Lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã hết hiệu lực hôm qua 16-8. Nhật Bản và một số nước đã chuẩn bị tinh thần chứng kiến tàu cá Trung Quốc tràn ngập các vùng biển.
Nhiều làng chài phía nam Trung Quốc đã làm lễ trước khi ra biển ngày 16-8. Trên các cảng cá, hoạt động chuyển lương thực diễn ra tấp nập song song với các màn múa lân. Theo Tân Hoa xã, chỉ tính riêng đảo Hải Nam đã có 16.700 tàu cá chuyên hoạt động ở Biển Đông.
Đáng chú ý, trong thông báo phát ngày 16-8, chính quyền Hải Nam cho biết “sẽ sử dụng hệ thống định vị Bắc Đẩu để liên tục phát các cảnh báo tránh va chạm tới tàu cá trên Biển Đông”.
“Các thuyền viên trên tàu cũng sẽ được nhắc nhở neo đậu tránh xa các tuyến đường vận tải biển đông đúc”, Tân Hoa xã thông tin thêm.
Trung Quốc đã đơn phương áp đặt các biện pháp cấm đánh bắt hải sản trên Biển Đông và biển Hoa Đông hồi tháng 5 rồi với lý do bảo vệ nguồn lợi hải sản. Hành động của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh của Việt Nam khi khu vực cấm đánh bắt nằm trong vùng biển của Việt Nam.
Tại biển Hoa Đông, tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến vào vùng nước sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để truy bắt tàu cá Nhật Bản và chỉ rút lui khi tuần duyên Nhật xuất hiện.
Trung Quốc đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ năm 1999 nhưng theo Tân Hoa xã, “chưa năm nào nghiêm khắc như năm nay”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết một loạt công nghệ mới đã được sử dụng để giám sát lệnh cấm từ định vị vệ tinh, giám sát thông qua video trực tiếp và big data.
“Tỉnh Quảng Đông đã tiến hành 5.605 chuyến tuần tra, trong đó 1.768 trường hợp vi phạm đã bị xử lý, 1.691 tàu đánh cá bất hợp pháp bị bắt giữ và 630.000m2 lưới đánh cá bị tịch thu hoặc phá hủy”, Tân Hoa xã nêu số liệu.
Cách khai thác kiểu tận diệt của các tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông đã vấp phải sự chỉ trích và lo ngại của các tổ chức bảo vệ môi trường. Các tàu bắt sò tai tượng của Trung Quốc là nỗi ám ảnh với các rạn san hô gần Philippines.
Theo Báo Tuổi trẻ
Leave a comment