Home Cộng Đồng Quản lý thị trường “không biết”, “không thấy” trong những vụ Con Cưng, Khaisilk….
Cộng Đồng

Quản lý thị trường “không biết”, “không thấy” trong những vụ Con Cưng, Khaisilk….

(www.Aloucc.com) – Vụ Con Cưng, Khaisilk, Mumuso và hầu hết các vụ gian lận thương mại xảy ra thời gian qua đều do khách hàng tố giác, trong khi lực lượng quản lý thị trường lại… “không biết”, “không thấy”!

Gần 1 tuần sau khi có quyết định kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thuộc hệ thống Con Cưng của Công ty CP Con Cưng (TP HCM), cơ quan quản lý thị trường (QLTT) vẫn chưa có kết luận chính thức xung quanh nghi vấn liên quan dấu hiệu vi phạm của các cửa hàng này về ghi nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ… Vụ việc này một lần nữa cho thấy sự chậm trễ của lực lượng QLTT trong công tác quản lý.

Trước Con Cưng, năm 2017, thương hiệu Khaisilk gây chấn động thị trường bởi hành vi “đánh lận con đen” – nhập khăn lụa Trung Quốc về gắn mác Việt Nam bán cho khách hàng với giá hàng hiệu trong thời gian dài.

Gần đây hơn, người tiêu dùng thêm một phen choáng váng trước thông tin chuỗi cửa hàng Mumuso nhập đến 99,3% hàng hóa từ Trung Quốc (số còn lại mua từ nguồn trong nước) nhưng quảng cáo xuất xứ Hàn Quốc để đánh lừa người tiêu dùng.

Tại hội nghị mới đây, Tổng cục Hải quan báo động tình trạng làm giả xuất xứ hàng hóa, như doanh nghiệp (DN) Việt Nam đặt hàng sản xuất ở Trung Quốc đem về gắn nhãn mác “Made in Vietnam” để trà trộn với hàng hóa xuất xứ trong nước. Cũng có tình trạng các đối tượng nước ngoài móc nối với DN trong nước làm giả xuất xứ Việt Nam đối với các mặt hàng không phải Việt Nam sản xuất nhằm được hưởng các ưu đãi thuế quan ở những nước nhập khẩu.

Các vụ sai phạm lớn bị phanh phui thời gian qua đã đánh trực diện vào niềm tin của người tiêu dùng, bởi nhìn đâu cũng thấy “có vấn đề”, nhìn đâu cũng nghi ngờ.

Từ vụ Con Cưng, Khaisilk...: Quản lý thị trường không biết, không thấy?! - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra các sản phẩm tại một cửa hàng Con CưngẢnh: NGUYỄN HẢI

Câu hỏi đặt ra là còn bao nhiêu cửa hàng “treo đầu dê bán thịt chó” lừa dối người tiêu dùng, qua mặt cơ quan chức năng đang hoạt động trên thị trường chưa bị phát hiện, xử lý? Lực lượng QLTT ở đâu và vì sao “không biết”, “không thấy”? Có hay không chuyện cán bộ QLTT “cai đầu dài”, tiếp tay, dung dưỡng cho vi phạm?

Những câu hỏi trên đặt ra trong bối cảnh gian lận thương mại tràn lan, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương nhiều lần chỉ đạo phải kiểm tra gắt gao, không có “vùng cấm” đối với tình trạng kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng lậu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ DN làm ăn chân chính. Việc phòng chống gian lận thương mại cũng phải thực hiện nghiêm từ nội bộ cơ quan quản lý nhà nước.

Từ vụ việc của Con Cưng hay Khaisilk, Mumuso, hàng loạt nghi vấn đưa ra nhưng khó có câu trả lời thỏa đáng. Cục trưởng Cục QLTT Trịnh Văn Ngọc từng công khai thừa nhận cơ quan này chưa chủ động trong công tác theo dõi diễn biến thị trường, đôn đốc kiểm tra, giám sát hoặc tham mưu đề xuất xử lý các vụ việc nổi cộm, phức tạp trên thị trường. Bên cạnh đó, năng lực và trình độ chuyên môn của công chức QLTT ở một số đơn vị chưa đồng đều; không ít công chức chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu, thậm chí một số người buông lỏng quản lý, chưa chấp hành đúng quy định trong hoạt động công vụ dẫn đến sai sót trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Lực lượng QLTT còn mỏng, trong khi tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm ngày càng tinh vi, phức tạp. 

Theo NLĐ