Home Cộng Đồng Báo động tình trạng “Tây balo” tràn qua Châu Á làm giáo viên dạy tiếng Anh
Cộng Đồng

Báo động tình trạng “Tây balo” tràn qua Châu Á làm giáo viên dạy tiếng Anh

Trong vài thập kỷ qua, học tiếng Anh đã và đang ngày càng trở thành nhu cầu lớn ở Châu Á. Tuy nhiên, một báo cáo mới đây cho thấy 2/3 trong tổng số 400.000 giáo viên người nước ngoài giảng dạy tại Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn. Nhiều quốc gia được cảnh báo trong đó có Việt Nam.

Thuê người bản ngữ dù không có trình độ chuyên môn

Theo ABC, các chuyên gia giáo dục tại Australia lên tiếng bày tỏ lo ngại về số lượng giáo viên tiếng Anh người nước ngoài không đủ chất lượng được thuê giảng dạy ở nhiều nước chỉ vì diện mạo bên ngoài của họ.

Tại Châu Á, các nước Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Việt Nam – đang nỗ lực để kiểm soát việc giáo viên người nước ngoài không đạt tiêu chuẩn dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (ESL).

Bài viết gần đây của Tân Hoa Xã cho biết 2/3 trong số 400.000 giáo viên người nước ngoài giảng dạy tại Trung Quốc năm 2017 không đạt tiêu chuẩn. Thậm chí, một số người còn làm việc bằng cách sử dụng visa trái phép.

Giám đốc TESOL Australia Lynette Kim chia sẻ với ABC rằng, người nước ngoài trở thành giáo viên khi chưa được đào tạo chính quy có thể có tác động tiêu cực kéo dài với cả sinh viên lẫn bản thân các giáo viên đó.

Cụ thể, theo chuyên gia này, hệ lụy là ảnh hưởng đến cách phát âm, âm sắc, khả năng hình thành câu và thậm chí cả sự hứng thú của học sinh trong việc tiếp tục học tiếng Anh.

Trong khi đó, các giáo viên này cũng bị ảnh hưởng lớn. “Họ đến với suy nghĩ mình sẽ kiếm chút tiền và rời khỏi đây. Họ rất căng thẳng, kiệt sức và bắt đầu chán ghét việc dạy học nếu chỉ làm việc đó vì tiền” – bà nói.

Jake Sharp – từng sống ở thành phố Gold Coast, tiểu bang Queensland, Australia trước khi sang Việt Nam sống năm 27 tuổi.

Hiện Jake Sharp là giáo viên tiếng Anh có bằng cấp hợp lệ. Anh cho biết, các giáo viên tiếng Anh ở Việt Nam có mức thu nhập tốt và nhiều người Australia đã quyết định sinh sống lâu dài ở đây vì chi phí sinh hoạt rẻ hơn nhiều.

Tuy nhiên, nhiều trung tâm tiếng Anh ở Việt Nam đã thuê những người bản ngữ nói tiếng Anh dù không có trình độ chuyên môn, không cần kiểm tra lý lịch.

Tại Thượng Hải, một sinh viên tìm thấy Daniel William Hiers – giáo viên tiếng Anh tại trường cao đẳng mình theo học nằm trong danh sách 15 tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất, theo CGTN và Thời báo Hoàn Cầu.

Theo đó, Daniel William Hiers trong danh sách tội phạm bị Mỹ truy nã gắt gao kể từ tháng 3.2005 vì tội giết người và tội phạm tình dục.

Muôn vàn cách “lách luật”

Bà Lynette Kim cũng như nhiều giáo viên khác cho hay, nhiều trường học ở Châu Á thuê người nước ngoài giảng dạy chỉ bởi họ là người da trắng.

“Mọi người thường nghĩ chỉ khi có người phương Tây dạy trong trường, bạn mới thực sự tiếp thu được đúng văn hóa phương Tây và ở một mức độ nào đó thì điều này đúng” – bà nói.

Luật pháp Indonesia yêu cầu giáo viên tiếng Anh phải có bằng thạc sĩ và tối thiểu 5 năm kinh nghiệm mới được phép dạy học tại một trường quốc tế.

Tuy nhiên, các giáo viên có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn này đang ngày càng khó tìm hơn khi nhu cầu học tiếng Anh tăng lên.

Do đó, một số trường học đã chọn cách “lách luật”.  Yusuf Muhyidin – Giám đốc giảng dạy của Bộ Giáo dục Indonesia cho biết, giáo viên không đủ tiêu chuẩn đôi khi có thể lách luật.

Ông cho biết: “Nhiều khóa học ngôn ngữ thuê người bản ngữ nhưng không muốn làm đúng thủ tục hoặc xin giấy phép của Bộ. Điều này thường là vì yếu tố thời gian làm thủ tục và chi phí”.

Còn Nathaniel Kempster – công dân mang 2 quốc tịch Anh – Pháp – đến Trung Quốc bằng visa du học năm 2006 đã được mời làm giảng viên sau 2 ngày đặt chân đến đất nước này.

Theo anh Kempster, các trường có giáo viên người nước ngoài kiếm được nhiều tiền. Do đó, chủ thuê anh thà chịu phạt nếu bị công an “sờ gày” còn hơn là thuê giáo viên sở tại. “Việc trả tiền phạt chỉ là phần rất nhỏ so với số tiền họ sẽ kiếm được về lâu dài” – anh nói.

Theo Lao Động