Home Cộng Đồng Luật chống khiêu dâm của Indonesia biến nạn nhân thành tội phạm
Cộng Đồng

Luật chống khiêu dâm của Indonesia biến nạn nhân thành tội phạm

Một ca sĩ đối mặt án tù 12 năm khi bị người khác phát tán clip nóng. Trước đó, một giáo viên phải ngồi tù 6 tháng sau khi tố cáo hành vi dâm ô của cấp trên.

Tại Indonesia, việc tạo nội dung người lớn để sử dụng cho mục đích cá nhân có thể khiến bạn phải ngồi tù. Ca sĩ Gisella Anastasia đã bị buộc tội theo luật chống nội dung khiêu dâm sau khi một video nhạy cảm của cô được quay vào năm 2017 lan truyền gần đây.

Đoạn video dài 19 giây quay cảnh thân mật của Gisella và một người đàn ông được xác định là Michael Yukinobu Defretes, đã được chia sẻ rộng rãi trên Twitter vào ngày 6/11. Điều đáng nói clip này được lấy từ điện thoại di động mà Gisella đánh mất trước đó.

Cảnh sát đã buộc tội hai người đàn ông phát tán video trực tuyến vì vi phạm luật thông tin và giao dịch điện tử cũng như luật chống nội dung khiêu dâm.

Nữ ca sĩ Gisella Anastasia bị truy tố vì lộ clip nhạy cảm.

Cùng lúc đó, Gisella, vợ cũ của nhân vật truyền hình nổi tiếng Gading Marten, cũng bị triệu tập hai lần để thẩm vấn.

Ngày 29/12, Gisella và Defretes đều bị gọi là nghi phạm. Họ bị buộc tội theo Điều 4 và 8 gây tranh cãi của luật chống nội dung khiêu dâm và phải đối mặt với án phạt lên đến 12 năm tù.

Biến nạn nhân thành tội phạm

Gisella Anastasia không phải là người đầu tiên đối mặt án tù vì đạo luật chống nội dung khiêu dâm của Indonesia. Đầu năm nay, 4 nữ vũ công ở Bandung đã bị kết án 2 tháng tù theo luật này vì tội “khiêu vũ khiêu dâm” tại một buổi tiệc mừng năm mới.

Năm 2010, ngôi sao nhạc rock Nazril Irham, thường được biết đến với cái tên Ariel, là người đầu tiên bị đưa ra xét xử theo đạo luật chống nội dung khiêu dâm.

Nam ca sĩ nhận mức án 3 năm tù sau khi xuất hiện trong một đoạn video ghi cảnh quan hệ tình dục. Hai nữ diễn viên Luna Maya và Cut Tari cũng liên quan đến vụ việc đều bị gọi là nghi phạm dù không phải là người chủ động quay, phát tán clip.

Đáng chú ý nhất là vụ việc một nữ giáo viên phải ngồi tù sau khi tố cáo hành vi quấy rối của cấp trên. Baiq Nuril Maknun đã phàn nàn về việc cô thường nhận được những cuộc điện thoại dâm ô từ hiệu trưởng một trường trung học nơi cô làm việc từ năm 2012.

Maknun (giữa) bị kết án sau khi tố cáo hành vi quấy rối tình dục của cấp trên.

Nữ giáo viên đã ghi âm một số cuộc điện thoại mà hiệu trưởng không hề hay biết và đưa cho người thứ ba phát tán trên thiết bị điện tử khiến hiệu trưởng này mất việc.

Năm 2015, cựu hiệu trưởng đã báo cáo Maknun với cảnh sát, dẫn đến việc cô bị truy tố theo luật chống nội dung khiêu dâm.

Tòa án tối cao đã kết án Maknun 6 tháng tù và phạt tiền 500 triệu rupiah (35.383 USD). Theo các nhóm nhân quyền, phán quyết này của tòa án đã biến một nạn nhân của lạm dụng tình dục thành tội phạm.

Đạo luật gây tranh cãi

Dự luật chống nội dung khiêu dâm được quốc hội Indonesia thông qua vào tháng 10/2008, chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử toàn quốc.

Trong luật, nội dung khiêu dâm được mô tả là “hình ảnh, bản phác thảo, ảnh, chữ viết, giọng nói, âm thanh, hình ảnh chuyển động, hoạt hình, phim hoạt hình, cuộc trò chuyện, cử chỉ hoặc các hình thức giao tiếp khác được hiển thị trước công chúng với nội dung thô bạo hoặc bóc lột tình dục vi phạm các giá trị đạo đức”.

Người phạm tội có thể bị phạt tù đến 15 năm. Hình phạt tối đa cho việc tải xuống tài liệu khiêu dâm là 4 năm tù giam hoặc 2 tỷ rupiah (219.200 USD) tiền phạt.

Các nhóm bảo vệ quyền phụ nữ Indonesia đã yêu cầu Tòa án Hiến pháp hủy bỏ đạo luật vì cho rằng nó mang tính phân biệt đối xử.

“Luật chống nội dung khiêu dâm nên được sửa đổi, vì luật này đã được thông qua một cách vội vàng và không được thảo luận chi tiết với công chúng”, Olin Monteiro, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ đã phản đối luật này trước khi nó được được thông qua vào năm 2008, nói.

Đạo luật chống khiêu dâm gây tranh cãi ở Indonesia.

“Luật pháp không nên truy tố một người nếu họ tạo nội dung người lớn cho mục đích cá nhân. Những luật như thế này đang làm tổn thương phụ nữ và các nhóm yếu thế khác. Ví dụ, nạn nhân của phim khiêu dâm trả thù sẽ sợ hãi khi báo cáo vụ việc của họ với cơ quan thực thi pháp luật”.

Viện Cải cách Tư pháp Hình sự có trụ sở tại Jakarta đã chỉ ra một ngoại lệ trong Điều 4 của luật chống nội dung khiêu dâm quy định rằng những người tạo ra nội dung người lớn mang tính cá nhân sẽ không bị hình sự hóa.

Điều này mâu thuẫn với Điều 8 trong cùng bộ luật, trong đó nói rằng người Indonesia bị cấm làm người mẫu hoặc xuất hiện trong bất kỳ nội dung khiêu dâm nào.

Mariana Amirudin, ủy viên tại Ủy ban Quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ Indonesia, cho biết những trường hợp như thế này làm nổi bật sự yếu thế của phụ nữ trong xã hội và có xu hướng tước đoạt quyền của nữ giới.

“Trong các vụ án khiêu dâm, phụ nữ bị tổn hại nhiều hơn nam giới vì cơ thể phụ nữ được chú ý nhiều. Phụ nữ cũng thường là người khỏa thân nên rất dễ trở thành nghi phạm trong những trường hợp như thế này”, Mariana nói.

Tháng 10, một nhóm nguyên đơn đã đệ trình lên Tòa án Hiến pháp để xem xét lại luật chống nội dung khiêu dâm, 10 năm sau khi một yêu cầu tương tự bị tòa án bác bỏ vì cho rằng các nguyên đơn không có đủ cơ sở pháp lý.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *