Home Văn Hóa Ngôi làng của những người dùng hơi thở để kiếm sống
Văn Hóa

Ngôi làng của những người dùng hơi thở để kiếm sống

Bằng các công cụ thô sơ và kỹ thuật điêu luyện, người dân ở xã Thống Nhất từ đời này qua đời khác đã làm ra những sản phẩm gia dụng từ nghề thổi thủy tinh truyền thống.

Trong khu xưởng nhỏ rộng vỏn vẹn 10m2 tại thôn Hoàng Xá (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội), người thợ trẻ Lê Duy Đại (sinh năm 2000) miệt mài đỏ lửa làm ra các đồ thủy tinh.

Mặc dù mới vào nghề chỉ hơn 1 năm, nhưng Đại đã tỏ ra là một người thợ lành nghề, tháo vát.

Chỉ trong vài phút, Đại thoăn thoắt hơ, kéo các ống tuýp thủy tinh, mím miệng dồn hơi thổi tạo hình cho thủy tinh.

Sau dịch COVID-19, lượng hàng bán ra chậm, nhưng những người thợ tại đây vẫn phải hoạt động cầm chừng để đảm bảo cuộc sống.

Ông Lê Xuân Tiến, chủ xưởng cho hay: “Nghề làm thủy tinh do ông bà, bố mẹ tôi truyền lại, rồi đến đời tôi tiếp nối giữ gìn đã hơn 30 năm. Phải yêu nghề và chịu được gian khổ vì suốt ngày làm việc với nhiệt độ cao, lợi nhuận cũng không được tốt.”

Xưởng nhà ông Tiến có quy mô nhỏ, mặt hàng chủ yếu là lọ thủy tinh cho chim ăn. Nếu làm đều đặn mỗi ngày, xưởng có thể sản xuất hàng trăm sản phẩm.

Những ngày hè nắng nóng gần 40 độ C, công việc lại càng vất vả hơn.

Từ những năm 60, người dân xã Thống Nhất đã sản xuất ra các vật dụng bằng thủy tinh từ đơn giản như ống tiêm Philatop, bóng đèn, chai, lọ,…

Quy trình chế tạo ra một sản phẩm thủy tinh, cần trải qua nhiều công đoạn, từ việc chọn mua nguyên liệu hoặc nhập nguyên liệu để tái chế.

Tùy theo yêu cầu của từng sản phẩm mà quy trình sản xuất có thể khác nhau như thổi, ép, kéo, cuốn… Tuy nhiên, phương pháp gia công truyền thống phổ biến nhất đã được áp dụng qua nhiều đời vẫn là phương pháp thổi.

Anh Hồ Quang Hiển, một người thợ làm nghề thổi thủy tinh hơn 34 năm tại làng, cho biết gia đình anh không chỉ làm các sản phẩm đơn giản mà còn làm những vật dụng yêu cầu kỹ thuật cao hơn, cầu kỳ và khéo léo hơn.

Để cho ra những sản phẩm ưng ý và đẹp mắt, anh Hiển phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt bên cạnh một ngọn lửa khò với nhiệt lượng rất lớn khoảng hơn 700 độ C, có nhiều loại thủy tinh nhiệt độ phải lên đến hơn 1.000 độ C.

Khi nung nóng thủy tinh trên lửa tới độ ‘chín’, người thợ sẽ sử dụng một ống sắt để quết thủy tinh nóng chảy vào đầu ống, sau đó dùng hơi để thổi vào khiến thủy tinh nở phồng ra.

Quá trình tạo hình sản phẩm cũng được người thợ áp dụng trong lúc thổi. Trong tất cả các bước thì kỹ thuật thổi là quan trọng nhất. Người thợ phải sử dụng hơi thở thật khéo léo cho phù hợp với từng loại sản phẩm làm ra.

Mỗi xưởng sản xuất thủy tinh đều có những bí quyết riêng khác nhau từ công đoạn lựa chọn chất liệu thủy tinh cho tới nung nóng và tạo hình sản phẩm để làm ra những sản phẩm có độ bền cao, có độ trắng trong suốt và đều nhau. Sản phẩm làm ra còn phải đảm bảo về độ an toàn khi sử dụng.

Có lúc tưởng như bị mai một, nhưng đến nay những người dân nơi đây vẫn bảo tồn, duy trì được tinh hoa của nghề làm thủy tinh truyền thống.

Nhiều hộ làm nghề thổi thủy tinh truyền thống ở xã Thống Nhất hiện không chỉ sản xuất những đồ dùng thủy tinh truyền thống mà còn tìm tòi nghiên cứu để làm ra các vật dụng, thiết bị sử dụng trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Hiện nay, các thôn Giáp Long, Hoàng Xá, Thượng Giáp của xã Thống Nhất vẫn còn giữ được nghề. Tuy nhiên, mỗi làng chỉ còn vài hộ làm theo lối công nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, thổi thủy tinh tuy không còn là nghề chủ đạo của xã Thống Nhất nhưng vẫn ghi dấu đậm nét với mọi người về một làng nghề từng nức tiếng gần xa.

Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Theo Vietnamplus.vn

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Lễ kỷ niệm Ngày ASEAN nhiều ý nghĩa tại Úc

Ngày 24/8, Ủy ban ASEAN tại Canberra (ACC) đã tổ chức lễ...

Tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài vào ngày 8/9 hàng năm

Tổ chức ngày tôn vinh tiếng Việt nhằm nâng cao nhận thức...

Tiếng Việt là ngôn ngữ phổ biến thứ ba tại Úc

Theo kết quả cuộc điều tra dân số thực hiện 5 năm...