Home Bí ẩn Bí ẩn bao trùm vụ thi thể rơi từ máy bay ở Anh
Bí ẩn

Bí ẩn bao trùm vụ thi thể rơi từ máy bay ở Anh

Năm 2019, một người đàn ông rơi từ máy bay chở khách xuống khu vườn ở phía nam London. Danh tính chưa thể xác định, nhưng đằng sau vụ án này là những câu chuyện đáng buồn khác.

Một buổi chiều chủ nhật mùa hè êm đềm ngày 30/6/2019, Wil, một kỹ sư phần mềm 31 tuổi, mặc đồ ngủ, uống bia Ba Lan, nằm dài trên giường hơi bên ngoài ngôi nhà ở Clapham, tây nam London, Anh.

Wil đang trò chuyện với người bạn cùng nhà dưới ánh nắng Mặt Trời, những chiếc máy bay trên đường đến sân bay Heathrow đang gần tới điểm hạ cánh. Wil cho bạn xem một ứng dụng trên điện thoại cung cấp thông tin về tuyến đường và mẫu của mọi chiếc máy bay đi qua. Anh thử kiểm tra với một chiếc máy bay, giơ điện thoại lên, che mắt khỏi ánh nắng và nheo mắt nhìn bầu trời.

Một thứ gì đó rơi xuống.

“Ban đầu tôi nghĩ đó là một chiếc túi. Nhưng sau một vài giây, nó hiện ra rõ hơn là một vật thể khá lớn đang rơi rất nhanh”, Wil kể lại.

Đó là một thi thể

“Có thể một bộ phận máy móc đã rơi khỏi bộ hạ cánh, hoặc một chiếc vali từ khoang hàng hóa”, anh nghĩ. Nhưng Wil chợt nhớ ra một bài báo đã từng đọc về những người trốn vé máy bay. Anh không muốn tin vào điều đó, nhưng khi vật thể càng ngày càng gần, anh càng không thể phủ nhận: “Trong một hoặc hai giây cuối cùng khi rơi xuống, tôi thấy chân tay. Tôi tin rằng đó là một cơ thể người”.

di lau ve,  Kenya Airways,  Heathrow anh 2

Một chiếc Boeing 787 của British Airways hạ cánh xuống sân bay Heathrow, London, Anh. Ảnh: Alamy.

Wil chụp lại ảnh màn hình thông báo của ứng dụng chuyến bay, còn người bạn của anh gọi điện cho cảnh sát để cung cấp thông tin chi tiết: Chuyến bay KQ 100 của Kenya Airways, một chiếc Boeing 787-8 Dreamliner đã rời sân bay quốc tế Jomo Kenyatta của Nairobi được 8 tiếng 6 phút trước đó, lúc 9h35 theo giờ địa phương.

Wil lái xe máy đi, hy vọng sẽ “nhìn thấy một chiếc túi nằm trên đường, cầu nguyện rằng đó chỉ là một chiếc túi hoặc một chiếc áo khoác mà thôi,” anh nói. Anh đã tìm thấy một chiếc ba lô nằm trên đường, cảm thấy nhẹ nhõm. Kiểm tra kỹ hơn, chiếc ba lô phủ đầy bụi, không thể nào rơi từ máy bay xuống được.

Khi Wil đi vòng qua con đường tiếp theo, một chiếc xe cảnh sát lao qua hướng ngược lại và suýt tông phải tay lái của anh. Anh nghĩ: “Ôi, Chúa ơi, đó là một cơ thể người”. Wil bám theo chiếc xe cảnh sát dẫn anh đến đường Offerton, cách nhà khoảng 300 m. Một người đàn ông trẻ với khuôn mặt xanh xao, trông trạc 20 hoặc gần 30 tuổi, đứng bên ngoài một ngôi nhà, run rẩy và im lặng. Anh ta tên là John Baldock, cũng là một kỹ sư phần mềm, tới từ hạt Devon.

Wil nhìn qua cửa sổ hướng vào khu vườn. Sân trong đã bị phá hủy hoàn toàn. Rồi anh nhìn John. “Điều đầu tiên tôi nói với anh ấy là: Đó là một con người, phải không? Bởi tôi không chắc 100%. Anh ấy không nói gì, chỉ nhìn tôi và gật đầu”.

Wil đã đúng. Đó là một thi thể. Anh ta đã rơi từ độ cao 1.067 m, đóng băng một nửa, chạm đất lúc 15h38. Đó là người từ trên trời rơi xuống. Một người đi lậu vé máy bay.

Chiếc ba lô chứa đựng sự tồn tại: Thức ăn, nước uống và một đôi giày

Các trường hợp trốn vé của Kenya Airways thông thường sẽ do đơn vị của cảnh sát Metropolitan dành cho người mất tích điều tra, nhưng hôm đó họ không thể nhận được báo cáo. Vì vậy, DS Paul Graves của đơn vị tội phạm đặc biệt đã tình nguyện điều tra. “Tôi nghĩ đó là một công việc thú vị,” Graves nói, tại đồn cảnh sát Brixton.

Trong sự nghiệp ba thập kỷ làm cảnh sát, Graves đã điều tra các vụ đâm chém, xả súng, bắt cóc và âm mưu giết người. Ông đã quá quen với sự giám sát của giới truyền thông, gia đình và bạn bè yêu cầu câu trả lời, và những nhân chứng miễn cưỡng hợp tác.

Là một thám tử cấp cao giàu kinh nghiệm, Graves hy vọng xác định được người đàn ông đã chết và hồi hương thi thể của anh ta, nhưng ông không hề lạc quan. “Bạn sẽ rất khó khăn để tìm được một cảnh sát lạc quan”, ông hài hước chia sẻ.

Khi cuộc gọi đến vào lúc 15h39, các cảnh sát tăng tốc đến đường Offerton, nơi họ nói chuyện với Wil, John và những người hàng xóm.

Cảnh sát đã liên hệ với sân bay Heathrow, các nhân viên kiểm tra các giếng bánh xe của máy bay Kenya Airways, khu vực không có áp suất mà bộ phận hạ cánh của máy bay thu vào sau khi cất cánh. Trong giếng bánh xe, chỉ có một khoảng trống vừa đủ để một người có thể cúi xuống và khó bị phát hiện. Bên trong, nhân viên tìm thấy một chiếc ba lô kaki xù xì với chữ viết tắt MCA trên đó.

Chiếc ba lô không chứa bất kỳ manh mối quan trọng nào: Chỉ một ít bánh mì, một chai Fanta, một chai nước và một đôi giày tập.

Graves nói: “Đó là nghĩa đen về sự tồn tại: Thức ăn, nước uống và một đôi giày”. Ngoài ra có một chút tiền Kenya, chai Fanta được tìm thấy thì được bán ở Kenya, cho thấy rằng người trốn vé chắc chắn đã lên máy bay ở đó. Graves cho biết chuyến bay ban đầu xuất phát từ Johannesburg đến Nairobi, vì vậy họ loại trừ khả năng người này đã tự lên máy bay ở Nam Phi.

di lau ve,  Kenya Airways,  Heathrow anh 3

Khoang hạ cánh của máy bay chở khách. Ảnh: Alamy.

Tại nhà xác Lambeth, các chuyên gia đã lấy mẫu ADN của người đàn ông và bản sao dấu vân tay của anh ta, gửi chúng cho các nhà chức trách ở Kenya. Kết quả ADN: không trùng khớp.

Graves hy vọng rằng mình sẽ gặp may mắn hơn với dấu vân tay, vì nhiều công việc ở Kenya yêu cầu người dân phải lấy dấu vân tay. Nhưng dấu vân tay của người trốn vé cũng không có trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát Kenya.

Khi Graves tiếp tục công việc, các phóng viên tới đường Offerton, phỏng vấn những người hàng xóm về một loạt các bài báo đề cập đến giá trị của ngôi nhà mà John đang thuê (3,2 triệu USD) và trường cũ của anh ta (Đại học Oxford).

Chuyện về những người di cư mạo hiểm mạng sống của mình để đến châu Âu là những tin tức quen thuộc và thu hút. Một tháng trước đó, nhiều thuyền đã bị chặn lại trong eo biển Manche chỉ trong một ngày, vì có hơn 70 người vượt biên.

Năm ngoái, cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc ước tính rằng mỗi ngày có ít nhất 6 người chết khi cố vượt biển Địa Trung Hải. Nhưng những câu chuyện này đã trở nên quen thuộc đến mức người ta bỗng thờ ơ.

Còn chuyện về người trốn vé Kenya có vẻ như mới lạ. Đây là một người đàn ông ẩn danh, đến từ một đất nước có khoảng một phần ba dân số sống dưới mức 2 USD/ngày. Anh đã rơi hàng trăm mét từ phần dưới của một chiếc máy bay xuống một trong những bưu điện giàu có nhất ở London.

Khó tìm thấy bằng chứng

Vào tháng 9/2019, ba tháng sau khi Graves thụ lý vụ án, ông bay đến Kenya, hy vọng sẽ phát hiện thêm thông tin giúp xác định người đi lậu vé. Ông đã đến những khu ổ chuột xung quanh sân bay. Ông đến thăm những nhà xác, chứa những tử thi không ai nhận.

Các quan chức đã đưa ông đi tham quan sân bay Nairobi và cho phép ông truy cập vào các đoạn ghi hình CCTV. Họ nói rằng sau khi máy bay hạ cánh từ Nam Phi, nó đã được đưa đến điểm đỗ 1 trong 5 giờ, sau đó chuyển đến cổng khởi hành 17, nơi hành khách lên chuyến bay đến London. Máy quay quan sát của cổng khởi hành và đường băng cho thấy không ai nhảy lên máy bay khi nó đang cất cánh và không ai leo lên gầm ở cổng 17. Điều đó có nghĩa là người trốn theo tàu gần như chắc chắn đã lên máy bay khi ở bãi đỗ 1, nơi camera quan sát kém hơn.

di lau ve,  Kenya Airways,  Heathrow anh 4

Máy bay của Kenya Airways tại sân bay quốc tế Jomo Kenyatta ở Nairobi. Ảnh: Reuters.

Làm thế nào mà người này có thể xoay xở để lên máy bay theo cách đó? Từ góc độ vật lý, điều này sẽ không khó. Những người trốn vé thường nằm ở chỗ hai giếng bánh sau, vì chúng lớn hơn ở phía trước của máy bay. Để tiếp cận tốt bánh xe, bạn phải nhích bánh xe hạ cánh khoảng 188 cm, vốn được bao phủ trong các thanh chống, giúp dễ dàng có được chỗ đứng và chui vào khoang – chỗ bánh xe thu vào sau khi cất cánh.

Phần khó là tiếp cận được máy bay trước khi cất cánh. An ninh tại sân bay quốc tế Jomo Kenyatta rất chặt chẽ. Ông Graves nói: “Không có bằng chứng về vi phạm an ninh. Tất cả nhân viên đều sử dụng thẻ để đi qua các cổng an toàn”.

Ông Graves biết rằng nhân viên mặt đất, người xử lý hành lý hoặc người dọn dẹp sẽ có quyền tiếp cận máy bay khi máy bay đang được làm sạch, tiếp nhiên liệu và chất hàng để cất cánh.

David Learmont, biên tập viên tại kênh tin tức hàng không FlightGlobal, cho biết: “Bạn đang tìm kiếm một người được trả lương thấp, có trình độ học vấn thấp có khả năng tiếp cận chiếc ‘chảo'”.

“Cái chảo” là một thuật ngữ quân sự để chỉ khu vực đậu khi máy bay ở trên mặt đất. “Người này khó mà là một thợ cơ khí, bởi họ biết rằng trốn vé không phải là một cách tốt để có được một chuyến bay giá rẻ, bởi vì họ sẽ không tới được điểm đến”.

Nhưng nhà chức trách sân bay Kenya khẳng định với Graves rằng tất cả nhân viên của họ đều có mặt và giải trình, và các cuộc phỏng vấn của cảnh sát không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy nhân viên đã hỗ trợ người trốn vé máy bay.

Một khả năng khác là người này đã tiếp cận máy bay bằng cách đi vào phạm vi bên ngoài của sân bay. Vào năm 2014, Yahya Abdi, 15 tuổi, đã trèo qua hàng rào tại sân bay San Jose ở California và bay đến Hawaii, (Abdi sống sót sau chuyến bay).

Thế nhưng, một lần nữa, lãnh đạo sân bay đảm bảo với Graves không có khả năng đó.

Vụ việc thật đáng kinh ngạc. Một người đàn ông đã leo lên máy bay ở Nairobi. Anh ấy rơi xuống từ bầu trời London. Anh ấy là người Kenya. Nhưng Graves vẫn chưa thể tìm thấy danh tính của người này.

Vị cảnh sát này không phải là người nặng nề về tâm lý, nhưng vụ án đã ảnh hưởng đến ông. Trên chuyến bay đến Kenya, một lúc sau khi máy bay cất cánh, ông nghe thấy tiếng kêu rắc rắc của bánh xe. Ông quay sang đồng nghiệp và nhăn mặt: “Chúng tôi chỉ nhìn nhau, thật là khủng khiếp khi tưởng tượng một người ngồi bên dưới, một mình, thu mình trong giếng bánh máy bay”.

Bưng bít thông tin vụ án

Khi Graves đã hết cách ở Kenya, chỉ còn một việc cần làm: Đưa những phát hiện của mình lên phương tiện truyền thông với hy vọng làm sống lại câu chuyện và biết đâu có người có manh mối.

“Mọi người nghĩ cảnh sát sẽ tới đó và tìm kiếm manh mối. Nhưng những gì chúng tôi thực sự làm là dựa vào công chúng, và các nhân chứng nhìn thấy sự việc và nói với chúng tôi”, ông khẳng định.

Nhưng ý tưởng thu hút sự chú ý của giới truyền thông đã không có tác dụng với những đồng nghiệp của ông ở Kenya. Không khó để hiểu tại sao. Đối với những người điều hành sân bay, để lọt người đi lậu vé là điều đáng xấu hổ, nguy hiểm và thường tốn kém.

Tuy nhiên, Graves đã thuyết phục được cảnh sát Kenya cung cấp thông tin về vụ việc, với hy vọng khuyến khích các sĩ quan khu vực thực hiện các cuộc điều tra.

Khi trở lại Anh vào tháng 10, ông đã công khai một bức ảnh về khuôn mặt của người đi lậu máy bay, vốn đã được các nhà nghiên cứu bệnh học phục dựng lại sau khi vụ việc xảy ra, cùng với một bức ảnh về tài sản ít ỏi của anh ta.

Thông cáo báo chí kèm theo đề cập đến tên viết tắt trên ba lô của người đi lậu vé: MCA.

Các phóng viên đã nắm bắt được thông tin mới này và vào ngày 12/11, Sky News đã công bố kết quả điều tra, trong đó họ xác định người trốn vé là Paul Manyasi, 29 tuổi và làm công việc dọn dẹp tại sân bay. Bạn gái của Manyasi, nói rằng các chữ cái đầu trên ba lô viết tắt của “thành viên của hội đồng hạt”, khẳng định đây là biệt hiệu của Manyasi. Mẹ anh tuyên bố nhận ra thông qua quần lót của anh.

di lau ve,  Kenya Airways,  Heathrow anh 5

Một phần thiết bị hạ cánh và khoang bánh của chiếc Boeing 787 Dreamliner. Ảnh: Alamy.

Tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau, Sky News đã rút lại bài báo và đăng lời xin lỗi.

Vào cuối năm 2019, các quan chức Kenya đã kết thúc cuộc điều tra và không có vi phạm nào được tìm thấy tại Jomo Kenyatta International. Vụ việc vẫn giữ trạng thái bảo mật loại 1.

Đánh đổi mạng sống để di cư

Cho đến nay, danh tính của người đàn ông rơi xuống từ trên máy bay vào ngày 30/6/2019 vẫn chưa được xác định.

Thi thể được chôn cất tại nghĩa trang Lambeth vào ngày 26/2/2020. Đó là một buổi sáng đẹp trời, quang đãng và lạnh cóng. Có 4 công nhân từ hội đồng Lambeth, mặc quần yếm màu xanh lá cây và ủng dính bùn, chờ xem có người đưa tang nào đến không. Bên cạnh họ, một người đàn ông đã đợi sẵn với một chiếc máy đào, sẵn sàng lấp đất. Một quan chức của đại sứ quán Kenya, mặc một bộ vest đen và giày da, hầu như không đến kịp.

Nỗi kinh hoàng về cái chết của một người trốn vé trên máy bay hãng hàng không Kenya Airways đã khiến báo chí sục sôi. Tuy nhiên, vẫn ngày càng nhiều người di cư hơn nữa thiệt mạng, trong những hoàn cảnh kinh hoàng không kém. Họ bị nhốt ở phía sau xe tải và bị ngạt, hoặc rơi xuống khi tàu chở hàng đang chuyển động, hoặc chết đuối ở eo biển Manche.

Họ bị lính tuần tra biên giới bắn qua hàng rào dây xích, hoặc bị điện giật trong đường hầm eo biển Manche, hoặc bị đánh chết bởi đám đông phân biệt chủng tộc. Họ bị giam trong các trung tâm giam giữ trong nhiều năm, nơi họ bị lạm dụng thể chất và tình dục. Đôi khi, họ tự thiêu sống mình vì tuyệt vọng. Kể từ năm 2014, 10.134 người đã chết trên các tuyến đường di cư toàn cầu, theo dự án Những người di cư mất tích. Những con số này có thể chỉ là một phần rất nhỏ của bức tranh thật.

Khi thi thể nằm yên dưới đất, nhân viên sứ quán quay gót và vội vã bỏ đi. Một người đàn ông vô danh nằm trong một khu đất nhỏ ở phía tây nam London, trong một ngôi mộ không dấu, chỉ có thể nhận dạng bằng một cây thánh giá bằng gỗ đơn giản và một mã số. Còn rất nhiều người giống như anh ấy.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Chuyện gì đang xảy ra ở New Zealand vậy?

Bão Gabrielle quét qua đảo Bắc ở New Zealand đã khiến hạ...

Bí mật hơn 100 năm tuổi: Điều gì được giấu trong chai bia ở ga Michigan?

Hai công nhân tên là Lukas Nielsen và Leo Kimble đã phát...

Câu chuyện thương tâm về 3 phi hành gia duy nhất đã hi sinh ngoài vũ trụ

Năm 1971, ba nhà du hành vũ trụ người Nga đã phá...

Tìm hiểu về ngôi làng bánh quy gừng biến mất ở Úc

Những lý do đằng sau sự biến mất của làng bánh quy...