Báo Alo Úc – “Rất nhiều nông dân từ Việt Nam gọi điện, phấn khởi nói với tôi rằng kể từ ngày trái vải được thị trường khó tính như Australia chấp nhận, không còn cảnh giá bán vải bị chèn ép như trước nữa rồi”, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, mở đầu buổi trò chuyện với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng trong những ngày đầu năm 2018 đầy hào hứng.
Vì nông sản Việt
Ông Phúc kể, vải thiều Việt Nam thâm nhập thị trường Australia xuất phát từ việc Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia (gọi tắt là Hội) phối hợp với Thương vụ Cơ quan đại diện của Bộ Công thương Việt Nam tại Australia, bàn về ý tưởng tổ chức Ngày Vải thiều tại xứ sở chuột túi, nhằm quảng bá trái vải Việt Nam với thị trường đầy tiềm năng nhưng vô cùng khó tính này.
Kết quả vượt xa sự kỳ vọng của ban tổ chức khi Ngày Vải thiều tại Australia được người dân sở tại đón nhận nồng nhiệt: 30 tấn trái vải mang sang nhanh chóng được bán hết. Trái vải Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Australia.
“Việc thị trường Australia đón nhận trái vải của Việt Nam đã giúp nông dân mình có thêm cơ hội xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường khó tính khác của châu Á. Nhưng điều quan trọng hơn cả là những thị trường lớn như Trung Quốc không còn chèn ép được nông sản Việt Nam, họ phải thỏa thuận rõ ràng mới mua được vải của mình”, ông Phúc vui mừng chia sẻ.
Sau thành công của trái vải, nhận thấy trái cây của Việt Nam đủ khả năng khẳng định chỗ đứng trên thị trường thế giới, Hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam xúc tiến đưa những trái cây khác sang Australia. Và kết quả là xoài và thanh long tiếp bước vải thiều sang xứ sở chuột túi.
Ngày Thanh long tại Australia cuối tháng 9-2017 tiếp tục mang đến niềm vui cho ban tổ chức khi chỉ trong 3 ngày, đợt hàng mang sang đã được bán sạch. Công ty nhập thanh long sang Australia (là thành viên của Hội) cho biết các siêu thị liên tục yêu cầu đưa thêm hàng. Theo công ty trên, trong hợp đồng ký kết mới với phía nhà cung cấp của Việt Nam, họ sẽ tăng lượng hàng nhập khẩu lên nhiều hơn nữa.
Australia còn rất ưa chuộng hạt điều của Việt Nam, lượng hàng nhập từ Việt Nam hàng năm rất lớn. Hiện Hội vẫn đang tiếp tục giới thiệu, kết nối các nhà phân phối hạt điều tại Australia với người trồng, sản xuất điều ở Việt Nam để tiếp tục nâng cao lượng hàng xuất khẩu. Hội đã đưa nhiều nhà phân phối tại Australia đi tham quan trực tiếp những nơi có diện tích trồng điều lớn như Bình Phước, Đắk Lắk… Hay phối hợp với đoàn UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo tại Australia, để Đắk Lắk có thể giới thiệu đầu tư và các nông sản có thế mạnh của tỉnh là hạt điều, cà phê và hạt tiêu với thị trường Australia.
Ông Phúc nhận định: “Nếu kỹ thuật từ gieo giống đến trồng trọt ngày một cải thiện tốt hơn, nông sản Việt Nam sẽ đủ sức cạnh tranh với các nước khác và chiếm lĩnh thị phần của các thị trường nước ngoài nhiều hơn nữa”.
Những nét son
Theo ông Phúc, một thống kê gần đây cho biết hiện có trên 320.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Australia (chưa tính người Việt Nam sinh tại Australia). Cộng đồng Việt Nam là cộng đồng sắc tộc lớn thứ 5 hoặc thứ 6 tại Australia, được đánh giá là cộng đồng hội nhập và đóng góp cho sự phát triển của xã hội đa văn hóa ở Australia. Trẻ em Việt Nam tại Australia học rất giỏi. Trong những học sinh tốt nghiệp trung học điểm cao của nhiều năm vừa qua đều có học sinh Việt Nam. Ở các trường đại học của Australia, rất nhiều giáo sư, giảng viên là người gốc Việt. Không dừng lại ở đó, còn có người Việt Nam giữ chức toàn quyền của một tiểu bang…
Ông Phúc cho hay, hiện khá đông doanh nhân Việt Nam ở Australia về quê hương đầu tư, kinh doanh và có được thành công trên nhiều lĩnh vực như khách sạn, kinh doanh tôm giống, IT… Sau khi thành đạt ở nước ngoài, họ muốn trở về quê hương, đóng góp sức mình cho nơi chôn nhau cắt rốn.
Theo ông Phúc, băn khoăn nhất của doanh nghiệp Việt Nam ở Australia khi về quê hương đầu tư, kinh doanh là nhiều thủ tục pháp lý khá phức tạp, nhiều quy định chưa cụ thể. Quan trọng hơn nữa là chính sách, chủ trương về vốn đầu tư phải rõ ràng. Khi họ mang vốn về đầu tư, nếu thành công thì sau đó họ được mang ra ngoài hay phải để lại trong nước.
Có cơ hội được tiếp xúc với các doanh nghiệp dự định đầu tư về Việt Nam, ông Phúc nhận thấy họ khá thiếu thông tin về tình hình trong nước. Họ tìm đến Hội để lấy thông tin, trao đổi những thắc mắc khi đầu tư về Việt Nam. Hội luôn cung cấp, phổ biến các thông tin chính thống, hữu ích, nên nhiều khi cũng là nơi để các doanh nghiệp Việt Nam tại Australia so sánh, tham chiếu với thông tin được các cơ quan chức năng nhà nước cung cấp. Thế nên, Hội xác định sẽ đóng vai trò cầu nối để các doanh nghiệp có thể trực tiếp liên hệ với các cơ quan chức năng để trao đổi những thông tin băn khoăn, thắc mắc, rồi từ đó có được niềm tin hướng về quê nhà đầu tư.
Niềm tin này ngày càng được củng cố khi Hội nói riêng và các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài nói chung rất vui khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã có nghị quyết khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân.
“Chúng tôi mừng bởi doanh nghiệp nước ngoài về Việt Nam đầu tư đều là kinh tế tư nhân. Rất mong cơ quan chức năng sớm triển khai các quy định rõ ràng hơn, để nghị quyết đi vào đời sống, giúp các doanh nhân biết được, hiểu được những chủ trương chính sách thông thoáng của Nhà nước để họ về đầu tư với một niềm tin vững chắc. Điều này sẽ giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài – một bộ phận không thể tách rời của đất nước – luôn gắn bó với quê hương, luôn xem mình là một phần của dân tộc”, ông Phúc chia sẻ.
Một lòng với quê hương
Từ ngày thành lập vào đầu năm 2010 đến nay, ngoài vai trò làm cầu nối giữa các cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, Hội còn có rất nhiều hoạt động thiết thực giúp cộng đồng người Việt Nam tại Australia gắn bó với nguồn cội. Hội từng phối hợp với Cơ quan đại diện Bộ Công thương tại Australia thực hiện chương trình quảng bá người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam tại các khu vực đông người Việt sinh sống; vận động cộng đồng người Việt Nam đóng góp xây dựng trường học cho học sinh ở Trường Sa; ủng hộ Quỹ Học bổng Vừ A Dính…
Theo ông Phúc, khi chiếu những thước phim về các em học sinh, người dân và chiến sĩ nơi đảo xa, cộng đồng người Việt Nam tại Australia rất xúc động. Ông Phúc tâm tình: “Những người nơi đầu sóng ngọn gió cũng có quyền lựa chọn cuộc sống ở đất liền, nhưng họ chọn biển đảo là nhà, để giữ gìn chủ quyền lãnh thổ đất nước thay cho mình. Việc ủng hộ học sinh, người dân và chiến sĩ ở Trường Sa giúp người Việt Nam ở Australia được chia sẻ phần nào trách nhiệm thiêng liêng đó, cảm thấy mình gắn bó với đất nước hơn”. Trong những ngày biển đảo bị thách thức, cộng đồng người Việt tại Australia cũng là một trong những cộng đồng kiều bào ở nước ngoài đầu tiên phát động cuộc biểu tình phản đối Chính phủ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam…
Trước khi về TPHCM dự Hội nghị lần thứ 8 khóa VIII của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với vai trò của một ủy viên, ông Phúc và Hội đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đưa Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam sang biểu diễn tại thành phố Melbourne trong chương trình “Hương sắc mùa xuân”, với mục đích giúp kiều bào tại Australia biết và hiểu văn hóa Việt Nam, để gắn bó, giữ gìn bản sắc dân tộc tại xứ người. Hội rất muốn đưa nhiều đoàn nghệ thuật của Việt Nam sang Australia biểu diễn trong thời gian tới, qua đó giới thiệu văn hóa nghệ thuật của Việt Nam với xã hội đa văn hóa của Australia, để họ thấy cộng đồng người Việt Nam có văn hóa truyền thống rất đẹp.
“Khi họ có thiện cảm với văn hóa của mình, họ sẽ yêu đất nước mình. Các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ là đại sứ hình ảnh giới thiệu một đất nước Việt Nam thân thiện, sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Đó chính là một sự đóng góp trong vận động ngoại giao cho Việt Nam”, ông Phúc nói.
Những phút cuối của buổi trò chuyện, ông Phúc thể hiện nhiều tình cảm sâu đậm với quê hương khi nhiều lần nhấn mạnh: “Là người Việt Nam yêu nước, có thể đóng góp cho quê hương dưới bất kỳ hình thức nào, không nhất thiết phải về nước đầu tư. Chỉ cần là một người Việt tốt trong một cộng đồng người nước ngoài đã đem lại hình ảnh đẹp cho quê hương xứ sở, đóng góp gián tiếp cho đất nước. Cội nguồn luôn ở trong tim, khi mỗi người Việt Nam đều ý thức được trách nhiệm của mình với quê hương”.
Theo SGGP