“Chợ trời Laverton” là cách gọi quen thuộc của người Việt về ngôi chợ nằm ở phía tây Melbourne, chỉ họp chợ vào ngày cuối tuần. Khu chợ này còn được gọi là chợ “second hand” vì trước đây vốn là nơi họp chợ để mua bán những vật dụng đã qua sử dụng.
Ở Australia có nhiều khu chợ trời khác nhau, nhưng ở Melbourne, người Việt rủ nhau đi chợ trời ở khu vực Laverton là nhiều nhất. Có lẽ vì vậy dần dần cũng khá đông người Việt đem hàng ra bán tại đây. Người Việt phần đông dường như vẫn có tâm lý “sĩ diện” nên hiếm có ai đem những vật dụng trong gia đình đã xài qua ra bán ở chợ trời như những sắc dân khác.
Hàng hóa được người Việt bày bán thường là những mặt hàng mới như gạo, tôm khô, áo len, kem đánh răng, dầu gội đầu mà chủ yếu được nhập từ bên nhà sang. Các mặt hàng băng đĩa DVD, CD được bày bán nhiều nhất. Chủ yếu là phim Việt Nam, Hàn Quốc, các CD ca nhạc của các ca sĩ trong nước và hải ngoại. Phim nhiều tập của Việt Nam hỏi ra hầu như phim nào cũng có. Từ những phim đã sản xuất rất lâu như Đồng tiền xương máu, Tình bạn, Gió qua miền tối sáng đến những phim mới ra sau này như Nghề báo, Hướng nghiệp 2, Dốc tình, 39 độ yêu. Giá một DVD phim bộ chỉ khoảng 12.000 VND. Vì vậy, cho dù biết đó chỉ là đĩa sang lại, nhưng vì chẳng ai làm khó dễ nên cứ thế người bán cứ bán và người mua cứ mua.
Ở chợ trời, ngoài những sạp hàng nằm trong lòng chợ, còn lại hầu hết những người bán ngoài trời đều không cần phải ký hợp đồng gì cả. Cứ đến cuối tuần, ai thích đem hàng ra bán thì cứ lái xe thẳng vào chợ, đóng khoảng 20-30 AUD tại cổng và sau đó tìm một chỗ thích hợp để bày hàng hóa ra bán. Người bán phải tự mang cho mình tấm vải bạt để trải hoặc vài cái bàn xếp để bày hàng hóa lên trên.
Chợ trời hoạt động khoảng 5-6 giờ sáng. Khác với những khu chợ bình thường là chỉ mở cửa từ 9 giờ sáng. Ở đây người ta thu tiền cả người bán lẫn người mua. Vé chỉ bán cho đến khoảng trước 12giờ, trưa thì cửa mở cho ra vào tự do, vì giờ đó nhiều người bán cũng đã lục tục dọn hàng ra về.
Chợ trời bán đủ mặt hàng. Từ đồ cũ đến đồ mới. Từ các loại trái cây đến từng cái đinh, ốc, vít. Từ cái máy chụp hình cổ lỗ sĩ đến những máy ipod đời mới. Nhiều người cũng có cửa tiệm và công việc kinh doanh vào những ngày thường, nhưng cuối tuần vẫn đem hàng hóa ra bán thêm ở chợ trời xem như là một cách tiếp thị hữu hiệu. Ngày thường người Việt Nam ở khu vực nào hay đi chợ ở khu vực đó. Chỉ đến cuối tuần, người ta rủ nhau đến khu vực chợ trời dù ở xa hay gần để hy vọng mua được vài món đồ rẻ. Chợ trời còn mang thêm một nhiệm vụ: là “điểm hẹn vùng ven” của nhiều người Việt xa xứ, gặp nhau cuối tuần để “tám” vài câu cho vơi nỗi nhớ nhà.