Việt Nam nằm trong số 10 nước có số lượng hàng nông nghiệp nhập khẩu vào Úc bị từ chối nhập khẩu nhiều nhất giai đoạn 2003-2010, với nhiều nguyên nhân như: ghi nhãn mác (265 lần); nhiễm khuẩn (129 lần)…
Nói về cơ hội thị trường Úc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động Việt Nam từ CPTPP và các FTA giữa Việt Nam và Úc, bà Phương cho biết, 10 năm qua (từ 2008-2018), xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Úc chưa có đột phá. Hiện Úc chỉ là đối tác xuất khẩu lớn thứ 13 của Việt Nam, còn Việt Nam chỉ là đối tác nhập khẩu lớn thứ 14 của Úc.Thông tin này được bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ tại hội thảo Tiềm năng thị trường Úc từ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), do VCCI và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức sáng 12/4, tại Hà Nội.
Nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính của Úc |
Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam – Úc thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam dù Úc là đối tác FTA của Việt Nam. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam ra thế giới trong 10 năm qua là 15,1%; tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Úc chỉ có 2,3%.
Theo bà Phương, nguyên nhân khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Úc còn hạn chế do sản phẩm xuất khẩu truyền thống của Việt Nam không phải là sản phẩm mà Úc có nhu cầu nhập khẩu cao. Ví dụ, điện thoại, giày dép, quần áo và hàng may mặc phụ trợ, đồ nội thất, thủy sản, hoa quả, chè, cà phê… Mặt khác, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính của Úc.
Ông Justin Baguley, Tham tán phụ trách Hợp tác Kinh tế và Phát triển, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Úc là một trong những thị trường có quy định về kiểm dịch vệ sinh an toàn sản phẩm nghiêm ngặt nhất thế giới. Việt Nam nằm trong số 10 nước có số lượng hàng nông nghiệp nhập khẩu vào Úc bị từ chối/đơn vị giá trị nhập khẩu nhiều nhất giai đoạn 2003-2010. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên khiến hàng nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị từ chối tại Úc là ghi nhãn mác (265 lần); nhiễm khuẩn (129 lần); dư lượng thuốc thú y (44 lần); phụ gia thực phẩm và thức ăn (14 lần). Ngoài ra, còn có nguyên nhân dư lượng thuốc bảo vệ thực vật các loại tạp chất khác, giả mạo/thiếu tài liệu, đóng gói…” – bà Phương nói.
Về thị trường đầu tư, sau 10 năm, đầu tư của Việt Nam sang Úc tăng gấp 5 lần nhưng giá trị rất nhỏ. Nguyên nhân của tình trạng này theo bà Phương là do thông tin thị trường, khả năng đáp ứng các quy định nước ngoài còn han chế; quy định trong nước về đầu tư ra nước ngoài còn nhiều bất cập.
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam sang Úc cũng rất hạn chế. Trong 1 năm (từ 2017-2018) chỉ có 859 lao động có tay nghề của Việt Nam nhập cảnh tạm thời vào Úc (chiếm 2,5%). Trong đó, top 10 ngành nghề của lao động Việt Nam làm việc tạm thời tại Úc là nấu ăn, kế toán, quản lý nhà hàng và quán cà phê, thợ làm bánh, đầu bếp, giảng viên và trợ giảng đại học…
Lý giải về nguyên nhân khiến lao động Việt Nam sang Úc còn hạn chế, bà Phương cho rằng Úc ngày càng thắt chặt các chính sách về lao động nước ngoài. Từ ngày 18/4/2017, thị thực lao động thay đổi tạm thời với nhiều yêu cầu khắt khe hơn. Bên cạnh đó có sự cạnh tranh khốc liệt với lao động từ các nước khác có trình độ tiếng độ tiếng Anh, kỹ năng, kinh nghiệm tốt hơn.
Tuy nhiên hiện Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Úc. TS. Đinh Thị Mai Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, Việt Nam có thể đi vào các thị trường ngách với các mặt hàng như mây tre đan, giày dép, túi xách, ví, đồ chơi, dụng cụ thể thao, hạt tiêu, cà phê…
Và giải pháp để tiếp cận thị trường Úc tốt hơn nữa, theo bà Loan, doanh nghiệp Việt phải cung cấp sản phẩm mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt phải thích ứng với quy định và văn hóa Úc…
Ông Nguyễn Ánh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ ra rằng, để sản phẩm hàng hóa của Việt Nam tiếp cận được nhiều hơn sang thị trường Úc, các doanh nghiệp Việt phải minh bạch thông tin; tận dụng mạng lưới người Việt tại Úc để đưa sản phẩm trong nước sang Úc, tiếp thị qua mạng xã hội.
“Đặc biệt các hiệp hội, ngành hàng phải phát huy vai trò là đầu mối cung cấp thông tin, kết nối doanh nghiệp để chủ động đề xuất những vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó vận động chính sách và hành động cùng cơ quan chính phủ để tiếp thị hàng Việt Nam sang Úc” – ông Dương nói.
Theo thegioitiepthi.vn
Leave a comment