Thủ tướng Scott Morrison bảo đảm chương trình tiêm chủng sẽ bắt đầu vào tháng Hai, cả nước đều được tiêm vaccine nhưng việc tiêm chủng này không bắt buộc. Tuy nhiên các luật sư nói điều này sẽ không thể ngăn cản những doanh nghiệp tư nhân từ chối phục vụ những khách hàng không muốn hoặc chưa tiêm chủng coronavirus.
Nhóm dân Úc đầu tiên sẽ có thể nhận được vaccine coronavirus sớm nhất là vào giữa tháng Hai.
Chính phủ liên bang nói sẽ không bắt buộc mọi người phải tiêm phòng, nhưng chính phủ tiểu bang và các công ty tư nhân có thể mang quan điểm khác.
Hôm thứ Hai, Thủ hiến NSW Gladys Berejiklian nói bà sẽ ủng hộ những doanh nghiệp nào từ chối phục vụ khách hàng nếu khách hàng đó không chịu tiêm chủng coronavirus.
‘Tôi không muốn ép buộc ai làm điều gì, nhưng sẽ có những khuyến nghị được áp dụng trong một vài trường hợp, nếu điều đó bảo đảm sự an toàn cho họ cũng như giữ an toàn cho những người khác. Sẽ có những cuộc đối thoại như vậy xảy ra, nhưng một lần nữa, chúng tôi muốn đây là một hệ thống mang tính khuyến khích hơn là bắt buộc’.
Vậy các chính phủ và doanh nghiệp sẽ khuyến khích mọi người tiêm phòng coronavirus như thế nào một cách hợp lý và hợp lệ?
Thủ tướng Scott Morrison bảo đảm cả nước sẽ tiêm vaccine nhưng không bắt buộc, mặc dù trên thực tế, chính phủ có quyền khiến việc này trở thành bắc buộc đối với tất cả mọi người.
Và đây không phải là lần đầu tiên Úc gặp vấn đề này.
Chính phủ Úc từng bắt buộc toàn dân tiêm vaccine trong thế kỷ 19 nhằm giúp chống lại bệnh đậu mùa, từng là một trận dịch lây nhiễm đã được diệt trừ trên toàn thế giới kể từ năm 1979.
Nhưng giáo sư về Pháp luật và Đạo đức Y Khoa tại trường Đại học Sydney, ông Cameron Stewart nói nhu cầu về việc tiêm phòng bắt buộc đã biến mất cùng với việc mọi người nhận ra sự hiệu quả của vaccine không như mong muốn.
‘Tôi nghĩ đây là một vấn đề tổng hợp giữa niềm tin của người dân và sự thành công của vaccine, cũng như vaccine hữu hiệu đến đâu. Tất cả những điều này có nghĩa rằng đây là một chương trình không cần thiết phải mang tính bắt buộc. Và dĩ nhiên, đến cuối thế kỷ 20, chúng ta bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm nhanh chóng tỉ lệ tiêm chủng nói chung, và một lần nữa vấn đề này cần phải được đem ra thảo luận – liệu chúng ta có nên bắt buộc toàn bộ người dân phải tiêm chủng hay không?’
Chúng ta biết khoảng từ 60 đến 70 phần trăm dân số cần tiêm vaccine thì mới có thể tạo ra một sự bảo vệ hiệu quả khỏi một căn bệnh truyền nhiễm.
Vì vậy nếu chính phủ không bắt buộc tiêm vaccine coronavirus thì liệu chúng at có đạt được tỉ lệ 60 – 70% này không?
Và đây là giới hạn mà các chính phủ tiểu bang và doanh nghiệp sẽ phải can thiệp.
Nếu họ chọn áp dụng các quy định về tiêm phòng tại các sở làm và các dịch vụ cung cấp cho công chúng, thì tiêm phòng sẽ nhanh chóng trở thành một thực tế.
Đã có những yêu cầu phải tiêm phòng tại một vài nơi và một vài lĩnh vực nghề nghiệp, chẳng hạn, các nhân viên y tế cần phải tiêm phòng bệnh cúm hằng năm, các nhân viên làm việc trong lò mổ gia súc phải tiêm phòng bệnh sốt Q, một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây ra, khiến người bệnh bị sốt cao trầm trọng với những biểu hiện giống như bệnh cúm.
Và hồi cuối năm ngoái, Giám đốc điều hãnh hãng hàng không Qantas, ông Alan Joyce đã nói bất kỳ ai muốn bay ra ngoại quốc với Qantas cần phải đưa ra bằng chứng đã tiêm chủng coronavirus.
Giáo sư Stewart nói những kiểu bắt buộc dựa theo xu hướng thị trường như vậy là đủ để một số lượng lớn người dân phải tham gia tiêm chủng.
‘CHính phủ tiểu bang không cần sử dụng đến quyền lực của mình để ép buộc mọi người phải tiêm chủng, một trong những nguyên nhân đó là bản thân các doanh nghiệp tư nhân có thể sẽ đặt điều kiện này nếu khách hàng muốn sử dụng dịch vụ của họ, hoặc muốn đi vào một nơi nào đó. ‘Chúng tôi sẽ không cho bạn lên chiếc xe bus này’. Hoặc ‘chúng tôi sẽ không để cho bạn lên chuyến bay này nếu bạn khôn đưa ra một bằng chứng đã tiêm phòng’. Nguyên nhân thứ hai là sẽ có nhiều người lấy lý do này hoặc lý do khác để nói mình có quyền không tiêm vaccine. Lúc này chính phủ cần có những quy định thêm nữa, về những trường hợp đặc biệt, mà một người có thể được miễn trừ không cần tiêm vaccine chẳng hạn.’
Như vậy có phải các doanh nghiệp được từ chối không phục vụ những ai không tiêm vaccine phải không? Và việc từ chối này có hợp pháp không?
Phó giáo sư Luke Beck thuộc trường đại học Monash, chuyên nghiên cứu luật hiến pháp nói hầu như các doanh nghiệp đều có quyền lập ra các điều kiện để có thể nhận được dịch vụ của họ, miễn là các điều kiện đó không mang tính phân biệt hay kỳ thị.
‘Điều này hoàn toàn có thể. Giống như một câu lạc bộ RSL có quyền nói rằng ‘bạn không thể đi vào đây nếu bạn không mặc áo có cổ’, hoặc ‘bạn không thể đi vào nếu bạn mang dép lê’. Đây chỉ là những điều kiện đặt ra để có thể được hưởng một dịch vụ của một doanh nghiệp tư nhân. Và phần lớn mọi doanh nghiệp tư nhân đều có thể làm được. Nhưng mọi việc sẽ trở nên phức tạp nếu khách hàng đó có những điều kiện sức khỏe hoặc điều kiện y tế cho phép họ không phải tiêm chủng, thì đa số các tiểu bang và vùng lãnh thổ đều có đạo luật chống kỳ thị, không cho phép một doanh nghiệp tư nhân kỳ thị những người có những điều kiện sức khỏe nào đó.’
Tuy nhiên, giống như những người có tình trạng sức khỏe nhất định được miễn đeo khẩu trang, các doanh nghiệp có thể vượt qua thách thức này bằng việc miễn trừ tương tự cho những người không thể tiêm chủng an toàn.
Phó giáo sư Beck nói một thách thức khác là cần phải cho mọi người một khoảng thời gian để tiêm chủng đầy đủ rồi sau đó mới áp dụng các quy định tại các dịch vụ. Vậy thì phải chờ bao lâu mới bắt đầu áp dụng các điều kiện?
‘Với khẩu trang thì bạn chỉ cần chạy ra cửa hàng là mua được rồi. Nhưng bạn không thể chạy ra ngoài một lúc là có thể tiêm chủng được bất kỳ lúc nào bạn muốn. Sẽ có những giai đoạn tiêm chủng khác nhau tại những nơi khác nhau, và thậm chí sẽ mất hàng tháng để mọi người có thể tiếp cận với chương trình tiêm chủng này. Vì vậy những điều kiện kiểu như ‘bạn không thể đi vào nếu chưa tiêm chủng coronavirus’ có vẻ hợp lý về mặt lý thuyết, nhưng trên thực tế thì nhiều người sẽ không thể tiêm vaccine này trong vòng vài tháng sau khi vaccine được áp dụng. Và như vậy hầu hết các doanh nghiệp đều không thể đưa ra những điều kiện kiểu này trong thời gian sắp tới.’
Nhân viên y tế tuyến đầu và những cộng đồng dễ bị tổn thương sẽ bắt đầu được tiêm vaccine vào tháng sau, sau đó chương trình sẽ mở rộng cho toàn bộ người dân từ cuối năm nay.
Theo SBS
Leave a comment