Đúng như tên gọi, xưa nay nồi cơm điện thường được dùng để nấu cơm. Tuy nhiên, ít ai biết chiếc nồi cơm điện còn có thể nấu nhiều món ăn khác cực ngon và còn nhanh gọn lẹ nữa.
Nếu chỉ để nấu cơm thì có vẻ chúng ta đã quá phí phạm, chưa tận dụng được hết công năng của chiếc nồi cơm điện, bởi chúng có thể dùng để nấu rất nhiều món ngon khác nữa như bò kho, gà tần, xôi gà, kho cá… với cách làm cực đơn giản sau đây:
1. Làm bánh pizza
Nguyên liệu:
– Cho phần bột bánh: 500g bột mì, 10g men nở, 3g muối, 280ml nước lọc, 2 muỗng cà phê dầu oliu.
– Cho phần nhân bánh: 1 thanh xúc xích, 1 miếng pho mai lớn, 15g chà bông, 1 quả ớt chuông, 1 trái cà chua, 15ml nước sốt cà chua, ít lá thơm oregano, 1 muỗng cà phê dầu ô liu, nấm đông cô xắt mỏng.
Cách làm:
– Làm vỏ bánh Pizza: Trộn đều bột, muối và dầu oliu. Dùng nước ấm hòa tan men và từ từ cho vào nhào thật đều tay. Khi bột mịn, cho bột nghỉ nửa tiếng.
– Chia bột thành những phần nhỏ và cán mỏng sao cho đế bánh dày khoảng 2cm. Đường kính bánh tùy thuộc vào dung tích nồi cơm điện nhà bạn.
– Lau nồi khô, bật nóng. Sau đó cho bánh đã cán vào nồi, dùng nĩa đâm những lỗ nhỏ, bật chế độ cooking và chỉnh thời gian khoảng 15 phút.
– Trong lúc đợi bánh vàng mặt, đem các nguyên liệu cắt miếng nhỏ. Riêng ớt và cà chua nên xào sơ sao cho vừa chín tới.
– Lấy bánh ra, lật mặt lại và phết sốt cà chua lên mặt bánh trước hết, sau đó lần lượt sắp xúc xích, cà chua, ớt chuông, chà bông, bào phô mai thành sợi rắc đều lên toàn bộ mặt bánh, đặt nấm lên trên, tưới thêm dầu oliu và trải lá oregano đã xắt mịn lên cùng.
– Cho bánh vào nướng trở lại. Bật chế độ cooking và nướng thêm khoảng 10 phút là bạn đã có một chiếc bánh pizza thơm ngon không kém gì ngoài tiệm.
Vậy là chiếc bánh pizza làm từ nồi cơm điện đã hoàn thành. Chúc các bạn thành công với món ngon dễ làm này nhé!
2. Nấu bò kho
Nguyên liệu: 2 viên gia vị bò kho, 800g thịt bò bắp + gân + nạm, 2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng canh hành, 1 muỗng canh tỏi, ½ củ gừng cắt lát, 8-10 nhánh sả, 1 gói sữa tươi không đường (200ml), cà rốt cắt nhỏ, 50g bột bắp
Thực hiện:
– Đầu tiên, đun nước sôi rồi hòa tan 2 viên gia vị bò kho với 100ml nước sôi. Ngâm 5 phút cho gia vị bò kho tan trong nước.
– Chuẩn bị 800g thịt bò bắp, gân, nạm… để nấu bò kho. Trộn thịt bò với 2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng canh hành, 1 muỗng canh tỏi, nửa củ gừng cắt lát, cùng với phần nước gia vị bò kho.
– Cắt phần trên của 8-10 nhánh sả, đập dập. Cho sả vào thịt bò rồi trộn đều. Bọc tô thịt bò bằng màng bọc thực phẩm, cất vào tủ lạnh, ướp ít nhất 4 tiếng cho thịt bò ngấm gia vị.
– Bật bếp hồng ngoại, chọn chế độ chiên, công suất 1600W rồi bắc chảo lên bếp. Rưới dầu ăn và láng đều chảo, lấy thịt bò ra cho vào chảo xào đến khi thịt bò săn lại thì tắt bếp.
– Cho thịt bò vào nồi cơm điện, cho vào nồi 1 gói sữa tươi không đường (tương đương 200ml), 800ml nước, đảo đều. Lưu ý, một mẹo để thịt bò có màu đậm và đẹp là cho ít dầu màu điều vào thịt (bước này không bắt buộc).
– Cho nồi thịt bò vào nồi cơm điện, nhấn nút cook và nấu trong 2 đến 3 tiếng cho đến khi thịt bò chín mềm. Trong quá trình nấu nếu cạn nước thì thêm nước vào.
– Cắt khúc nhỏ cà rốt, chờ khi thịt bò chín mềm thì cho cà rốt vào nồi, đậy nắp nấu thêm 15-20 phút cho cà rốt mềm.
Hòa tan 50g bột bắp với 50ml nước. Gắp bớt sả ra ngoài rồi cho chén bột bắp vào nồi. Khuấy đều rồi đậy nắp nấu thêm 5 phút nữa. Khi nước bò kho sệt là có thể múc ra thưởng thức ngay. Thật đơn giản để chế biến món bò kho bằng nồi cơm điện phải không nào?
3. Làm sữa chua
Nguyên liệu: 1 lon sữa đặc, 1 lon nước sôi, 2 lon sữa tươi (dùng lon sữa đặc để đong), 2 hộp sữa chua không đường (làm men).
Thực hiện:
– Cho sữa đặc ra tô rồi dùng lon sữa đong đầy 1 lon nước sôi. Đổ từ từ vào tô, khuấy đều để sữa tan.
– Từ từ đong 2 lon sữa tươi vào phần sữa đặc vừa pha. Lưu ý: vừa đổ, vừa khuấy đều tay.
– Tiếp theo quậy đều, dằm nát sữa chua rồi mới cho vào hỗn hợp vừa có được. Khuấy đều cho sữa chua tan. Nếu thích ăn chua thì bạn cho 2 hộp sữa chua vào, không thì chỉ dùng 1 hộp.
– Cho hỗn hợp vào từng hũ thủy tinh đã rửa sạch rồi đặt vào nồi cơm điện.
– Cho nước nóng khoảng 45 độ vào nồi cơm điện sao cho ngập khoảng 2/3 hũ sữa chua. Bật chế độ “warm” trong 2 giờ đồng hồ, sau đó tắt bếp, ủ tiếp từ 2 đến 4 giờ nữa.
– Sau khi ủ xong cho sữa chua vào tủ lạnh. Sữa chua sệt lại là có thể sử dụng.
4. Bắp rang bơ
Nguyên liệu: 100g hạt bắp, 50g bơ, 10ml dầu ăn, một ít vani.
Thực hiện:
– Cho dầu ăn vào nồi cơm điện, bật chế độ “cook” khoảng 1 phút. Sau đó cho bơ vào, đậy nắp lại, để khoảng 2 phút rồi kiểm tra xem bơ đã tan chưa.
– Khi bơ đã tan, chuyển nồi sang chế độ “warm”, cho hạt bắp vào nồi rồi đảo đều để bắp thấm dầu ăn với bơ. Đậy nắp nồi lại, bật chế độ “cook”, khoảng 1 phút mở nắp nồi, đảo đều rồi đậy lại.
– Khi bắp bắt đầu nổ, dùng đũa đảo để bắp nổ đều. Khi tiếng nổ ngưng hẳn là bạn đã hoàn thành món bắp rang bơ siêu ngon bằng nồi cơm điện rồi đấy.
Lưu ý: bắp khi nổ sẽ bắn xung quanh, bạn nên dùng đũa dài và chuẩn bị sẵn nắp đậy bằng đường kính nồi cơm điện, đục lỗ ở giữa để cho đũa qua. Như vậy bạn sẽ dễ dàng đảo bắp mà không sợ bắn ra ngoài.
5. Nướng bánh bông lan
Nguyên liệu: 150g bột mì, 150g đường, 30g bơ lạt, 5 quả trứng, 50g bột bắp, 50ml sữa tươi, 30ml dầu ăn, 3g muối, 1 ống vani.
Thực hiện:
– Tách riêng lòng trắng và lòng đỏ trứng.
– Đánh lòng trắng trứng ở tốc độ chậm của máy. Khi lòng trắng nổi bọt lớn, thêm chút muối, đến khi chỉ còn bọt nhỏ hơn, từ từ cho đường vào. Tiếp tục đánh đến khi trứng bông lên.
– Đánh đều tay lòng đỏ trứng, sữa tươi và vani. Lúc này có thể dùng cây đánh trứng, không cần dùng máy.
– Trộn đều bột mì với bột bắp, từ từ rây vào phần lòng đỏ với sữa. Trộn đều đến khi hỗn hợp nhuyễn mịn.
– Chia lòng trắng trứng đã đánh bông thành 3 phần bằng nhau. Từ từ cho từng phần vào phần lòng đỏ, vừa cho vào vừa quậy đều theo cách xúc đảo. Bạn sẽ thu được hỗn hợp mịn màu vàng nhạt.
– Lót giấy nến dưới nồi cơm điện hoặc bôi ít bơ rồi rắc bột vào cho không dính nồi. Cho hỗn hợp trên vào nồi, bật chế độ “cook”. Khi nồi tự chuyển sang chế độ “warm” thì nấu thêm khoảng 20 phút.
– Dùng tăm kiểm tra xem bánh đã chín chưa. Nếu tăm ướt nên để thêm khoảng 5 đến 10 phút, tăm khô nghĩa là bánh đã chín.
6. Chè bắp
Nguyên liệu: 3 trái bắp non bào hạt, giữ lại cùi, 1/3 chén nếp vo sạch, ngâm khoảng 15 phút, 100g đường thốt nốt, một ít lá dứa, 50g dừa nạo, 800ml nước.
Thực hiện:
– Cho bắp, cùi, nếp, nước vào nồi và bật chế độ “cook”. Khi nồi bốc hơi, lấy cùi bắp ra ngoài. Cho lá dứa vào, tiếp tục bật chế độ “cook”. Khi chè sôi, cho thêm đường vào, đảo đều và nhanh tay. Khi chè tiếp tục sôi, nước sệt lại, bật chế độ “warm” và để thêm 10 phút.
– Trong khi chờ đợi, bạn hãy chuẩn bị phần nước cốt dừa.
– Sau 10 phút, múc ra chén rồi chan thêm ít nước cốt dừa. Vậy là đã xong chèn chè bắp hấp dẫn rồi đấy.
7. Xôi dừa
Nguyên liệu: 1/2 quả dừa, mè rang, 300g gạo nếp, nước cốt dừa.
Thực hiện:
– Vo sạch gạo nếp, ngâm với nước lạnh qua đêm. Nếu không có thời gian ngâm lâu bạn có thể ngâm gạo với nước ấm trong khoảng 3 tiếng. Sau đó, bạn trộn gạo nếp với với dầu ăn, nước và muối, cho vào nồi cơm điện bật nút nấu.
– Sau 10 phút, đổ gạo ra rổ, nhúng ngay vào thau nước lạnh sau đó nhấc ra, để ráo nước.
– Trộn gạo nếp với dừa, mè rang, nước cốt dừa và đường cho đều, cho vào nồi cơm điện bật nút nấu lần nữa. Do lần này nấu không có nước nên nồi cơm điện sẽ rất mau chuyển qua chế độ ủ. Tiếp tục để trong 20 phút rồi đánh đều là ăn được.
8. Kho cá
Nguyên liệu: Cá basa, gừng, ớt, lá chè xanh, nước màu, hạt tiêu, nước mắm, gia vị, bột ngọt
Thực hiện:
– Cá làm sạch, cắt khúc, rửa sạch với muối và giấm. Gừng rửa sạch, thái lát. Lá chè xanh rửa sạch để ráo nước.
– Xếp lần lượt các nguyên liệu vào nồi cơm điện. Lót dưới cùng nồi 1 lớp lá chè xanh, tiếp theo tới 1 lớp gừng, rồi xếp cá lên trên.
– Sau khi xếp cá vào nồi, bạn nêm gia vị, bột ngọt, nước mắm, hạt tiêu và một ít nước màu. Đổ nước sôi xâm xấp mặt cá. Đặt nồi cá vào trong nồi cơm điện và bấm nút nấu (cook).
– Khi nồi cơm điện sôi nước và chuyển sang chế độ warm, bạn chờ khoảng 10 phút sau đó bấm nút nấu tiếp. Làm như vậy khoảng 4-5 lần là được. Bạn rút phích cắm điện hoặc kho cá tới khi cạn nước.
– Việc sử dụng nhiều gừng, ớt vừa giúp cá không bị tanh mà còn giúp cá có vị thơm ngon hơn.
– Cá kho càng lâu sẽ càng ngon, nhất là kho liu riu lửa. Khi kho cá bằng nồi cơm điện, bạn có thể để chế độ giữ ấm nồi cá để kho trong nhiều giờ mà không phải canh chừng.
Chúc các bạn có một món cá kho ngon miệng trong bữa cơm gia đình.
9. Gà tần
Nguyên liệu: Gà ác hoặc gà ta loại nhỏ: 1 con, túi thuốc bắc (mua ngoài chợ, có đủ vị để tần gà), gia vị, hạt nêm, bột nghệ, gừng, rau ngải cứu.
Thực hiện:
– Xát muối vào khắp thịt gà rồi rửa sạch với nước. Sau đó bạn cho gia vị, gừng, nghệ (đã giã nhỏ) vào ướp thịt gà.
– Rau ngải cứu rửa sạch, sau đó nhồi vào thân gà.
– Xếp các vị thuốc bắc đã chuẩn bị vào nồi cơm điện, rải một lớp lá ngải cứu bên cạnh.
– Xếp gà lên trên và đổ nước xâm xấp so với bề mặt gà. Cuối cùng, đậy nắp vung và bật chế độ như nấu cơm bình thường. Sau 45 phút gà sẽ chín mềm và bạn có thể thưởng thức món ăn bổ dưỡng này.
Vậy là chỉ với một chiếc nồi cơm điện thôi nhưng nếu biết cách bạn vẫn có thể chế thành rất nhiều món ngon khác mà không cần phải sắm thêm dụng cụ nấu nướng. Chúc bạn và gia đình luôn có những bữa cơm thật ấm áp!
Theo Bestie