Từ năm 10 tuổi, quanh quẩn bên nồi nước phở khổng lồ của cha, Luke đã ấp ủ đam mê với những món ăn của dải đất hình chữ S.
Khi nấu phở, bạn phải thật kiên nhẫn. Phở là một trong những món ăn mà tôi thích nhất. Bởi nó có rất nhiều thành phần, bạn phải trông chừng nó từng chút một trong hàng giờ liền, đến cuối cùng mới có được một tô phở tuyệt vời”.
Đó là những gì Luke Nguyễn nói đầu một tập trong show ẩm thực Việt Nam của chính mình lên sóng đài SBS năm 2010, khi ngồi bên cô Hiền, bà chủ một hàng phở trên phố Lý Quốc Sư đang chuẩn bị nấu nướng. Phụ cô Hiền nướng hành khô, rang sơ quế, giã tiêu… xong xuôi, chàng trai bê một nồi nhôm lớn đặt lên bếp than. Anh đặt vào nồi nước lạnh những xương, nạm bò, từng loại gia vị như hành khô, gừng thái lát, một chiếc khăn xô đựng tiêu, hồi, quế giã bột, vài cục đường phèn, chút nước mắm, nhúm muối tinh…
Không kể đến khác biệt về công thức phở Bắc vốn “đơn giản” và có phần “tinh tế” theo lời Luke, có lẽ người đàn ông có gốc gác Sài Gòn như anh đã quá quen thuộc với những công đoạn này. Bởi phở là món ăn đầu tiên Luke được cha mẹ dạy nấu.
Năm 1979, cha mẹ Luke tới Australia với bốn đứa con nhỏ, của nải vẻn vẹn có túi quần áo trên lưng, một chiếc chày và một chiếc cối. Cha làm ca đêm, mẹ may vá. Lũ trẻ trong nhà tự trông nhau, nấu nướng và dọn dẹp. Một năm sau, cha mẹ Luke tiết kiệm đủ để đưa cả nhà tới khu Cabramatta, nơi những người Việt sinh sống.
Giữa Sài Gòn thu nhỏ ở vùng ngoại ô Sydney ấy, gia đình Luke mở một tiệm ăn mang tên “Phở Cây Dù”. Luke còn nhớ: “Tôi bắt đầu làm việc nhà từ lúc 5 tuổi, và chúng tôi phải kiếm điểm tốt trên lớp. Tôi sẽ bị đánh nếu đi học muộn, không chịu ăn hay không đạt điểm A”, theo SBS.
Anh lên đường với một nhiếp ảnh gia, rong ruổi khắp Việt Nam để lưu giữ và kể lại những câu chuyện. Cuốn sách đầu tay Những khúc hát Sa Pa (The Songs of Sa Pa) bán chạy trên toàn thế giới khi xuất bản năm 2009.
Đều đặn mỗi sáng trước giờ đi học, cậu bé Luke sẽ ghé qua chợ mua vài cân ớt, xoài xanh hay mọi thứ rau củ, thịt cá tươi cha mẹ cần trong ngày. Tối đến, phụ bếp nhí lại đứng trên chiếc két đựng sữa màu xanh, trông chừng nồi nước phở bò 200 lít khổng lồ của cha. Luke phải căn chỉnh bếp, gạn mọi gợn bẩn để sao cho nước phở đến cuối sẽ trong veo.
Đang tuổi ăn tuổi lớn, dĩ nhiên không đứa trẻ nào muốn làm công việc này. Nhưng Luke dần dần hiểu rằng, nấu nước dùng thành công là một điều gì đó thật thú vị, cũng như khi nhìn thấy những thực khách xì xụp một tô phở mình có góp công góp sức.
“Bài học lớn nhất cha mẹ dạy tôi là cách cân bằng hương vị, mặc dù thuở ấy gia đình tôi không hề cân bằng hay hòa hợp chút nào”, anh trả lời trên SBS. Luke luôn cố gắng làm việc chăm chỉ để đạt tới kết quả hoàn hảo, và say mê những điều mình làm. Đó là những đức tính họ học từ cha mẹ, và vô tình họ đã truyền cho Luke cả tình yêu nấu nướng.
Năm 19 tuổi, lần đầu tiên Luke trở về Việt Nam cùng cha mẹ. Anh đi từ Bắc chí Nam, nỗ lực tìm hiểu cách gia giảm sao cho tròn vị, cách dùng nguyên liệu, mẹo chọn những thực phẩm tươi sống và học cách nấu những món ăn tuyệt vời. “Đó là khi tình yêu của tôi với Việt Nam bắt đầu”.
Vào tuổi 23, Luke chạm tay đến ước mơ của mình khi mở nhà hàng đầu tiên trong đời, Đèn Lồng Đỏ, cùng chị gái Pauline và anh rể Mark Jensen ở Sydney. Từng món ăn của anh đều mang một câu chuyện riêng biệt về Việt Nam. Năm đầu tiên, Đèn Lồng Đỏ rinh về giải thưởng “Nhà hàng mới xuất sắc nhất” tại Sydney. 16 năm sau, đứa con tinh thần của Luke trở thành nhà hàng Việt nhận nhiều giải thưởng danh giá nhất thế giới.
Một ngày nọ, một nhà xuất bản sách tới và nói rằng “Anh nên ghi chép lại những điều này”, Luke kể lại trên South Morning China Post. Không muốn cho ra đời một cuốn sách ẩm thực chỉ có những dòng công thức kèm ảnh rập khuôn, anh muốn viết nên một câu chuyện về xê dịch, văn hóa và lịch sử.
Anh lên đường với một nhiếp ảnh gia, rong ruổi khắp Việt Nam để lưu giữ và kể lại những câu chuyện. Cuốn sách đầu tay Những khúc hát Sa Pa (The Songs of Sa Pa) bán chạy trên toàn thế giới khi xuất bản năm 2009.
Chưa dừng lại ở đó, Luke nảy ra ý tưởng làm series về ẩm thực đường phố Việt Nam song không nhà sản xuất nào hứng thú với điều đó. Anh tự tay lập nhà sản xuất của chính mình và bắt đầu ghi hình. Những chương trình từ Luke Nguyen’s Vietnam tới Luke Nguyen’s Greater Mekong lần lượt ra đời, vô số hãng truyền hình muốn mua bản quyền. Luke xuất hiện trên những kênh truyền hình quốc tế như Discovery Asia, UK TV hay Food Network Asia… được chiếu tại 160 quốc gia. Khán giả trên khắp thế giới lần đầu tiên thấy hình ảnh một chàng trai gốc Việt nói về ẩm thực Việt, tự tay nấu nướng kiểu dã chiến trên đường phố Việt Nam.
Danh tiếng của Luke bắt đầu lan tỏa theo những câu chuyện về ẩm thực Việt. Luke chính là người đồng hành cùng Gordon Ramsey trên chiếc ghe nhỏ của dì Hai bán hủ tiếu trứ danh tại chợ nổi Cái Răng, trong show ẩm thực Great Escape lên sóng năm 2011 của đầu bếp người Anh này. Luke cũng xuất hiện nhiều lần trên chương trình MasterChef Australia vào năm 2016 với tư cách khách mời ra thử thách cho các thí sinh. Gần đây nhất, đầu bếp gốc Việt này đưa Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ăn bánh mì ở quán vỉa hè Đà Nẵng, trong tuần lễ cấp cao APEC 2017.
Không phải ngẫu nhiên Luke luôn xuất hiện trước công chúng như một đại sứ cho ẩm thực Việt Nam. Đầu bếp này chia sẻ rằng năm 12 tuổi, anh đã ấp ủ đam mê đưa ẩm thực Việt giới thiệu với người dân khắp xứ sở chuột túi và sau đó là cả thế giới. Anh muốn mọi người thưởng thức được những hương vị phong phú và tuyệt vời của món ăn Việt.
Anh đã phần nào hiện thực hóa đam mê qua những trang sách, từng show truyền hình sống động về ẩm thực và chân thực nhất là chính những nhà hàng của mình ở Australia, Myanmar, Campuchia và Việt Nam. Song ngay cả 8 nhà hàng gộp lại cũng khó lòng phục vụ tới hàng triệu thực khách, như ước mơ giới thiệu món ăn Việt với cả thế giới của Luke.
Đầu bếp gốc Việt bày tỏ: “Tôi tin rằng mỗi hành trình luôn bắt đầu trên những chuyến bay. Vậy để những vị khách phương xa trải nghiệm văn hóa hay ẩm thực quyến rũ của Việt Nam ngay từ phút đầu là điều quan trọng với tôi”.
Đó cũng chính là lý do anh nhận lời trở thành Đại sứ Ẩm thực toàn cầu của Vietnam Airlines, hãng hàng không phục vụ tới hàng chục triệu lượt khách mỗi năm. Luke đã bay với hãng hàng không Việt trong suốt 2 thập kỷ, chứng kiến những cải thiện về chất lượng dịch vụ và ẩm thực qua từng năm. Là một đầu bếp gốc Việt, anh cũng muốn trở thành một phần trong hành trình hãng hàng không nước nhà nâng cấp chất lượng từ 4 sao hiện tại trở thành 5 sao theo tiêu chuẩn của Skytrax.
Niềm tự hào của một Đại sứ Ẩm thực toàn cầu cũng đi kèm với những thách thức Luke phải đối mặt khi “nấu ăn” cho 10 triệu khách mỗi năm. Hãng hàng không Việt Nam có đường bay quốc tế ra khắp thế giới, do đó phong cách ẩm thực hàng không cũng phải thích nghi với khẩu vị đặc trưng của hành khách đến từ nhiều quốc gia.
Song Luke đánh giá ẩm thực Việt Nam đặc biệt theo những hương vị thanh nhã: “Đó là lý do tại sao ẩm thực Việt Nam được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới. Mọi người yêu thích món ăn Việt Nam vì trong đó có sử dụng các loại thảo mộc tươi, nước dùng nhẹ nhàng và sự cân bằng hương vị. Nếu giữ đúng tất cả những gì về món ăn Việt Nam, tôi sẽ đáp ứng mọi khẩu vị của mọi hành khách”.
Tôi sẽ thực hiện đúng với tôn chỉ “Sải cánh vươn cao” của hãng. Tôi sẽ không ngừng phấn đấu để đạt được mục tiêu và vươn xa hơn nữa” – Luke nói.
Luke cũng tiết lộ dự định nâng tầm ẩm thực đường phố Việt Nam cho những món ăn sang trọng trên máy bay. Anh cho rằng mình đã học rất nhiều điều từ những đầu bếp bình dân: “Tôi lắng nghe những câu chuyện của họ và nhận ra rằng: khi đã nấu một món trong hàng chục năm, họ sẽ đạt đến trình độ hoàn hảo”.
Từ đó, để đưa những món ăn đường phố vào thực đơn hạng thương gia mới của Vietnam Airlines, Luke sẽ thổi vào ẩm thực truyền thống nét hiện đại của riêng mình. Nhờ nguyên liệu cao cấp, bài trí sáng tạo, nêm nếm hài hòa để món ăn đường phố Việt Nam có thể kết hợp với một ly rượu vang tinh tế, Luke sẽ khiến thực khách mê mẩn với những bữa ăn hàng không đáng nhớ của nhà hàng chuẩn 5 sao trên bầu trời.
Theo Vnexpress