Home Cộng Đồng Thảm kịch Komsomolets – siêu tàu ngầm của Liên Xô chìm ở biển Na Uy, hơn 30 năm vẫn rò rỉ phóng xạ
Cộng Đồng

Thảm kịch Komsomolets – siêu tàu ngầm của Liên Xô chìm ở biển Na Uy, hơn 30 năm vẫn rò rỉ phóng xạ

Vào tháng 4 năm 1989, chiếc tàu ngầm Komsomolets đã gặp sự cố và chìm sâu dưới biển Na Uy, cướp đi sinh mạng của 42 thủy thủ. Trải qua 32 năm, con tàu này vẫn rò rỉ phóng xạ và các nhà khoa học đã quyết định để nó nằm lại dưới đáy biển sâu thay vì trục vớt vì quá nguy hiểm.

Chiếc tàu ngầm tối tân lặn sâu đến hơn 1 cây số

K-278 Komsomolets là con tàu ngầm duy nhất thuộc dự án 685 Plavnik hay lớp Mike theo tên gọi NATO được Liên Xô đóng. Đây là loại tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, thiết kế độc đáo và được trang bị nhiều công nghệ hiện đại với khả năng lặn sâu đến hơn 1 cây số, vượt mọi loại tàu ngầm lúc bấy giờ.

Mike class Komsomolets.jpg
Dự án 685 được thiết kế bởi phòng thiết kế Rubin Design nhằm đáp ứng đòi hỏi về một loại tàu ngầm tối tân có thể mang theo 6 ngư lôi và tên lửa dẫn đường mang đầu đạn thường hoặc hạt nhân. Giai đoạn thiết kế bắt đầu từ năm 1966 và hoàn tất vào năm 1974. Tàu được đóng tại nhà máy của Sevmash ở Severodvinsk, hạ thủy năm 1983 và được đưa vào biên chế Hải quân Nga vào cuối tháng 12 trong cùng năm. Nói một chút về Sevmash thì đây là công ty đóng tàu lớn nhất của Nga và cũng là đơn vị duy nhất có thể sản xuất tàu ngầm hạt nhân cho quân đội Liên bang Nga. Sevmash chịu trách nhiệm đóng hầu hết các loại tàu ngầm đủ các lớp của Nga, chẳng hạn như các tàu ngầm diesel dự án 636 lớp Kilo cho đến các loại tàu ngầm tấn công cỡ lớn dự án 949/949A lớp Oscar I/II mà nổi tiếng là tàu K-141 Kursk và hiện đang đóng thế hệ tàu ngầm hạt nhân thứ 4 theo dự án 955/885 lớp Borey/Dolgorukiy và Yassen/Severodvinsk.

Komsomolets 1.jpg

Tên gọi Komsomolets có nghĩa “Thành viên của Liên đoàn Cộng Sản trẻ (Komsomol)”. Tàu Komsomolets dài 117,5 m, bề ngang 9 m, choáng nước từ 4400 đến 5750 tấn khi nổi và 6400 đến 8000 tấn khi lặn. Con tàu được trang bị 1 lò phản ứng OK-650 b-3 công suất 190 MW, 2 turbine hơi 45000 mã lực, từ đó cho phép nó di chuyển ở tốc độ 14 knot (26 km/h) trên mặt và 26 đến 30 knot (48 – 56 km/h) khi lặn. Đúng như mục tiêu thiết kế, K-278 Komsomolets có 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, có thể phóng các loại ngư lôi Type 53-65, VA-111 Shkval và tên lửa chống ngầm SS-N-15 Starfish. Mặc dù tàu K-278 ban đầu được chế tạo để thử nghiệm công nghệ nhưng nó sau cùng được vũ trang và sẵn sàng tác chiến vào năm 1988.


So với những chiếc tàu ngầm khác lúc bấy giờ, K-278 có vỏ kép và lớp vỏ bên trong được chế tạo bằng titanium nhờ đó nó có thể chịu áp suất tốt hơn và có thể lặn sâu hơn rất nhiều so với các tàu ngầm tối tân nhất của Hoa Kỳ. Ben trong lớp vỏ chịu áp suất cao này là 7 khoang được gia cố, các khoang thứ 2 và 3 được bảo vệ bởi các vách ngăn phía trước và sau, chắc chắn hơn từ đó tạo ra một vùng an toàn trong trường hợp khẩn cấp và thậm chí thủy thủ đoàn có thể bỏ tàu nhờ một buồng thoát hiểm đặt trong tháp tàu.

Komsomolets 2.jpg
K-278 Komsomolets gia nhập sư đoàn 6, Hạm đội Phương Bắc của Hải quân Liên Xô vào tháng 1 năm 1984 và từ đây con tàu bắt đầu thực hiện một loạt các thử nghiệm lặn sâu. Dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Yuri Zelensky, tàu K-278 đã đạt kỷ lục lặn sâu với độ sâu đến 1020 m tại biển Na Uy – một độ sâu thực sự đáng kinh ngạc nếu so với các tàu ngầm của Mỹ. Chẳng hạn như USS Los Angeles có khả năng lặn sâu tối đa chỉ ở 450 m. Thêm vào đó, độ sâu giới hạn (crush depth – độ sâu giới hạn của cấu trúc tàu) của K-278 lên đến 1371 m.

Hải quân Liên Xô xem K-278 là con tàu bất khả xâm phạm ở độ sâu hơn 1000 m bởi ở độ sâu như vậy, con tàu gần như biến mất trong lòng biển, thủy âm cũng rất khó phát hiện và ngư lôi của địch của khó với tới. Chẳng hạn như loại ngư lôi Mark 48 của Mỹ có độ sâu hoạt động tối đa chỉ 800 m.

Thiết kế tối tân của tàu ngầm dự án 685 của Liên Xô bao gồm nhiều hệ thống tự động từ đó giảm nhân sự cần có trên tàu. Theo đề xuất năm 1982 của Bộ quốc phòng Liên Xô thì thủy thủ đoàn chỉ cần 57 người, sau đó tăng lên thành 64 người trong đó bao gồm 30 sĩ quan, 22 chuẩn úy, 12 hạ sĩ và thủy thủ.

Ngày 7 tháng 4 năm 1989, tàu K-278 Komsomolets dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Evgeny Vanin thực hiện chuyến tuần tra đầu tiên ở biển Na Uy. Tàu được cho lặn ở độ sâu 335 m tại vùng nước cách đảo Bear, Na Uy 180 km về hướng tây nam. 11:02 trưa giờ địa phương, con tàu bất ngờ gặp sự cố khi đang ở độ sâu 150 m, một đám cháy phát ra từ khoang số 7 – khoang động cơ, với nguồn cơn được cho là “do chập điện và lửa bắt vào dầu nóng trong hệ thống tách dầu.” Ngọn lửa sớm làm hỏng một van của đường ống dẫn khí nén và từ đó khí nén giàu oxy được bơm vào khoang động cơ này khiến đám cháy bùng phát dữ dội.

Komsomolets.jpg

Tàu Komsomolets có các bể dằn khẩn cấp và 11 phút sau khi đám cháy xảy ra, các bể dằn này đã phát nổ, không khí được bơm đầy vào các bể khiến con tàu nổi lên. Sau nỗ lực dập lửa bất thành, thuyền trưởng Vanin hạ lệnh bỏ tàu.

Komsomolets crew.jpg
Theo Norman Polmar và Kenneth Moore – 2 chuyên gia nghiên cứu về hoạt động và thiết kế tàu ngầm của Nga thì tàu K-278 Komsomolets vốn dĩ là nền tảng để thử nghiệm công nghệ và với thủy thủ đoàn ít người, nó thiếu đi các biện pháp kiểm soát hư hại và bản thân thủy thủ đoàn trên tàu đa phần là là lính mới. Trong cuốn sách Cold War Submarines: The Design and Construction of U.S. and Soviet Submarines, 1945 – 2001, Polmar và Moore mô tả rằng đám cháy trên tàu Komsomolets lớn đến nỗi các thuyền viên sau khi lên được boong tàu đã chứng kiến được cảnh tượng lớp cao su chống dội âm phủ bên ngoài thân tàu bị bóc ra do quá nóng.

Komsomolets captain.jpg
Vào 11:37 giờ địa phương, thuyền trưởng Vanin đã phát tín hiệu cầu cứu và Hải quân Liên Xô đã nhận được nhưng thông điệp mà họ nhận lại không trọn vẹn khiến họ không biết được tình trạng nguy hiểm của tàu. Đến 11:54 thuyền trưởng Vanin quyết định bỏ qua các quy định phát sóng mã hóa của Liên Xô để phát tín hiệu SOS, kêu gọi mọi sự giúp đỡ có sẵn với thông điệp: “Trong vùng biển gần đảo Bear có một con tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô đang cháy. Con tàu đang nổi trên mặt nước, thủy thủ đoàn đang giành giật sự sống.”

Tuy nhiên, Hải quân Liên Xô gặp khó khăn trong công tác triển khai cứu hộ bởi họ đứng trước rất nhiều giải pháp. Một là có thể cử các máy bay trực thăng có thể hạ cánh trên mặt nước đến vị trí tàu Komsomolets gặp nạn nhưng vị trí của tàu cách biên giới Liên Xô đến gần 1000 km, thế nên trực thăng chỉ đủ nhiên liệu để bay đến, không thể bay về. Thứ 2 là họ có thể gởi máy bay cánh bằng tầm bay xa đến thả bè cứu sinh dù không thể hạ cánh trên biển. Quyết định sau cùng được đưa ra là cử máy bay Il-38 Dolphin đến ứng cứu.

Komsomolets 3.jpg
Chiếc Il-38 lăn ra đường băng từ 12:43 và đến 14:40, phi công trên chiếc Il-38 nhìn thấy các thủy thủ trên mặt biển nhưng họ không mang bộ đồ chống nước. Có thể là họ nghĩ họ sẽ sớm được giải cứu nhưng nhiệt độ nước ở biển Na Uy lúc này gần đóng băng (~ 2 độ C) và nếu ngâm mình trong nước biển lạnh giá như vậy trong chỉ 15 phút, họ sẽ bất tỉnh. Trong khi đó, tàu K-278 Komsomolets nằm bất động trên mặt biển, khói đen bốc ra từ đuôi. Chiếc Ilyushin Il-38 thả những chiếc bè cứu hộ nhưng chỉ một số thủy thủ lên được bè và cũng không đủ bè cho tất cả. Nhiều thủy thủ do ngâm mình trong làn nước lạnh giá đã tê cóng và không thể bám vào bè.

Thuyền trưởng Vanin cùng 4 thủy thủ khác quay trở lại bên trong tàu Komsomolets để tìm kiếm những người khác – những người vẫn đang tìm cách cứu con tàu này trong vô vọng. Tuy nhiên, đám cháy dữ dội khiến Vanin cùng những đội cứu hộ không thể tiến vào sâu hơn, con tàu thì đã chúi mũi xuống và bắt đầu chìm.

Komsomolets escape capsule.jpg
Vanin và đội giải cứu tìm được đến buồng thoát hiểm nhưng nó bị kẹt, không thể phóng ra ngoài được. Khi con tàu chìm xuống độ sâu gần 400 m nước, áp suất khiến nó bị xé toạc và nhờ đó buồng thoát hiểm được nhả ra. Khi buồng thoát hiểm lên gần đến mặt nước, chênh lệch áp suất thổi bay nắp buồng thoát hiểm, 2 người bị đẩy ra ngoài, nước tràn vào nhanh chóng. Sau cùng chỉ có 1 người lên được mặt nước và sống sót, thuyền trưởng Vanin cùng những người còn lại chìm theo buồng thoát hiểm cùng với con tàu Komsomolets.

17:08, sau nhiều giờ nổi trên mặt biển thì tàu K-278 Komsomolets chìm xuống độ sâu 1680 m ở góc 80 độ. Những thủy thủ nổi trên mặt nước được giải cứu nhưng không phải tất cả đều sống sót. 81 phút sau khi K-278 Komsomolets chìm thì 2 con tàu mặt là Aleksey Khlobystov và Oma đến cứu nhưng chỉ 27 người sống sót, 42 người chết trong đó 9 người chìm cùng với chiếc tàu ngầm, 30 người chết vì hạ thân nhiệt hoặc chấn thương và 3 người chết trên thuyền.

Tàu K-278 Komsomolets chìm với lò phản ứng hạt nhân, 22 ngư lôi Type 53 và tên lửa chống ngầm SS-N-15 Starfish. Trong số ngư lôi này có 2 ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân. Trước áp lực từ Na Uy, Liên Xô đã sử dụng các tàu lặn sâu, được điều hành từ tàu nghiên cứu đại dương Keldysh để tìm kiếm tàu ngầm K-278. Vào tháng 6 năm 1989 tức 2 tháng sau sự cố, xác tàu được tìm thấy và các quan chức Liên Xô khẳng định rằng phóng xạ rò rỉ không đáng kể và không gây hại đến môi trường.

Komsomolets torpedo.jpg
Vào năm 1992, cuộc thăm dò thứ 2 diễn ra với sự góp mặt của một nhóm các nhà khoa học trong đó có chuyên gia từ Na Uy đã tiến hành khảo sát mẫu nước, trầm tích và sinh vật đáy biển nhưng không phát hiện rò rỉ phóng xạ nguy hiểm. Đến năm 1993 thì một khảo sát khác của Nga với các chuyên gia từ Hà Lan, Na Uy và Mỹ mới phát hiện ra phóng xạ Cesium-137 và họ cũng tìm thấy một lỗ lớn tại khoang chứa ngư lôi. Từ năm 1989 và năm 1998, đã có tổng cộng 7 cuộc thăm dò để bảo quản lò phản ứng và niêm phong các ngư lôi nhằm chống rò rỉ phóng xạ.

Tengiz Borisov – người đứng đầu Ủy ban đặc biệt của Nga về các nhiệm vụ dưới nước từng nói với các phóng viên rằng: “Nếu có rò rỉ, hoạt động đánh bắt cá sẽ không thể xảy ra tại biển Na Uy trong khoảng từ 600 đến 700 năm.”

Komsomolets radiation.jpg
Hilde Elise Heldal – một nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu biển, từng tham gia các chuyến thăm dò đến xác tàu Komosolets cho biết: “Những cuộc thăm dò trước đó của Nga, vào những năm 1990 và lần cuối là vào năm 2007 đã phát hiện ra tình trạng rò rỉ phóng xạ từ một ống thông hơi của tàu.” Sau khi lấy 5 mẫu vật từ chiếc ống này, các nhà nghiên cứu đã đo được nhiều mức độ ô nhiễm phóng xạ khác nhau. Một mẫu không cho thấy mức ô nhiễm quá cao so với bình thường, một mẫu cho thấy nồng độ cao hơn 30 ngàn lần so với bình thường, 2 mẫu cho thấy độ ô nhiễm gấp 100 ngàn lần và đặc biệt là một có nồng độ đến gần 1 triệu lần.

Heldal nói chúng cho thấy phóng xạ từ Komsomolets đã rò rỉ trong suốt thời gian qua!

Ru_Komsomolets_wreck_guide.jpg
Năm 2019, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận gần và đo trực tiếp nồng độ phóng xạ tại tàu Komsomolets nhờ một tàu lặn không người lái là Aegir 6000. Họ cũng đã quay phim và chụp hình cũng như thu thập các mẫu vật tại tàu. Máy đo phóng xạ trên Aegir 6000 xác nhận phóng xạ rò rỉ từ ống thông hơi của con tàu đắm có nồng độ cao từ hàng trăm ngàn đến gần một triệu lần so với nước biển không ô nhiễm. Dù vậy, Heldal vẫn bày tỏ sự lạc quan khi nói “kết quả có thể rất đáng sợ” nhưng vẫn chưa đáng báo động bởi phóng xạ rò rỉ sẽ nhanh chóng bị pha loãng và bằng chứng là ở khu vực chỉ cách ống thông hơi nửa mét thì máy đo không phát hiện ra phóng xạ.

Cô cũng nói rằng các mô hình khoa học đã được xây dựng để xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả phóng xạ Cesium trên tàu Komsomolets rò rỉ hết ra ngoài. Trong trường hợp xấu nhất thì nó cũng không ảnh hưởng đến cá trong biển Barents vì nó nằm ở độ sâu rất lớn. Cô cho rằng tốt nhất là nên để nó nằm yên dưới đáy biển bởi sẽ rất nguy hiểm khi cố đưa tàu lên, phóng xạ sẽ có thể rỉ ra trên bề mặt và đây cũng là kịch bản xấu nhất.

“Qua việc giám sát ô nhiễm phóng xạ thì tôi có thể khẳng định cá hay hải sản tại khu vực này vẫn an toàn để ăn,” Heldal nói.

Theo tinhte

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *