Home Cộng Đồng Sulli qua đời khiến Hàn Quốc phải xem xét đạo đức báo chí
Cộng Đồng

Sulli qua đời khiến Hàn Quốc phải xem xét đạo đức báo chí

Hàn Quốc buộc phải nhìn nhận nghiêm túc vấn nạn bắt nạt trên mạng cũng như việc truyền thông soi mói quá mức vào đời tư của các ngôi sao.

Khi nữ ca sĩ kiêm diễn viên Sulli tự tử tại nhà riêng vào tháng trước, phần lớn người hâm mộ cho rằng quyết định dại dột của cô xuất phát từ áp lực dư luận. Trong một thời gian dài, Sulli vật lộn với chứng trầm cảm khi liên tục chịu sự chỉ trích vì lối sống được cho là nổi loạn của cô.

Cựu thành viên nhóm f(x) từ lâu đã trở thành nơi chĩa mũi dùi của cư dân mạng vì có những hành động được coi là không phù hợp thuần phong mỹ tục Hàn Quốc: Thả rông ngực, thoải mái công khai tình cảm với người yêu lớn hơn nhiều tuổi, đăng tải ảnh tiệc tùng, uống rượu với bạn bè.

Nữ ca sĩ quá cố cũng hứng chịu chỉ trích liên tiếp vì lên tiếng về  vấn đề sức khỏe tâm thần, bắt nạt trên mạng hay ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ, những chủ đề vốn nhạy cảm trong xã hội Hàn Quốc.

Sulli qua doi khien Han Quoc phai xem xet dao duc bao chi hinh anh 1

Trước áp lực cao từ phía khán giả và sự cạnh tranh khốc liệt mà các ngôi sao Kpop phải đối mặt từ khi còn nhỏ, cái chết của Sull đã phơi bày mặt tối của xã hội Hàn Quốc, nơi từ lâu dung túng cho những hành vi lăng mạ và soi mói vào đời tư của các nghệ sĩ nữ.

Sau cái chết của Sulli, một số dự luật nhằm ngăn chặn bắt nạt trên mạng đã được đệ trình lên Quốc hội Hàn Quốc.

Đồng thời, đạo đức báo chí và cách truyền thông đưa tin về cuộc sống của các ngôi sao cũng được đem ra mổ xẻ và xem xét lại.

Đạo luật Sulli ngăn chặn bắt nạt trực tuyến

Sau khi Sulli qua đời, trang web của văn phòng tổng thống nhận được vô số các kiến nghị yêu cầu người dùng phải đăng ký tên thật khi tham gia bình luận trên mạng. Các kiến nghị cũng kêu gọi các hình phạt nặng hơn đối với những kẻ bắt nạt trực tuyến và các phương tiện truyền thông đưa tin sai sự thật.

Ngày 25/10, người hâm mộ nữ ca sĩ đã kiến nghị chính phủ xem xét cho ra đời Đạo luật Sulli. Ngày 5/11, truyền thông xứ kim chi đưa tin các chính trị gia sẽ đề xuất luật này lên phiên họp quốc hội vào đầu tháng 12 – dịp 49 ngày mất của cựu thành viên f(x).

Sulli qua doi khien Han Quoc phai xem xet dao duc bao chi hinh anh 2

Sulli tìm đến cái chết sau quãng thời gian dài vật lộn với chứng trầm cảm. Ảnh: Korea Boo. 

Theo một cuộc thăm dò của Realmeter được thực hiện sau cái chết của Sulli, gần 70% người Hàn Quốc ủng hộ việc bắt buộc sử dụng tên thật trên Internet, trong khi tỷ lệ phản đối là 24%.

Làn sóng phản đối bắt nạt trực tuyến đã buộc Daum, trang web có lượng truy cập lớn thứ hai tại Hàn Quốc, phải tạm thời đóng phần bình luận ở dưới các tin tức giải trí, nơi những lời lẽ chửi bới, lăng mạ vẫn thường xuất hiện với tần suất dày đặc.

“Các nền tảng trực tuyến đã trở thành thùng rác để bất cứ ai cũng có thể xả sự tức giận và cảm xúc thô thiển. Họ không nhìn thấy những đau khổ họ gây ra cho nạn nhân”, Kwak Geum-joo, giáo sư Tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết.

“Cư dân mạng thậm chí còn thấy mình đoàn kết và tương đồng bởi vì rất nhiều người để lại các bình luận ác ý giống nhau. Họ không cảm thấy tội lỗi và thậm chí còn thấy rằng mình đúng”, cô đánh giá.

Tuy nhiên, năm 2012, việc sử dụng tên thật trên Internet bị cho là vi hiến tại Hàn Quốc. Trước đó, Tòa án Hiến pháp nước này từng bác bỏ một dự luật có nội dung tương tự với lý do hạn chế quyền tự do ngôn luận.

Son Ji-won, luật sư của Open Net Korea, đặt câu hỏi về việc hệ thống tên thật trên Internet có thực sự hiệu quả trong việc loại bỏ các mối đe doạ bắt nạt trên mạng.

“Những người để lại bình luận xúc phạm không quan tâm đến việc bị lộ danh tính nếu dùng tên thật. Cốt lõi của tình trạng này là văn hóa ghét bỏ, bắt nạt hội đồng ăn sâu và nhận thức thấp về quyền con người”, Son nói.

Truyền thông, khán giả gián tiếp đẩy Sulli tự tử

Điều đẩy Sulli đến con đường tự tử không chỉ là những bình luận ác ý từ cư dân mạng, mà còn bởi thái độ thù địch, định kiến với người phụ nữ, cũng như sự quan tâm quá mức của truyền thông đến đời tư nghệ sĩ.

Theo một cuộc khảo sát trên 1.200 người trưởng thành của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc được thực hiện vào tháng 3, 64,2% số người được hỏi cho biết họ từng trở thành mục tiêu nói xấu. Trong số đó, tỷ lệ phụ nữ trở thành đối tượng bị công kích bởi cả hai giới lên đến 67,8%.

Sulli qua doi khien Han Quoc phai xem xet dao duc bao chi hinh anh 3

Sau cái chết của nữ ca sĩ, Đạo luật Sulli nhằm ngăn chặn hành vi bình luận tiêu cực trên mạng được nhiều người dân Hàn Quốc mong Quốc hội thông qua. Ảnh: Vogue. 

“Các hành động được cho là khiêu khích của Sulli, vốn không được chấp nhận ở một ngôi sao nữ Kpop, đã thành thỏi nam châm thu hút sự tấn công của cư dân mạng”, Yoon Ji Ji-yeong, giáo sư tại Viện Văn hóa và Hình thể tại Đại học Konkuk, cho hay.

“Các nhận xét thường mỉa mai, cáo buộc các ngôi sao nữ là người nhếch nhác và rẻ tiền, điều không mấy khi xảy ra với các sao nam”.

Mặt khác, Sulli là ngôi sao Kpop hiếm hoi dám công khai quan điểm của mình về quyền của phụ nữ. Khi Sulli bày tỏ sự ủng hộ của cô đối với phong trào không áo ngực, cô ngay lập tức hứng chịu làn sóng chỉ trích.

Chính hành động này càng khiến Sulli nhận về nhiều sự thù ghét hơn, trong bối cảnh văn hóa “trọng nam khinh nữ” vẫn ăn sâu tại Hàn Quốc. Các sao nữ được mặc định phải sống kín đáo, không lên tiếng về các vấn đề gây chia rẽ và bằng mọi cách giữ sạch hình tượng trong sáng, ngoan hiền.

Hiện tại, Hàn Quốc vẫn không có luật chính thức nào cấm hành vi phân biệt đối xử hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng.

Sulli qua doi khien Han Quoc phai xem xet dao duc bao chi hinh anh 4

Đời sống Sulli luôn là chủ đề thu hút sự chú ý của truyền thông và khán giả. Ảnh: Sohu. 

Trên thực tế, từ năm 2007, một số dự luật nhằm chống phân biệt đối xử đã được trình lên Quốc hội, song chưa bao giờ được thông qua do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ.

Giáo sư Yoon đồng thời chỉ ra rằng ngành công nghiệp giải trí đã “thương mại hóa” đời tư các ngôi sao nữ. Việc Sulli thường xuyên bị cộng đồng mạng “ném đá” một phần đến từ việc truyền thông luôn đưa tin từng chi tiết trong cuộc sống của cố ca sĩ.

Những tin đồn vô căn cứ về Sulli thường được các cơ quan báo chí săn đón và lan truyền trên các phương tiện truyền thông. Khi tranh cãi của khán giả về Sulli nổi lên, các hãng tin sẽ lại tiếp tục đưa tin về các ý kiến trái chiều đó, khiến các bình luận cực đoan của khán giả lại càng xuất hiện nhiều hơn.

Trên thực tế, những tin tức này thu hút rất nhiều lượng truy cập. Song, nó lại tác động nặng nề lên tâm lý của nữ ca sĩ quá cố.

Choi Jin-bong, giáo sư ngành Truyền thông tại Đại học Sungkonghoe, nhận xét: Báo chí tạo ra một chu kỳ sản xuất và khuếch đại tin đồn, với nhiều định kiến và bình luận ác ý đi kèm

“Không nên kiểm soát quyền tự do báo chí, song các cơ quan truyền thông cần thiết lập một hệ thống giám sát và lọc ra những nội dung mang tính khiêu khích”, ông kết luận.

Link gốc: https://news.zing.vn/sulli-qua-doi-khien-han-quoc-phai-xem-xet-dao-duc-bao-chi-post1010932.html

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *