Bốn năm qua là quãng thời gian du lịch Việt Nam tăng trưởng liên tục, được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp trong số 10 nước có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Năm 2015, Việt Nam đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế, năm 2017 đón 12,9 triệu lượt, năm 2018 đón hơn 15 triệu lượt. Năm 2019, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế.
Đó là những con số ấn tượng nhưng không phải bức tranh du lịch toàn màu hồng bởi chưa đạt yếu tố bền vững và còn nhiều bất cập.
Chẳng hạn, với du lịch tàu biển, bình quân chỉ khoảng 1-2 ngày/lần cập cảng, có những tàu chỉ dừng lại vài giờ. Khách tàu biển lưu tại Việt Nam chỉ từ 8-24 giờ, chi tiêu rất thấp, dưới 100 USD/lần cập cảng do sản phẩm du lịch nghèo nàn.
Trong số khách thì những thị trường chi tiêu cao như châu Âu, châu Đại Dương, Bắc Mỹ… chỉ chiếm tỉ lệ 16%.
Một tình trạng đáng lo khác là vệ sinh và chất lượng dịch vụ. Nhiều khu du lịch nổi tiếng như Mũi Né (Bình Thuận), đảo Bình Ba (Khánh Hòa) và cả đảo ngọc Phú Quốc cũng ngập rác khiến du khách ngán ngẩm, phiền lòng. Ở nhiều điểm đến nổi tiếng trên cả nước, dưới đáy biển đầy bịch ni-lông, rác vụn, trên mặt biển rác nổi lều bều, khách xuống tắm mà lo bị ngứa, nhiễm bệnh ngoài da…
Rác không còn là chuyện nhỏ mà thành chuyện lớn, phản ánh năng lực quản lý của chính quyền, ý thức của người dân bản địa và một bộ phận du khách còn rất kém, sinh hoạt cẩu thả, thiếu văn minh.
Còn có một loại rác khác – rác ở trong đầu, rác từ nếp nghĩ và hành động khi buôn bán chặt chém và thái độ hung dữ với du khách, khiến cho khách có suy nghĩ rằng người Việt Nam dữ tợn, không hiếu khách, cư xử xấu, diễn ra tại rất nhiều điểm du lịch trên khắp nước ta. Những câu chuyện được đăng về làm ăn chụp giật, lừa đảo, xử tệ với du khách khiến bao người Việt Nam có lòng tự trọng bất bình cao độ.
Do đó, ngành du lịch cần loại bỏ thói quen “ru ngủ lẫn nhau” mà hãy nhìn lại mình, xem cảnh du khách được đối xử ra sao và nhìn ra các nước bạn làm du lịch để biết chúng ta đang đứng ở đâu để bước kịp bạn bè. Dù chúng ta thu hút được 100 khách tới thăm nhà nhưng trong đó chỉ 10 khách tỏ ý chê bai, có ấn tượng không tốt thì không thể gọi là thành công được.
Nếu con số du khách một đi không trở lại ngày càng nhiều thì đó là điều đáng báo động. Bên cạnh mục tiêu “du lịch bền vững”, “du lịch xanh”, phải nhìn thẳng sự thật để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phải quản lý thật tốt và nâng trình độ chuyên môn, mặt bằng văn hóa của người làm du lịch; giữ môi trường, cảnh quan sạch đẹp.
Đặc biệt, phải mạnh tay xử lý những kẻ làm ăn chụp giật, ảnh hưởng thể diện quốc gia. Lòng tham của họ và hành vi côn đồ phải được chế ngự bằng luật pháp, bằng giám sát, xử lý thẳng tay, loại bỏ khỏi thị trường du lịch. Không thể nào chấp nhận cảnh khách đến nước ta nghỉ ngơi, thưởng ngoạn lại bị xúc phạm, lừa gạt.
Phục vụ chuyên nghiệp, tận tình; đối xử thân thiện, hiền hòa; sản phẩm chất lượng cao, làm hài lòng du khách… mới là nền tảng chắc chắn cho du lịch phát triển bền vững.
Theo NLĐ