Home Công Nghệ Micro-TESE: Kỹ thuật giúp nam giới vô tinh không vô vọng
Công NghệSức Khỏe

Micro-TESE: Kỹ thuật giúp nam giới vô tinh không vô vọng

Thông qua kỹ thuật vi phẫu micro-TESE, ThS.BS Lê Đăng Khoa giúp nhiều bệnh nhân nam vô tinh đón nhận niềm vui làm cha, “ươm mầm” hy vọng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn.

ThS.BS Lê Đăng Khoa – Trưởng đơn vị Nam học, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP.HCM (IVFTA-HCM) – thường được bệnh nhân ưu ái gọi là “hiệp sĩ bắt tinh trùng”. Biệt danh này ra đời sau nhiều lần anh điều trị thành công cho bệnh nhân nam vô tinh, mang hạnh phúc đến nhiều cặp vợ chồng từng tuyệt vọng trên hành trình tìm con.

Tìm tinh trùng cho nam giới vô tinh

Xuân Nhâm Dần 2022 trở nên ý nghĩa hơn với gia đình nhỏ của anh H.V.N (29 tuổi, TP.HCM), khi hai vợ chồng được cầm trên tay kết quả siêu âm cho thấy có một thai sống trong tử cung. Trước đó, vợ anh nhận kết quả beta 506 ghi nhận có thai sau 10 ngày chuyển phôi vào đầu tháng 1 tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Cách đó khoảng 2 tháng, anh H.V.N đến thăm khám ở một bệnh viện khác và được kết luận không có tinh trùng, phải xin tinh trùng hiến tặng nếu muốn có con. Lời “phán quyết” ấy cũng đóng sập cánh cửa hy vọng của anh H.V.N.

Giữa lúc đó, anh tình cờ biết đến phương pháp vi phẫu micro-TESE – kỹ thuật giúp nam giới vô tinh có cơ hội làm cha.

“Dừng chân tại IVFTA-HCM, tôi tìm lại được hy vọng khi bác sĩ Lê Đăng Khoa cho biết vi phẫu micro-TESE là cơ hội cuối cùng để tôi tìm thấy tinh trùng trong tinh hoàn, hiện thực hóa giấc mơ được làm cha sau hai năm miệt mài lê bước đến các trung tâm điều trị vô sinh không có kết quả. Niềm tin của tôi nhen nhóm khi các bác sĩ khẳng định có hơn 70% nam giới có bệnh lý như tôi đã thành công”, anh N. nói.

Benh vien Tam Anh anh 1

Nhớ lại hành trình điều trị cho anh H.V.N, điều bác sĩ Khoa nhớ nhất là tinh dịch đồ của bệnh nhân hoàn toàn không có tinh trùng. Ngoài ra, bệnh nhân gặp tình trạng teo tinh hoàn trên, tinh hoàn ẩn bẩm sinh từ nhỏ. Dù anh N. trải qua hai lần phẫu thuật để đưa tinh hoàn xuống nhưng vẫn không có tinh trùng.

Hành trình “bắt tinh trùng” của bác sĩ Khoa và các cộng sự bắt đầu bằng ca mổ micro-TESE. Sau gần 2 tiếng với sự hỗ trợ của kính hiển vi hiện đại, các bác sĩ đã tìm thấy tinh trùng của người chồng. Trong lúc người chồng vi phẫu, tại phòng chọc hút trứng kế bên, người vợ cũng được tiến hành chọc và lấy 18 trứng trưởng thành.

Chuyên viên phòng lab lập tức tạo và nuôi được 12 phôi ngày 3, 5 phôi ngày 5. Xác định chất lượng phôi ngày 5 ở mức độ tốt, tử cung người vợ được chuẩn bị sẵn sàng, đồng thời giảm nguy cơ đa thai nguy hiểm cho người mẹ, các bác sĩ quyết định chuyển một phôi ngày 5. Kết quả là người vợ đậu thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên.

Câu chuyện của vợ chồng anh H.V.N là một trong rất nhiều “kỳ tích” tại Tâm Anh TP.HCM, khi tỷ lệ IVF thành công trung bình đạt 68,2% (so với tỷ lệ IVF thành công trung bình trên thế giới chỉ khoảng 40-50%), trong đó có nhiều trường hợp nam giới không có tinh trùng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một bệnh nhân được xác định vô tinh (azoospermia) khi có ít nhất hai lần thực hiện tinh dịch đồ không tìm thấy tinh trùng trong cặn sau ly tâm ở tốc độ 3.000 g trong 15 phút.

“Trường hợp của anh N. xếp vào nhóm vô tinh không tắc nghẽn. Đây là tình trạng nam giới xuất tinh nhưng không có tinh trùng trong tinh dịch, kể cả ly tâm, lắng cặn, tinh hoàn suy giảm sinh tinh với biểu hiện FSH, LH tăng cao.

Đây cũng là nguyên nhân gây vô sinh nam phổ biến và khó điều trị. Không chỉ anh N., tôi từng gặp nhiều người chồng khủng hoảng khi không có cơ hội sinh con bằng chính tinh trùng của mình”, bác sĩ Khoa cho biết.

Làm rõ hơn vấn đề này, bác sĩ nhận định bệnh nhân khi đi khám được chẩn đoán không có tinh trùng thường rơi vào 2 trường hợp.

Thứ nhất, tinh hoàn hoạt động bình thường, có khả năng tạo tinh trùng nhưng vì lý do nào đó đường dẫn từ tinh hoàn ra ngoài bị tắc (vô tinh tắc nghẽn – OA). Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể xử lý bằng phẫu thuật tại mào tinh bằng kỹ thuật MESA, PESA.

Thứ hai, tinh hoàn của bệnh nhân suy giảm sinh tinh (vô tinh không tắc nghẽn – NOA) có thể xử lý bằng kỹ thuật TESE và micro-TESE. Chỉ những trường hợp micro-TESE thất bại, bệnh nhân mới phải lựa chọn giải pháp xin tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng.

Cũng theo bác sĩ Khoa, nếu cách đây vài năm, những trường hợp vô tinh không tắc nghẽn phải xin tinh trùng từ người hiến tặng thì hiện tại, kỹ thuật trích tinh trùng từ mào tinh và tinh hoàn (micro-TESE) có thể “vét tinh trùng” tận gốc. Micro-TESE là kỹ thuật vi phẫu trích mô tinh hoàn để tìm tinh trùng dưới kính hiển vi, với sự trợ giúp của bộ dụng cụ vi phẫu hiện đại.

“Tại IVFTA TP.HCM, kỹ thuật micro-TESE đã giúp hàng trăm nam giới vốn mất khả năng sinh tinh có con chính chủ. Đây được xem là bước đột phá so với kỹ thuật TESE truyền thống”, bác sĩ Khoa cho biết.

Với sự giúp sức của kính hiển vi hiện đại, kỹ thuật micro-TESE có thể “đào sâu” đến tận cùng ngõ ngách tinh hoàn để tìm những tinh trùng khỏe mạnh, cho phép bác sĩ tìm chính xác được vài điểm có khả năng sinh tinh trong khối tinh hoàn bị hư, tăng khả năng tìm thấy tinh trùng từ 50% (TESE) lên đến 80% (micro-TESE).

Quy trình “vét tinh trùng” đặc biệt tại IVFTA

Thuộc thế hệ bác sĩ trẻ tài năng của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, ThS.BS Lê Đăng Khoa từng tham gia nhiều hội nghị Quốc tế về Nam học tại nhiều quốc gia trên thế giới và thực hiện không ít công trình nghiên cứu độc lập, cũng như kết hợp cùng đồng nghiệp quốc tế tại Việt Nam. Bác sĩ Khoa dành nhiều công sức, tâm huyết cho ngành Nam học để nghiên cứu phương pháp điều trị hiệu quả, an toàn, phù hợp với nam giới hiếm muộn Việt Nam, đặc biệt là kỹ thuật trích tinh trùng từ mào tinh và tinh hoàn bằng vi phẫu.

Theo bác sĩ Khoa, vi phẫu micro-TESE cần hội tụ nhiều yêu cầu khắt khe về cơ sở vật chất, trang thiết bị, sự phối hợp đồng bộ, kết hợp chặt chẽ giữa các ê-kíp gây mê hồi sức – phẫu thuật viên – chuyên viên phôi học.

Trong đó, bác sĩ phẫu thuật cần có nhiều kinh nghiệm giải phẫu cơ quan sinh dục nam giới, Nam khoa và kỹ thuật vi phẫu, sử dụng thành thạo các thiết bị máy móc hiện đại như kính hiển vi, dụng cụ vi phẫu thuật… Chuyên viên phôi học (embryologist) nắm vững kỹ thuật xử lý mô tinh hoàn và trữ mô tinh hoàn/tinh trùng số lượng ít.

Để thực hiện thành công một ca vi phẫu, bác sĩ nam học, bác sĩ thụ tinh ống nghiệm, chuyên viên phôi học cần phối hợp chặt chẽ, sắp xếp thời gian tiến hành các bước trong quá trình điều trị. Môi trường lý tưởng để thực hiện vi phẫu cần tích hợp “all in one” – tất cả đơn vị điều trị đặt trong cùng một bệnh viện.

“Chúng tôi tự hào khi Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM có đầy đủ chuyên khoa hỗ trợ thụ tinh ống nghiệm, với chất lượng chuyên môn cao và đầu tư thiết bị hiện đại. Chúng tôi có Trung tâm Hỗ trợ sinh sản với phòng lab chuẩn ISO 5 hiện đại nhất Đông Nam Á. Bên cạnh khoa Nam học, trung tâm còn có đơn vị Nam học”, bác sĩ Khoa cho biết.

Theo bác sĩ Khoa, đơn vị Nam học tại Tâm Anh có thể thực hiện các ca vi phẫu micro-TESE cho nam giới không có tinh trùng, tinh trùng bất động, với tỷ lệ thành công lên đến 80%. Không ít bệnh nhân vô sinh nhiều nơi từ chối điều trị, khuyên xin noãn, xin tinh trùng… đã mang thai và sinh con “chính chủ” tại IVFTA-HCM.

Để tăng tỷ lệ thành công bắt được tinh trùng khỏe mạnh khi phẫu thuật micro-TESE, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM đầu tư trang thiết bị hiện đại với hệ thống kính hiển vi vi phẫu có độ phóng đại 30 lần, trường quan sát rộng, hình ảnh rõ nét…; kính hiển vi đảo ngược với độ phóng đại hơn 200 lần, lab siêu sạch chuẩn ISO 5 với hệ thống nuôi cấy phôi cao cấp.

Trung tâm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh hiện đại giúp thực hiện nhiều xét nghiệm, chụp chiếu, góp phần đánh giá chính xác tình trạng bệnh lý, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc phôi hiệu quả… Nhờ sự đầu tư về công nghệ, bác sĩ có thể điều trị nhiều ca khó như vô sinh lâu năm, lớn tuổi, có bệnh lý phức tạp kèm theo, nữ giới có tử cung dị dạng, buồng trứng đa nang, suy buồng trứng…

Với micro-TESE, áp lực về thời gian phẫu thuật và phối hợp với đơn vị lab là vô cùng lớn. Tinh trùng và trứng ngay khi lấy ra khỏi cơ thể cần có điều kiện bảo quản ngặt nghèo về nhiệt độ, môi trường tối ưu để đảm bảo chất lượng mới có cơ hội tạo phôi tốt, nâng cao tỷ lệ IVF thành công. Điều này có nghĩa là bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ hiếm muộn và kỹ thuật viên phòng lab cùng phải “chạy” tiếp sức với tốc độ cao nhất.

Tại IVFTA-HCM, hệ thống phòng mổ vi phẫu hiện đại, phòng chọc hút và chuyển phôi, phòng lab được đặt trong cùng một tòa nhà, giúp quá trình mổ vét tinh trùng, chọc hút, tạo phôi được thực hiện cùng thời điểm, hạn chế tối thiểu hư hỏng tinh trùng và trứng.

Tinh trùng và trứng ngay khi lấy ra khỏi cơ thể được đưa vào tủ an toàn sinh học di động, trong thời gian ngắn nhất phải đưa đến phòng lab. Kỹ thuật viên phòng lab tiến hành xé từng ống sinh tinh, tìm từng con tinh trùng trên kính hiển vi đảo ngược với độ phóng đại trên 200 lần và tiến hành lọc rửa tinh trùng; bơm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) từ trứng của người vợ vừa được chọc hút để tạo phôi.

Sự phát triển của phôi được theo dõi bằng tủ nuôi cấy timelapse tự động ứng dụng công nghệ camera quan sát 360 độ liên tục. Môi trường nuôi cấy cao cấp mô phỏng điều kiện bên trong tử cung người mẹ, cho dữ liệu phôi trưởng thành chi tiết. Dựa vào đó, chuyên viên phôi học có thể chọn phôi tốt nhất, giúp tăng khả năng sử dụng phôi nang đến 70-80%.

Trong trường hợp tinh trùng không sử dụng hết, chuyên viên phôi học sẽ lưu trữ tinh trùng với số lượng ít để bệnh nhân sử dụng trong chu kỳ sau. Khi người chồng gặp các vấn đề như tinh trùng ít, yếu, dị dạng, phân mảnh,… chuyên gia phôi học thực hiện kỹ thuật làm giảm tỷ lệ phân mảnh ADN của tinh trùng, hay còn gọi là tỷ lệ làm cho vật liệu di truyền của tinh trùng bị tổn thương.

“Với kỹ thuật micro-TESE cùng quy trình phối hợp ăn ý của toàn bộ ê-kíp Tâm Anh, việc điều trị vô sinh không còn vô vọng, nhất là với bệnh nhân vô sinh nam”, bác sĩ Khoa chia sẻ.

Benh vien Tam Anh anh 2

Sự tinh vi của phương pháp micro-TESE kết hợp kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng đã tạo nên bước đột phá trong xử trí các trường hợp vô sinh do vô tinh không tắc, giúp bệnh nhân có con chính chủ, tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí điều trị.

“Tôi hiểu chẳng nam giới nào muốn xin tinh trùng. Do đó, chúng tôi nỗ lực để bệnh nhân tìm được tinh trùng và có con chính chủ thông qua kỹ thuật micro-TESE. Với công nghệ hiện đại, chúng tôi có thể giúp người chồng lưu giữ tinh trùng để sử dụng lâu dài, đồng thời điều trị và nâng cao sức khỏe sinh lý – giúp họ tự tin, hạnh phúc trong hôn nhân”, bác sĩ Lê Đăng Khoa chia sẻ.

Theo Zingnews.vn

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *