Home Cộng Đồng Đan Mạch: Hạnh phúc không cần giàu
Cộng Đồng

Đan Mạch: Hạnh phúc không cần giàu

Người Đan Mạch không nhận mình là những người hạnh phúc nhất, nhưng lại rất tự hào vì trong ngôn ngữ của họ có động từ “hygge”.

Nụ cười tỏa nắng của phụ nữ Đan Mạch – Ảnh: AFP

Viện Bảo tàng hạnh phúc (Lykkemuseum) đầu tiên ở Đan Mạch đã chính thức mở cửa tại thủ đô Copenhagen mới đây.

Theo ông Meik Wiking – người khởi xướng việc thành lập bảo tàng này, cũng là giám đốc Viện Nghiên cứu hạnh phúc của Đan Mạch, khi đến thăm bảo tàng khách tham quan sẽ được biết thêm về lịch sử của hạnh phúc, bản đồ địa lý của hạnh phúc, những công trình nghiên cứu về hạnh phúc… và có thể trở nên hạnh phúc hơn.

Khách quan mà nói thì các nước vùng Scandinavia có nhiều điều kiện thuận lợi để người dân có cuộc sống dễ chịu, như không có chiến tranh, đất đai phì nhiêu, tài nguyên thiên nhiên biển, rừng phong phú lại ít phải hứng chịu thiên tai.

Tất nhiên “hạnh phúc” chỉ là một khái niệm rất tương đối, nên người Đan Mạch vẫn than phiền về cuộc sống, như thuế suất các loại quá cao, giá sinh hoạt đắt đỏ nhất trong khối Liên minh châu Âu (EU), chất lượng dịch vụ công không xứng với tiền thuế phải đóng…

Ngày 8-3 phụ nữ vẫn đi biểu tình đòi bình quyền, cho dù thủ tướng hiện nay là phụ nữ… Tóm lại là trong mắt người Đan Mạch thì xã hội này cũng có đủ vấn đề như những nơi khác. Bù lại, người Đan Mạch tỏ ra biết cách sống sao để được vui vẻ.

Trong tiếng Đan Mạch có một từ rất hay là “at hygge/at hygge sig”, tính từ là “hyggelig”, có nghĩa là tạo ra những giây phút thoải mái, thư giãn, dễ chịu, vui vẻ cho mình hay cùng người thân, bạn bè.

Đó có thể là phút giây đọc một cuốn sách ưa thích bên lò sưởi ấm áp hay dưới ánh nắng rực rỡ của mùa hè; là cùng gia đình, người thân, bè bạn ăn một bữa cơm thân mật, hoặc chỉ cùng ngồi trò chuyện bên tách cà phê nóng… những chuyện đơn giản nhưng lại giúp cho cuộc sống dễ chịu hơn.

Một ví dụ khác là đi nghỉ ở nhà nghỉ (sở hữu thêm hoặc thuê). Do Đan Mạch là nước nhỏ nên có khi nhà chính và nhà nghỉ nằm trong cùng một tỉnh. Một gia đình Đan Mạch tôi quen có nhà nghỉ tại Marielyst, chỉ cách nhà chính của mình 10 phút đi xe.

Sự khác biệt về khí hậu, môi trường không đáng kể nhưng một khi đến nhà nghỉ thì những lo toan thường nhật, những bận tâm về công việc, về tình hình thời sự… có thể tạm bỏ lại sau lưng để vợ chồng con cái, bạn bè có những phút thoải mái cưỡi xe đạp, đi tắm biển, đi dạo trong rừng, thưởng thức một bữa ăn ngoài trời dưới nắng hè.

Mùa đông thì đốt lò sưởi nướng hạt dẻ, nhấm nháp một ly rượu ngọt glogg nóng hổi, thơm nồng mùi quế, hồi, nho khô, vỏ cam… Cho dù chỉ là một – hai ngày cuối tuần, thời gian bỏ ra để dọn dẹp nhà nghỉ cũng hết một nửa nhưng cũng tạo ra được những “khoảng lặng” cần thiết trong cuộc sống luôn nhiều áp lực.

Đối với người Đan Mạch, công việc tuy quan trọng nhưng không phải là tất cả. Họ không tạo ra áp lực cho bản thân, không có chuyện cố gắng “cày” để sắm siêu xe, hàng hiệu để rồi than bị stress do không được nghỉ ngơi, gia đình không hạnh phúc vì không còn thời gian cho nhau…

Cuộc sống của họ nói chung là đơn giản, không có sự hào nhoáng xa hoa như người Anh hay Pháp, cho dù kinh tế ổn định, dự trữ quốc dân cao.

Bù lại, môi trường sống nơi đây yên bình so với nhiều nước trong khối châu Âu, số trường hợp phạm tội, ly hôn ở mức thấp so với dân số, không có nhiều người quá giàu (vì thuế quá cao) nhưng số người quá nghèo, vô gia cư cũng ít.

Người Đan Mạch không nhận mình là những người hạnh phúc nhất, nhưng lại rất tự hào vì trong ngôn ngữ của họ có động từ “hygge”.

Việt Nam xếp hạng 94/156

Báo cáo Hạnh phúc của Liên Hiệp Quốc năm 2019, công bố ngày 20-3-2020, xếp hạng Phần Lan đứng đầu (lần thứ ba liên tiếp), Đan Mạch xếp thứ hai, Na Uy thứ ba trong danh sách 156 quốc gia và lãnh thổ được xét. Xếp sau lần lượt là Iceland, Hà Lan, Thụy Điển, New Zealand, Canada và Áo.

Trong các quốc gia và lãnh thổ châu Á, Đài Loan có thứ hạng cao nhất (25), rồi tới Singapore (34). Thái Lan (52) xếp cao hơn cả Hàn Quốc (54) và Nhật (58). Việt Nam (94) thua Trung Quốc một hạng, nhưng cao hơn Bhutan (95), vương quốc thường được ca ngợi là “hạnh phúc nhất thế giới”.

Theo Báo Tuổi trẻ

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *