Home Cộng Đồng ‘Kho vắc xin của thế giới’ bắt đầu xả hàng
Cộng Đồng

‘Kho vắc xin của thế giới’ bắt đầu xả hàng

Handout picture released by Honduran Presidency showing Honduran Health Secretary workers unloading 1.5 millon dosis of Moderna vaccine donated by the US through the Covax scheme, at the Armando Escalon aerial base, in San Pedro Sula, Honduras on June 27, 2021. (Photo by Handout / Honduran Presidency / AFP) / RESTRICTED TO EDITORIAL USE - MANDATORY CREDIT "AFP PHOTO / HONDURAN PRESIDENCY" - NO MARKETING - NO ADVERTISING CAMPAIGNS - DISTRIBUTED AS A SERVICE TO CLIENTS

Lời tuyên bố Mỹ sẽ là ‘kho vắc xin’ ngừa COVID-19 của thế giới của Tổng thống Biden đang được hiện thực hóa khi hàng triệu liều vắc xin của Mỹ bắt đầu cất cánh bay đến các nước.

Là một phần trong cam kết tặng hàng chục triệu liều vắc xin COVID-19 cho thế giới, ngày 28-6, Mỹ bắt đầu gửi 2 triệu liều vắc xin đầu tiên của Hãng Pfizer ra nước ngoài. Dự kiến lô vắc xin sẽ tới Peru trong tuần này.

1,5 triệu liều vắc xin của Hãng Moderna do Mỹ tặng thông qua cơ chế COVAX đã tới căn cứ không quân Armando Escalon ở Honduras hôm 27-6 – Ảnh: AFP

Kế hoạch bị chậm lại

Đài CNN dẫn nguồn tin từ một quan chức Nhà Trắng cho biết ngoài lô vắc xin tặng Peru, trong ngày 28-6 Mỹ cũng đã bắt đầu vận chuyển 2,5 triệu liều vắc xin của Hãng Moderna cho Pakistan thông qua cơ chế COVAX – chương trình được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn – nhằm phân bổ vắc xin công bằng cho các nước.

Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch tặng 80 triệu liều vắc xin COVID-19 cho nhiều nước trên thế giới trước cuối tháng 6, trong đó có 75% số vắc xin được tặng thông qua chương trình COVAX.

Trong hai đợt công bố kế hoạch tặng vắc xin (gồm 25 triệu liều hôm 3-6 và 55 triệu liều hôm 21-6), Việt Nam đều có tên trong danh sách các nước được chia sẻ.

Nhà Trắng cho biết Mỹ phải giải quyết một loạt vấn đề, đặc biệt là hậu cần, liên quan tới việc vận chuyển số vắc xin cam kết tặng ra nước ngoài.

Theo vị quan chức nói trên, chính quyền ông Biden “đang giải quyết các khâu cuối cùng của việc loại bỏ mọi rào cản hoạt động, pháp lý, và quy định trong nước để chia sẻ từng giọt trong số 80 triệu liều vắc xin mà chúng tôi đã hứa”.

Theo trang Politico, lúc đầu chính quyền ông Biden có kế hoạch tặng 60 triệu liều vắc xin của Hãng AstraZeneca (chưa được phê duyệt sử dụng khẩn cấp ở Mỹ). Tuy nhiên, ngay lúc này họ không còn kế hoạch gửi đi vắc xin AstraZeneca.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn đang đánh giá chất lượng vắc xin AstraZeneca được sản xuất tại một nhà máy ở thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ).

Đến nay chưa rõ Mỹ đã vận chuyển chính xác được bao nhiều liều vắc xin tới các nước.

Hãng tin Bloomberg cho rằng phải sang tháng 7 hoặc lâu hơn nữa (tức chậm so với kế hoạch là trước cuối tháng 6), toàn bộ 80 triệu liều vắc xin mà Mỹ đã cam kết tặng mới được đưa tới các quốc gia/vùng lãnh thổ nằm trong danh sách sẽ nhận.

Hy vọng cho các nước

Cuối tuần trước, Honduras là một trong những quốc gia đầu tiên tiếp nhận 1,5 triệu liều vắc xin của Hãng Moderna trong kế hoạch tặng 80 triệu liều của ông Biden.

Bà Jean Gough, giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) phụ trách khu vực Mỹ Latin và Caribê – cho rằng với chưa tới 62.000 người trong số gần 10 triệu dân Honduras đã được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ đến nay, 1,5 triệu liều vắc xin trên thực sự là “sự cứu viện chờ đợi đã lâu” với Honduras.

“Những liều vắc xin này cũng là hy vọng đối với khu vực và các nước đang nóng lòng chờ đợi những liều vắc xin chia sẻ qua chương trình COVAX” – bà Jean Gough nói.

Ngày 28-6, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong tuần này Mỹ có thể sẽ công bố thêm những nơi khác mà Mỹ bắt đầu vận chuyển vắc xin tới.

Con số 80 triệu liều vắc xin trên nghe có vẻ ít so với kế hoạch tặng 500 triệu liều vắc xin COVID-19 của Hãng Pfizer trong vòng 12 tháng tới mà ông Biden từng công bố.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia hiện mới chỉ tiêm vắc xin cho một phần nhỏ dân số, giới chức y tế toàn cầu đang hối thúc Mỹ chia sẻ vắc xin càng nhanh càng tốt.

Báo New York Times nhận định khoảng cách về tỉ lệ tiêm chủng giữa các nước giàu và nước nghèo ngày càng lớn.

Theo dự án Our World in Data tại Đại học Oxford (Anh), đến nay khoảng 85% số liều vắc xin COVID-19 được phân phối trên toàn cầu là tại các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao, trong khi các nước thu nhập thấp chiếm chưa tới 0,5% số vắc xin đã phân phối trên thế giới.

Theo Báo Tuổi trẻ

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *