Bang California, Mỹ, phải đối mặt với thách thức lớn khi xuất hiện biến chủng mới của virus corona trong khi công tác phân phối vaccine còn nhiều thiếu sót.
Vào cuối tháng 12/2020, các nhà khoa học ở California bắt đầu truy tìm mẫu biến chủng virus corona mới được phát hiện và lây lan nhanh chóng mặt ở Anh.
Họ đã tìm thấy nó nhưng chỉ có một số trường hợp. Trong quá trình đó, các nhà khoa học có một phát hiện không mong đợi: California đã tự sản sinh là một biến chủng của riêng vùng này.
Biến chủng này được gọi là CAL.20C và dường như đã xuất hiện từ tháng 7/2020 nhưng lây lan ở mức thấp cho tới khi bắt đầu bùng nổ nhanh chóng vào tháng 11/2020, xuất hiện ở hơn một nửa số mẫu virus corona được thu thập tại Los Angeles hôm 13/1.
Biến chủng CAL.20C
Các nhà nghiên cứu chưa rõ mức độ sát thương song phát hiện biến thể này trong nhiều mẫu thu thập tại thành phố Los Angeles hồi tuần trước.
Tiến sĩ Anthony Fauci được tiêm liều vaccine đầu tiên. Ảnh: New York Times. |
Nhà khoa học Jasmine Plummer tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai, Los Angeles, đã tham gia vào nghiên cứu phát hiện biến thể mới. Bà Plummer cho biết: “Đây là vấn đề riêng của chúng tôi và biến thể này không có nguồn gốc từ châu Âu. Nó bắt đầu lan rộng trong kỳ nghỉ lễ”.
Hiện chưa có bằng chứng cho thấy CAL.20C có khả năng gây tử vong cao hơn các chủng virus khác. Các nhà nghiên cứu sẽ phải tiến hành thêm nhiều cuộc thử nghiệm để xác định mức độ lây lan và tầm ảnh hưởng của biến thể này.
Giám đốc bệnh học phân tử Eric Vail tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai nhận định CAL.20C có thể là nguyên nhân khiến số bệnh nhân Covid-19 tăng mạnh ở vùng nam California. Ông Vail nói: “Tôi thực sự nghĩ đây là một chủng virus dễ lây nhiễm hơn trước”.
Tiến sĩ Charles Chiu, một nhà virus học tại Đại học California, San Francisco, cho biết ông và các đồng nghiệp đã tìm ra biến thể CAL.20C trong khoảng 20-30% mẫu xét nghiệm trên toàn bang.
“Nhìn chung, biến thể này có thể lây lan nhanh chóng ra ngoài phạm vi bang California”, ông Chiu nhận xét.
Theo tiến sĩ Plummer, CAL.20C đã được phát hiện ở nhiều tiểu bang khác như Arizona, Maryland, New Mexico, Nevada, New York, Texas, Utah và Washington. Song các nhà khoa học vẫn chưa xác định được mức độ phổ biến của biến thể này.
Người phát ngôn từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết cơ quan này đang làm việc với giới chức California để làm rõ tình hình và nghiên cứu thêm về CAL.20C.
Rắc rối khi phân phối vaccine
Cùng lúc này, California đang gặp khó khăn trong công tác triển khai vaccine chống Covid-19. Sau khi Thống đốc Gavin Newsom thông báo đợt tiêm chủng cho người trên 65 tuổi, người dân đã đổ xô đi đăng ký, làm tắc nghẽn các trang web và đường dây nóng về dịch vụ sức khỏe.
Trong một email gửi công chúng hôm 19/1, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lớn nhất bang, Kaiser Permanente, cho biết họ chỉ tiếp nhận được 1,5 triệu người từ 65 tuổi trở lên. Tuần trước, hệ thống này thông báo chỉ được phân phối “20.000 liều vaccine Covid-19 đầu tiên”.
Một điểm xét nghiêệm Covid-19 ở Los Angeles hồi tháng trước. Ảnh: New York Times. |
“Khả năng và tốc độ phân phối vaccine của chúng tôi phụ thuộc vào nguồn cung vaccine cho tiểu bang”, email này cho biết. “Với tình hình hiện tại, chúng tôi chỉ có thể phân phối vaccine chậm hơn nhiều so với mức chấp nhận được”.
Các chuyên gia nhận định tâm lý hỗn loạn bắt nguồn từ tình trạng quá tải của hệ thống y tế công. Tại các hạt của bang California, việc phân phối vaccine đang được thực hiện theo những cách khác nhau, không đồng nhất.
Ví dụ, hạt Los Angeles có dự định ban đầu là tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc ưu tiên khi tiêm chủng. Cụ thể, họ cần tiêm chủng cho hàng nghìn nhân viên y tế trước khi mở rộng đối tượng được tiếp nhận vaccine.
Dù vậy, diễn biến thực tế khiến kế hoạch này đổ bể. Hôm 18/1, quan chức cấp cao Hilda Solis tại hạt Los Angeles đã ký lệnh tiêm chủng cho bất kỳ công dân nào trên 65 tuổi. Theo bà Solis, điều quan trọng là phân phối vaccine đến những cộng đồng yếu thế, chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.
Một số nhà lập pháp còn kêu gọi thống đốc bang California đưa ra một chương trình tiêm chủng đặc biệt, với đối tượng là các công nhân, nông dân trong lĩnh vực thiết yếu. Từ khi đại dịch hoành hành, nhóm này thường xuyên gặp nguy cơ lây nhiễm virus corona cao.
“Những người làm nông là điểm tựa cho chuỗi cung cấp thực phẩm”, các nhà lập pháp viết trong một bức thư. “Lĩnh vực này vốn chịu nhiều thiệt hại từ đại dịch và không có nguồn lao động thay thế”.
Tính đến ngày 20/1, Mỹ ghi nhận 24,8 triệu ca mắc và 411.534 ca tử vong vì Covid-19, theo số liệu của Worldometers.
Theo Zing
Leave a comment