Cơ thể chúng ta có giờ sinh học tự nhiên với chu kỳ 24 giờ: Hoạt động và ăn uống vào ban ngày, ngủ vào ban đêm.
Việc thay đổi giờ sinh học (làm việc hoặc ăn vào ban đêm) sẽ ảnh hưởng đến các chức năng bình thường của cơ thể. Đặc biệt, thói quen ăn khuya có thể dẫn đến béo phì hoặc mắc các bệnh về tim mạch. Theo The Telegraph, ăn đêm sẽ gây ra những tác hại cho sức khỏe dưới đây.
Tăng nguy cơ đau tim
Ăn quá khuya hoặc không đúng bữa gây ảnh hưởng đến lượng cholesterol trong cơ thể. Thói quen này tăng khả năng mắc các bệnh về tim mạch. Nghiêm trọng hơn, thói quen ăn khuya khiến chúng ta dễ dàng gặp phải những cơn đau tim.
Các chuyên gia nhận thấy rằng ăn sau 7 giờ tối có thể làm tăng nguy cơ bị đau tim. Thông qua 1 cuộc đánh giá hơn 700 người trưởng thành bị huyết áp cao, các nhà nghiên cứu từ Đại học Dokuz Eylül (Thổ Nhĩ Kỳ) phát hiện ra rằng, ăn muộn vào ban đêm có tác động đáng kể đối với huyết áp.
Đặc biệt ăn trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ sẽ gây hại nghiêm trọng hơn chế độ ăn có hàm lượng muối cao.
Có khoảng 24,2% những người ăn tối trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ bị huyết áp cao. Trong khi đó, tỉ lệ bị tăng huyết áp ở những người ăn bữa tối sớm hơn là 14,2%.
Theo Tiến sĩ Ebru Özpelit, phó giáo sư chuyên Khoa Tim mạch cho biết tần suất và thời gian của bữa ăn cũng quan trọng như những gì chúng ta ăn. Ông khuyên mọi người nên ăn no vào bữa sáng, không bỏ bữa trưa và ăn trước 7h tối.
Thay đổi hormone nội tiết tố trong cơ thể, tăng cân
Một nghiên cứu từ trường Y khoa Perelman tại đại học Pennsylvania (Mỹ) cho biết ăn trễ về đêm làm tăng lượng glucose (một loại đường đơn giản) và insulin (hormone do tuyến tụy tiết ra chuyển hóa cacbohydrate). Sự rối loạn hai chất này là tác nhân dẫn đến béo phì.
Nghiên cứu yêu cầu những người tham gia ăn với chế độ: 03 bữa ăn chính và 2 buổi ăn nhẹ trong khoảng từ 8 giờ sáng và 7 giờ tối suốt tám tuần đầu tiên.
Đồng thời, họ thực nghiệm chế độ ăn tương tự từ 24 giờ đến 11 giờ đêm trong tám tuần tiếp theo. Suốt thời gian thí nghiệm, những người tham gia phải ngủ trong khoảng thời gian ổn định (từ 11 giờ đêm đến 9 giờ sáng).
Kết quả thực nghiệm cho thấy những người ăn trễ vào buổi đêm không chỉ tăng cân mà hàm lượng insulin, gluco và cholesterol trong cơ thể cũng tăng cao.
Trong tám tuần đầu tiên với chế độ ăn bình thường, cơ thể những người tham gia thực nghiệm đã sản xuất một loại hormone kiểm soát sự thèm ăn nhằm giúp họ cảm thấy no lâu hơn.
Chuyên gia Namni Goel, người đứng đầu nhóm tác giả nghiên cứu cho biết những phát hiện ban đầu cho thấy lợi ích của việc ăn sớm và đúng giờ.
Ảnh hưởng đến trí nhớ
Theo các nhà khoa học Mỹ, ăn khuya ảnh hưởng đến trí nhớ của chúng ta. Cũng theo nghiên cứu từ trường đại học California, ăn vào những giờ giấc bất ổn định như: Quá trễ vào buổi tối tiềm ẩn những mối nguy hiểm đối với chức năng nhận thức của não (suy giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ,…).
Một thí nghiệm đã được thực hiện trên loài chuột sống về đêm. Trong suốt hai tuần, các nhà nghiên cứu cho một nhóm chuột ăn vào ban ngày, một nhóm còn lại được cho ăn đêm như giờ sinh học của chúng.
Sau đó, họ kiểm tra khả năng phân biệt của những chú chuột về các vật thể được đặt trong lồng. Kết quả thu được: Những chú chuột được cho ăn trái với giờ sinh học khó nhận ra các vật thể lạ hơn so với những con ăn đúng giờ như đặc tính của loài.
Thêm vào đó, các nhà khoa học cũng nhận thấy khả năng tạo ra trí nhớ dài hạn của những chú chuột bị thay đổi giờ ăn đã bị tổn hại.
Khiến bạn có những giấc mơ lạ
Vào năm 2015, hai nhà tâm lý học Canada thực hiện đánh giá liệu thói quen ăn uống có ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ hay giấc mơ hay không.
Tore Nielsen and Russell Powell đã yêu cầu khoảng 400 sinh viên đại học trả lời những câu hỏi trong phiếu điều tra về chế độ ăn, ngủ và những giấc mơ của họ. Kết quả, 18% người được khảo sát tin rằng, thức ăn có khả năng khiến giấc mơ của họ trở nên kì lạ hoặc đáng sợ hơn.
Cùng với việc ăn quá nhiều loại thực phẩm nhất định, hai nhà khoa học thấy rằng, việc ăn khuya cũng là nguyên nhân gây ra những giấc mơ khó hiểu. Nguyên nhân có thể là do ăn vặt đêm khuya thường dẫn đến khó chịu ở đường tiêu hóa, gây khó ngủ.
Trào ngược axit
Theo các chuyên gia, ăn tối trễ và đi ngủ ngay sau đó là một nguyên nhân của chứng trào ngược axit.
Bởi vì dạ dày của chúng ta cần thời gian để làm trống sau bữa ăn. Nếu bạn để bụng đầy thức ăn khi đi ngủ, axit sẽ tràn ra khỏi dạ dày và rò rỉ vào thực quản, dẫn đến trào ngược axit.
Trả lời phỏng vấn tờ The New York Times năm 2014, bác sĩ Koufman nói: “Các loại thuốc chúng tôi đang sử dụng để điều trị trào ngược không phải lúc nào cũng hiệu quả. Thậm chí, đôi khi những loại thuốc này có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm”.
Một bệnh nhân của Koufman bị chứng trào ngược axit kinh niên, sau sáu tuần thay đổi giờ ăn tối sang trước 7h, chứng trào ngược đã biến mất.
Khiến bạn đói hơn vào hôm sau
Nhiều người ăn đêm vì không thể nào kiềm chế được cơn đói bụng. Tuy nhiên nếu ăn quá khuya, bạn sẽ cảm thấy đói hơn khi thức dậy vào sáng hôm sau.
Nguyên nhân là ăn đêm làm tăng lượng glucose. Khi cơ thể có quá nhiều glucose sẽ kích hoạt một loại hormone có tên gọi là ghrelin, thành phần chịu trách nhiệm kích hoạt cơn đói.
Ghrelin thường làm việc giữa khoảng 8 giờ tối đến 8 giờ sáng khiến bạn cảm thấy đói hơn bình thường. Đây cũng là lý do khiến bạn đến tăng cân.