Home Tâm Sự - Chia Sẻ Tâm sự – Chẳng đâu như nước Úc
Tâm Sự - Chia Sẻ

Tâm sự – Chẳng đâu như nước Úc

Những đặc quyền dành riêng cho thường trú nhân Úc (PR)
Đạp nho làm rượu vang
Từ Sydney, chúng tôi mất khoảng 2 giờ đồng hồ để đến thung lũng Hunter có nghề trồng nho và sản xuất rượu vang lâu đời nhất nước Úc.
Philip Helé, ông chủ trang trại Hunter Valley, niềm nở đón tiếp những vị khách đến từ VN bằng những ly rượu vang nhiều mùi vị. Trang trại còn được kinh doanh lưu trú như một khu resort. Đến đây, khách có dịp thử làm rượu nho truyền thống bằng cách đạp nho trong thùng gỗ.
Thùng gỗ để ngoài sân, bên trong có chừng 5 kg nho xanh. Hai du khách sau khi rửa chân sạch sẽ rồi bước vào thùng gỗ, hai tay tì trên vai nhau cứ thế đạp nho vòng tròn trong thùng. Trong thùng không có nước và du khách đạp đến khi nào nho chỉ còn xác, nước nho được múc đổ vào chai.
Ngày xưa, người dân ở đây làm rượu vang bằng cách truyền thống như vậy. Theo giải thích của Philip, rượu vang làm từ nước nho đạp bằng chân là loại rượu cao cấp và hảo hạng, vì không chứa nhiều chất tannin (chất chát có trong trái nho) so với ép bằng máy.
Nông nghiệp Úc rất phát triển và hoàn toàn công nghiệp hóa bằng máy móc. Ngành sản xuất rượu nho truyền thống bằng cách giẫm đạp vì thế dần dần không thể tiếp tục do thiếu nhân công.
Do đó, phương pháp được Philip thay thế là ép nho bằng đường ống dài, giữa đường ống có bong bóng ép nho như bàn chân người. “Bong bóng được làm mềm mại như gan bàn chân người, nên phần nào giữ được cách làm rượu vang truyền thống”, ông chủ vườn nho cho biết.
Theo ông, rượu vang ngon hay không phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu, trái nho ở vườn lâu năm cho ra loại rượu ngon hơn vườn mới trồng; quá trình chưng cất lên men càng lâu càng tốt.
Cả thảy, trang trại của gia đình Philip có khoảng 70 phòng để khách ở lại qua đêm, trải nghiệm không gian hoang vắng của cánh đồng nho và vui đùa cùng đàn kangaroo đủng đỉnh trước cửa nhà.
Đi trực thăng ngắm đảo chim cánh cụt
Cứ ngỡ không ai nỡ lòng bắn chết con vật biểu tượng của nước Úc – chuột túi (kangaroo), vì chúng quá hiền lành và dễ thương. Du khách có thể dừng xe ở ven các cánh rừng và lân la lại gần chúng để chụp hình, vuốt ve. Nhưng vì số lượng chuột túi quá đông, nên chính quyền Úc cấp phép cho các công ty săn bắn chúng để làm thịt.
Trong siêu thị, thịt chuột túi bày bán như thịt bò khô ở ta, còn có da chuột túi sấy khô để may nón, những cái khui bia có gắn tay cầm là bộ phận sinh dục của con đực để khách mua làm quà tặng… Thịt kangaroo tươi có màu đỏ giống thịt bò và nếu không được nói trước, chúng tôi cứ nghĩ đó là thịt bò Úc. Ở Úc còn có tour săn chuột túi.
Tuy nhiên, bất ngờ nhất trong hành trình tham quan nước Úc của đoàn phóng viên VN do Vietravel tổ chức chính là đi trực thăng tham quan đảo Phillip – hòn đảo quê hương của loài chim cánh cụt nước Úc. Công viên thiên nhiên đảo Phillip nằm ở bang Victoria, cách Melbourne khoảng 2 giờ xe chạy thông qua cây cầu kết nối với đất liền.
Chim cánh cụt trên đảo Phillip là loại chim nhỏ. Khi mặt trời lặn, đàn chim cánh cụt sẽ trở về tổ sau một ngày kiếm ăn ngoài biển. Ánh sáng ban ngày còn sót lại chỉ đủ rõ cho du khách ngồi im ngắm nhìn những chú chim lững thững đi thành đàn băng qua bãi cát để về tổ. Du khách bị cấm tuyệt đối không chụp hình và gây tiếng động ảnh hưởng đến cộng đồng chim cánh cụt sinh sống một cách tự nhiên nơi đây.
Những cái tổ được chúng xây nên trong các bụi cây, bãi cỏ nhưng cũng có tổ do con người sắp đặt cho chúng. Muốn ngắm đảo Phillip một cách đẹp nhất, du khách có thể thuê trực trăng bay một vòng đảo khoảng 10 phút (giá khoảng 150 AUD/người), mỗi chiếc chở 3 người. Sau khi ngắm cảnh từ trên không, du khách sẽ xuống bãi đáp để di chuyển tới khu vực xem chim cánh cụt về tổ. Từng đàn chim cánh cụt về tổ sau hoàng hôn là một trong những cảnh đẹp thiên nhiên hoang dã tiêu biểu nhất của du lịch Úc.
Nguồn: Thanh niên