Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng yêu cầu các cơ quan liên bang chuẩn bị cho việc đóng cửa chính phủ trong trường hợp cạn kiệt ngân sách vào ngày 1.10.
Lưỡng đảng Mỹ vẫn đang mâu thuẫn về việc thông qua gói ngân sách mới cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 1.10. Nếu không kịp thông qua trước hạn chót 30.9, chính phủ Mỹ có nguy cơ đóng cửa và đó sẽ là đợt đóng cửa đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, theo The Washington Post ngày 24.9.
Nước Mỹ đang cùng lúc đối diện với hai vấn đề khi có nguy cơ đóng cửa một phần nếu không thông qua ngân sách chi tiêu chính phủ và nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử nếu không tăng mức trần nợ công. Bộ Tài chính đã cảnh báo nếu quốc hội không tăng trần nợ công hoặc tạm hoãn giới hạn mức trần, chính phủ sẽ hết tiền để phân bổ cho các dự luật vào giữa tháng 10 và có thể gây vỡ nợ.
Chính phủ Mỹ có nguy cơ đóng cửa một phần nếu không thông qua ngân sách chi tiêu trước hạn chót 30.9 – REUTERS
Hạ viện Mỹ hôm 21.9 thông qua dự luật nhằm cấp ngân sách hoạt động cho chính phủ đến ngày 3.12, kèm theo biện pháp tạm hoãn việc giới hạn trần nợ công giúp chính phủ có thể vay tiền cho đến tháng 12.2022.
Tuy nhiên, Thượng viện đã tuyên bố sẽ phản đối dự luật này và cho rằng việc tăng trần nợ công là trách nhiệm của đảng Dân chủ. Trong khi đó, đảng Dân chủ cho rằng việc tăng trần nợ công phải là quyết định của cả hai đảng. Theo Reuters, đảng Cộng hòa có thể tránh được những tác động trước cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2022 khi không bỏ phiếu cho việc tăng trần nợ công.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết dự luật chi tiêu là kết quả của các cuộc đàm phán giữa các nhà lập pháp lưỡng đảng và có khả năng sẽ được tự thông qua mà không cần Thượng viện chấp thuận. Đại diện của đảng Dân chủ cũng lưu ý rằng dự luật tăng trần nợ công cho chính phủ được sử dụng để thanh toán cho khoản nợ đã được tích lũy từ thời Tổng thống Donald Trump.
Nếu ngân sách không được thông qua đúng kỳ hạn, hàng trăm ngàn nhân viên liên bang sẽ không được trả lương và chính phủ phải làm việc không công cho đến khi quốc hội thông qua một biện pháp tài trợ mới.
Nếu không tăng trần nợ công hoặc đạt thỏa thuận tạm hoãn giới hạn mức trần nợ công, chính phủ Mỹ có thể đối diện với một vụ vỡ nợ lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử và dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế. Việc cạn kiệt ngân sách khiến chính phủ không thể thanh toán các hóa đơn và trì hoãn các khoản thanh toán của liên bang, bao gồm gói an sinh xã hội và các khoản thanh toán tín dụng thuế trẻ em hàng tháng. Điều này thể ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn.
Theo Thanh niên