chuyền sản xuất một khi có giấy phép cấp cho vắcxin vì dây chuyền rất tốn kém. Còn bây giờ với hàng triệu đôla nằm trên bàn, mọi thứ đơn giản hơn nhiều”.
Ông cho rằng một khi tài trợ mạnh cho các công ty nhỏ, chính phủ các nước đã vô tình thúc đẩy cạnh tranh giữa các công ty nhỏ với những ông lớn. Đây là lý do giải thích vì sao cổ phiếu các công ty nhỏ tăng vọt.
Trong khi đó, các ông lớn như AstraZeneca hay Johnson & Johnson muốn bán vắcxin với giá có lời trong thời dịch bệnh, bởi thế giá cổ phiếu chỉ tăng có chừng mực.
Trước nay, đôi khi chỉ cần có kết quả ban đầu khả quan về một ứng viên vắcxin nào đó, lập tức giá cổ phiếu sẽ tăng cao. Song các chuyên gia đánh giá đầu tư vào công nghệ sinh học là khoản đầu tư rủi ro.
Nhà quản lý vốn Gregori Volokhine tại Công ty Meeschaert Financial Services ở New York (Mỹ) ghi nhận điều này đã từng xảy ra với bong bóng Internet, năng lượng mặt trời, ôtô điện và bây giờ là COVID-19.
Dẫu sao chuyên gia Chris Redhead cũng có một góc nhìn tích cực: tiền đầu tư công bơm vào các công ty công nghệ sinh học mang đến lợi ích khác như thúc đẩy nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, phát triển vắcxin thế hệ mới hoặc thúc đẩy gia tăng tốc độ nghiên cứu.
Leave a comment