Home Cộng Đồng Con tàu “ma ám” suýt lấy mạng Tổng thống Mỹ: Thế giới thót tim vì quả ngư lôi kinh hoàng
Cộng Đồng

Con tàu “ma ám” suýt lấy mạng Tổng thống Mỹ: Thế giới thót tim vì quả ngư lôi kinh hoàng

Cho đến hiện tại, không ai giải mã được vận đen kỳ lạ đeo bám USS William D. Porter. Con tàu đã suýt giết chết một vị Tổng thống Mỹ, điều có thể khiến thế giới chao đảo.

Hải quân Mỹ có một danh sách dài các tàu chiến mang những chiến công hiển hách và quá trình phụng sự đáng tự hào.

Nhưng Mỹ cũng có những con tàu với số phận xui xẻo đến kỳ lạ. Đứng đầu trong số đó là USS William D. Porter, một tàu khu trục lớp Fletcher được chế tạo trong Thế chiến II.

Điềm báo quái gở

Porter hạ thủy vào ngày 27/9/1942, chính thức hoạt động vào tháng 7/1943. Con tàu đặt theo tên của Phó đề đốc William D. Porter, anh hùng thời Nội chiến.

Sau một thời gian hoạt động và huấn luyện, nó được lệnh rời Norfolk và gia nhập đội thiết giáp hạm USS Iowa trong vai trò hộ tống vào tháng 11/1943.

Porter rời cảng để thực hiện nhiệm vụ đầu tiên vào ngày 12/11 với điềm báo đầy xui xẻo. Trong lúc rời bến, mỏ neo của tàu vướng vào một tàu khu trục sát cạnh, lan can bị xé toạc, khiến xuồng cứu sinh và nhiều đồ đạc rơi xuống biển.

Tuy nhiên, tàu Porter lại không bị hư hại gì. Nó tiếp tục đến hội quân với đội tàu Iowa và các tàu khu trục khác để thực hiện nhiệm vụ quan trọng: hộ tống Tổng thống Franklin Roosevelt đến Tehran gặp mặt các nhà lãnh đạo phe Đồng minh.

Để đảm bảo an ninh tối đa, các con tàu phải duy trì trạng thái vô tuyến im lặng trong suốt hành trình, chỉ liên lạc thông qua đèn tín hiệu.

Một ngày sau cuộc hành trình, một vụ nổ bất ngờ dưới nước khiến toàn bộ đội tàu hốt hoảng vì cứ ngỡ bị tàu ngầm địch tấn công. Nhưng đó chỉ là do thùng nổ sâu trên tàu Porter vô tình lăn ra khỏi tàu.

Ngay sau sự cố đó, tàu Porter tiếp tục gặp hàng loạt sự kiện khó hiểu khác. Một thủy thủ mất tích, phòng nồi hơi bất ngờ bị ngập nước, khiến thuyền trưởng phải bất đắc dĩ dùng bộ đàm báo cáo cho tàu Iowa để giải thích lý do vì sao Porter bị tụt lại phía sau.

Vào ngày 14/11, cố Tổng thống Roosevelt – người từng là trợ tá Bộ trưởng Hải quân – đã yêu cầu Iowa trình diễn khả năng phòng không.

Tàu Porter cách vị trí Iowa khoảng 5.000m và các tàu khu trục đi cùng khác cũng tham gia màn trình diễn tấn công giả định.

Để đảm bảo an toàn thuốc pháo của ngư lôi phải được loại bỏ. Hai lần bắn đầu không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, do sơ suất, thuốc pháo của quả ngư lôi thứ ba không được tháo, khiến quả ngư lôi hướng thẳng tới tàu Iowa.

 Con tàu ma ám suýt lấy mạng Tổng thống Mỹ: Thế giới thót tim vì quả ngư lôi kinh hoàng - Ảnh 1.

Cố Tổng thống Mỹ Roosevelt trên boong tàu Iowa.

Sự cố kinh người

Thảm hoạ kinh hoàng sắp ập đến. Do bị khiển trách vì phá vỡ quy định im lặng lần trước, chỉ huy tàu Porter lưỡng lự trong việc sử dụng bộ đàm để báo cáo tới tàu Iowa nên chỉ thông báo bằng đèn tín hiệu.

Đen đủi thay, trong lúc hấp tấp và bối rối, tàu Porter lại gửi nhầm thông điệp rằng tàu khu trục đang lùi với tốc độ tối đa. Nhận ra sai lầm, Porter một lần nữa dùng đến sóng vô tuyến và cảnh báo Iowa về mối đe dọa.

Tàu Iowa kịp thời tránh né, quả ngư lôi phát nổ khoảng 2.700m đằng sau thiết giáp hạm. Tất cả vũ khí của Iowa sau đó đều hướng về Porter vì lo sợ có âm mưu ám sát.

Porter được lệnh di chuyển đến Bermuda, nơi thủy thủ đoàn bị bắt. Đội trưởng ngư lôi Lawton Dawson thừa nhận đã không tháo thuốc pháo và bị kết án 14 năm lao động khổ sai. Nhưng đích thân Roosevelt đã can thiệp, yêu cầu hủy bỏ bản án đối với tất cả những người liên quan.

Thậm chí, chính Roosevelt đã yêu cầu đội mật vụ di chuyển xe lăn đến lan can tàu Iowa để chứng kiến quả ngư lôi khi nghe thông báo về sự cố.

Porter được điều chuyển đến Thái Bình Dương sau lỗi lầm không thể tha thứ trên. Trong một thời gian, dài, vận đen dường như không còn đeo bám con tàu này.

Porter thậm chí còn gặt hái nhiều thành tích ở những nơi như Alaska, Philippines. Con tàu thậm chí còn bắn hạ được 4 máy bay và đánh chìm một số sà lan của Nhật Bản.

Vào ngày 24/3/1945, Porter gia nhập lực lượng hải quân tham gia Trận Okinawa, tiến hành bắn phá bờ biển, tuần tra chống ngầm, hộ tống tàu quét mìn và hỗ trợ phòng không cho lực lượng đặc nhiệm.

Đến lúc này, vận rủi của Porter bắt đầu quay trở lại. Đầu tiên, con tàu vô tình bắn trúng tàu khu trục USS Luce trong phát súng khai mào cuộc chiến.

Vào ngày 10/6, máy bay ném bom bổ nhào Aichi D3A “Val” của Nhật Bản thực hiện đòn tấn công quyết tử với Porter ở ngoài khơi Okinawa.

Porter cố gắng tránh chiếc máy bay lao xuống biển, nhưng nó đã phát nổ ngay sát tàu. Trong ba giờ, thủy thủ đoàn đã cố gắng dập lửa và cứu vãn con tàu một cách tuyệt vọng. Do thiệt hại quá lớn, Porter đã bị bỏ rơi.

Trong những giây phút cuối cùng, toàn bộ thuỷ thủ đoàn đều bình an vô sự khi không có ai thiệt mạng hoặc bị thương nặng trong cuộc tấn công.

Tất cả đều kịp sơ tán trước khi Porter chìm sâu dưới biển, kết thúc số phận của con tàu kém may mắn nhất trong lịch sử hải quân Mỹ.

Theo Kenh14

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *