(www.Alouc.com) – Việc chưa đề ra được quy chuẩn thống nhất, sản xuất manh mún, công tác quản lý phân mảnh… được các chuyên gia nhìn nhận là lý do khiến vấn nạn thực phẩm bẩn diễn ra nhức nhối tại Việt Nam hiện nay.
Vấn nạn thực phẩm bẩn tiếp tục gây bức xúc với nhiều ý kiến tại hội thảo Giải pháp thúc đẩy trách nhiệm thực thi trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp do Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) – Lương Văn Tự chia sẻ, người Việt Nam có câu rất hay là “nhất ăn nhì mặc”. Hiện Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại, xuất khẩu lượng hàng hoá lớn sang các nước. Việc đàm phán thực hiện xuất khẩu nông sản, thực phẩm cho các thị trường được thực hiện từ khâu nuôi trồng cho đến bàn ăn.
Ông Tự băn khoăn việc tại sao người Việt có thể bán thực phẩm sạch, an toàn cho người nước ngoài trong khi trong nước lại tràn lan thực phẩm bẩn. Người tiêu dùng trong nước phải dùng những sản phẩm không tốt là do những quy chuẩn, hệ thống chính sách không rõ ràng.
“Hằng ngày chúng ta vẫn nghe nhan nhản về cà phê bẩn nhưng có tiêu chí nào đánh giá chất lượng cà phê không? Việc cần làm là ban hành tiêu chuẩn cà phê rang xay, từ đó kiểm soát chất lượng”, ông Tự nói và khẳng định cần có sự quyết tâm và chung tay vào cuộc của 3 cơ quan là Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp…
Bà Võ Ngân Giang – Đại diện cho Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết, ở các nước phát triển như Mỹ việc quản lý chất lượng thực phẩm rất chặt chẽ. Theo đó, hàng hoá muốn nhập khẩu cần phải duy trì hồ sơ xác định nguồn gốc thực phẩm. Người chế biến được yêu cầu lập hồ sơ tại thời điểm chế biến. Các hồ sơ phải bảo lưu ít nhất trong 2 năm và nếu được yêu cầu phải trình trong 4 giờ nếu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) yêu cầu.
Đạo luật chống khủng bố sinh học năm 2002 đòi hỏi các cơ sở trong và ngoài nước Mỹ khi sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc nhập khẩu thực phẩm phải đăng ký với FDA. Với Nhật Bản, các thực phẩm tươi sống buộc phải ghi nhãn nơi sản xuất để truy xuất nguồn gốc hay Canada cũng yêu cầu có hồ sơ thực phẩm có thể truy cập được tại Canada và duy trì trong hai năm.
Trong khi đó, tại Việt Nam, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn lỏng lẻo. Các sản phẩm được tiêu thụ tràn lan, không có giấy chứng nhận an toàn.
Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam – Hồ Quang Lợi cho biết, chỉ cần gõ từ khoá “thực phẩm bẩn” ngay lập tức nhận được 4 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,24 giây trên Google. Điều này cho thấy sự thực phẩm bẩn đã trở thành vấn nạn tràn lan và đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Thực phẩm bẩn đang đe dọa sức khoẻ, người Việt có chiều cao vào nhóm 4 nước thấp nhất thế giới. Với thực trạng thực phẩm bẩn, chất lượng giống nòi của Việt Nam đang bị đe doạ.
Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương – Phạm Xuân Đương cho biết ở Việt Nam, tỷ lệ thực phẩm chưa an toàn còn rất cao. Số lượng các vụ ngộ độc cũng như số người bị nhiễm độc thực phẩm do các tác nhân nấm mốc, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản… tồn dư. Thống kê cho thấy số vụ và số người bị ngộ độc có ngày càng tăng.
Theo đó, nguyên nhân thực phẩm kém an toàn là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn lạc hậu, nhỏ lẻ. Quản lý chất lượng sản phẩm còn lỏng lẻo ở nhiều khâu trong chuỗi từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, bao gói, tiêu thụ thực phẩm. Nhận thức và ý thức, trách nhiệm về an toàn của các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, quản lý còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, chế tài xử phạt và xử chưa đủ sức răn đe.
Ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho rằng cần phải truy ra ai là người gây ra mất an toàn sản phẩm, thuộc nhóm sản xuất, lưu thông và một nhóm khác là thúc đẩy dùng chất cấm để hưởng lợi ích.
Theo ông, việc hoàn thiện thể chế, làm sao để những người chăn nuôi kiếm tiền nhưng phải biết sợ pháp luật chứ không thể nghĩ pháp luật nằm ngoài ngoài sản xuất và họ không sợ.
“Cần phải có biện pháp cứng rắn, nếu cần có thể truy tố người nông dân khi sử dụng chất cấm chăn nuôi. Khi đó người nông dân mới sợ và không sử dụng. Nếu sửa đổi một số điều trong bộ Luật Hình sự, tôi tin chất cấm sẽ giảm mạnh và nhiều người không dám dùng”, ông Vân nói.
Ông Nguyễn Hùng Long – Phó cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Luật an toàn thực phẩm đã có 5 năm rồi nhưng thực tế vẫn chưa có cách hiểu chưa đúng. Theo phân công, Chính phủ là đầu mối quản lý về vấn đề vệ sinh an toàn thưc phẩm. Việc quản lý phân công 3 Bộ trực tiếp quản lý, trong đó mỗi bộ quản lý một số nhóm ngành thực phẩm.
Bộ quản lý nhóm nào thì quản lý suốt cả chuỗi từ A-Z chứ không phải Bộ Nông nghiệp quản lý ngoài ruộng, Bộ Công Thương quản lý thị trường, Bộ Y tế quản trên bàn ăn.
Để giải quyết bài toán thực phẩm bẩn, đa phần các đại biểu tham gia hội thảo đều cho rằng cần phải siết chặt quản lý của nhà nước từ khâu sản xuất đến bàn ăn. Đồng thời, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo chuỗi, áp dụng công nghệ cao vào nuôi trồng, chế biến, sau bảo quản. Tạo điều kiện ưu đãi hút vốn đầu tư vào nông nghiệp.
“Sản xuất và ung ứng nông sản theo chuỗi là xu hướng phát triển mạnh trong 5 năm tới cũng như những năm tiếp theo. Dự báo đến năm 2020 nông lâm thuỷ sản an toàn phân phối tại các kênh phân phối hiện đại có thể chiếm trên 40% thị phần trong nước”, bà Nga – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định.