Home Tin Nước Úc Úc loay hoay với chiến lược thoát Covid-19
Tin Nước Úc

Úc loay hoay với chiến lược thoát Covid-19

Giới chức Úc đến giờ vẫn chưa có một chiến lược rõ ràng giúp đưa đất nước thoát Covid-19, khiến người dân không khỏi chán nản và thất vọng.

Úc từng được ca ngợi vì phản ứng ban đầu trước đại dịch Covid-19, giúp kiềm chế dịch lây lan và ít nhiều đưa nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo. Tuy nhiên giờ đây, 18 tháng đã trôi qua kể từ khi dịch bùng phát, Úc vẫn chưa thể vạch ra một lộ trình rõ ràng để thoát khỏi bóng ma dịch bệnh.

Các ca nhiễm mới vẫn xuất hiện trong cộng đồng và mỗi lần như vậy, chính quyền lại phải áp đặt các biện pháp phong tỏa, kiểm soát gắt gao. Không ít người dân bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, tự hỏi tình trạng này sẽ tiếp diễn bao lâu nữa?

“Chúng tôi không thể rời đất nước, mọi người cũng không thể đến Úc và cứ thỉnh thoảng chúng tôi lại bị phong tỏa, gây ra thiệt hại rất lớn”, James Powditch, một nghệ sĩ có cửa hàng và phòng triển lãm ở Sydney, cho hay. “Mọi người đều chấp nhận thực tế rằng đây là tình huống vô cùng khó khăn, nhưng khi nhìn thấy phần còn lại của thế giới bắt đầu mở cửa, chúng tôi trở nên giận dữ vì cách mà mọi thứ, như vaccine, được triển khai ở Úc”.

Một con đường ở trung tâm Sydney trong ngày đầu tiên phong tỏa hôm 26/6. Ảnh: Anadolu Agency.

Đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy người Úc đã chán nản và muốn thoát khỏi cuộc sống bị gián đoạn vì dịch bệnh. Hôm 27/6, một đám đông lớn tụ tập ở bãi biển Bondi, Sydney, bất chấp lệnh không ra khỏi nhà. Họ thoải mái tắm nắng và mang đồ uống ngồi trên các băng ghế dài tận hưởng khí trời.

Lệnh phong tỏa 48 tiếng cũng đã được áp dụng tại Vùng lãnh thổ phía Bắc Úc, bao gồm cả thủ phủ Darwin, sau khi 4 ca Covid-19 được phát hiện liên quan tới một công nhân mỏ vàng.

Anh này được cho là đã nhiễm virus khi ở lại qua đêm tại một khách sạn chuyên dành cho người cách ly ở Brisbane. Nhà chức trách đang nỗ lực không ngừng để truy vết tất cả 900 công nhân đã rời mỏ đến các thành phố ở khắp nơi trên đất nước.

Úc mới ghi nhận 910 ca tử vong vì Covid-19 trên 25 triệu dân, là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong bình quân đầu người thấp nhất thế giới và số ca nhiễm cũng duy trì ở mức thấp.

Dù đã phần nào đưa được nền kinh tế vận hành và phục hồi trở lại, ngành du lịch của Úc vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và các trường đại học đang chật vật vì mất đi nguồn thu từ sinh viên quốc tế.

Úc đến nay mới chỉ tiêm vaccine cho trên 4% dân số, so với tỷ lệ hơn 46% ở Mỹ và 47% ở Anh. Tỷ lệ này gần với Indonesia và Ấn Độ hơn, nơi giống như hầu hết các nước đang phát triển khác, không thể thỏa thuận với các công ty dược phẩm để thu mua đủ lượng vaccine cần thiết.

Vấn đề càng trầm trọng hơn bởi tâm lý do dự, hoài nghi về vaccine của người dân Úc. Theo một nghiên cứu do báo Sydney Morning Herald và The Age thực hiện cùng công ty nghiên cứu thị trường Resolve Strategic, 15% số người trưởng thành tham gia khảo sát nói họ “hoàn toàn không có ý định” và 14% nói “không có nhiều khả năng” sẽ tiêm vaccine Covid-19 trong những tháng tới. Cuộc khảo sát được thực hiện sau một thông báo hồi tháng 4 rằng vaccine Oxford-AstraZeneca có liên quan đến tác dụng phụ gây hình thành cục máu đông sau tiêm.

Giới chức Úc cho biết họ hy vọng có thể đạt được miễn dịch cộng đồng trước khi tái mở cửa biên giới. Thủ tướng Scott Morrison trước đó nói rằng biên giới chỉ có thể được mở lại sớm nhất vào giữa năm 2022. Gần đây hơn, ông thậm chí không thể cam kết mở cửa trở lại vào Giáng sinh 2022.

Các nhà báo xuất hiện trong chương trình Today trên kênh Channel 9 hôm 24/6 thậm chí còn cho rằng Thủ tướng Morrison và chiến lược triển khai vaccine chậm chạp của ông chính là nguyên nhân dẫn tới việc đất nước liên tục bị phong tỏa.

Đáp lại, Thủ tướng Morrison cho hay nguồn cung sẽ được bổ sung vào tháng 7 và sẽ có thêm 600.000 liều vaccine Pfizer cập bến trong tuần này.

Ông đổ lỗi cho vaccine AstraZeneca khiến chương trình tiêm chủng bị trì hoãn và đây thực sự là “cú sốc” nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu là cung cấp đủ vaccine cho tất cả những người muốn tiêm vào cuối năm nay và sẽ đẩy nhanh tốc độ khi chúng ta bước qua nửa cuối năm”, ông nhấn mạnh.

Chính phủ cũng bị chỉ trích vì để khoảng 36.000 người Úc bị mắc kẹt ở nước ngoài. Việc giới hạn lượng người nhập cảnh khiến việc đặt chỗ trên các chuyến bay trở nên khó khăn và đắt đỏ. Bên cạnh đó, chi phí cách ly lên tới hàng nghìn USD và người dân muốn về nước phải tự chi trả.

Nhập cảnh gặp vô vàn thách thức song xuất cảnh còn khó khăn hơn. Nếu ai đó từ nước ngoài có quốc tịch Austrlia hoặc là thường trú nhân, họ cần được chính phủ cho phép mới được rời đất nước.

Hệ quả là người dân không chỉ mất đi ngày nghỉ mà còn đánh mất cả thời gian bên gia đình, bạn bè.

Theo kết quả cuộc điều tra dân số gần đây nhất vào năm 2016, khoảng 1/2 số người đang sống ở Úc sinh ra ở nước ngoài hoặc có ít nhất cha hoặc mẹ sinh ra ở nước ngoài.

Một phụ nữ sống ở Bribane đến từ Canada làm việc trong ngành y tế từng hy vọng chương trình vaccine được đẩy nhanh sẽ giúp nới lỏng các hạn chế về biên giới và giúp anh trở về quê nhà.

“Tôi là người gốc Canada và tôi không biết đến bao giờ mới có thể gặp lại gia đình mình. Thành thực mà nói, tôi nghĩ phải ít nhất hai năm nữa”, cô chia sẻ. “Chúng tôi rất thất vọng. Quy trình tiêm chủng thật lố bịch. Tôi là nhân viên y tế, xếp hàng đầu trong danh sách tiêm vacccine song có quá nhiều nhầm lẫn. Chúng tôi được yêu cầu gửi email và sẽ được liên hệ khi đặt thành công lịch hẹn. Nhưng sau đó, họ lại bảo chúng tôi chỉ cần đến thôi bởi hệ thống trên thực sự không ghi lại bất cứ thông tin gì”.

Người Australia tụ tập trên bãi biển Sydney ngày 27/6, bất chấp lệnh phong tỏa. Ảnh: CNN.

Người Úc tụ tập trên bãi biển Sydney ngày 27/6, bất chấp lệnh phong tỏa. Ảnh: CNN.

“Nó đến giờ vẫn chỉ dành cho người trên 50 tuổi bất chấp việc virus lây lan mạnh trong nhóm người có độ tuổi trung bình từ 20 đến 30”, cô cho biết thêm. “Chúng tôi đều đã phát ốm vì lệnh phong tỏa”.

Với những công dân Úc có mối quan hệ gắn bó với người thân ở nước ngoài, tình cảnh bị cô lập còn mang đến cho họ nhiều hệ quả nghiêm trọng.

Katerina Vavrinec, 34 tuổi, đến từ Cộng hòa Czech, hiện sống ở Sydney, cho hay cô đã phải tìm đến dịch vụ tư vấn sức khỏe tâm thần vì bị chia cắt với gia đình, bạn bè. Cô chưa thể trở về thành phố quê hương Prague của mình suốt ba năm qua.

“Việc đóng cửa biên giới sẽ gây tác động rất lớn tới sức khỏe tâm thần của mọi người”, đặc biệt là những người có thân nhân, gia đình ở nước ngoài, Vavrinec nói.

Vavrinec đang trong thời gian nghỉ sinh và sẽ trở lại làm việc trong khoảng một tuần nữa, dù vậy, cô không biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào khi lệnh phong tỏa vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, cô đã có cách tự an ủi.

“Thực tế, tôi khá vui vì chúng ta đang bị phong tỏa. Tôi rất thất vọng trước quyết định đóng cửa biên giới vô thời hạn của chính phủ. Vậy nên, tôi hy vọng rằng cảnh phong tỏa sẽ khiến mọi người nhận ra rằng cô lập hoàn toàn Úc với thế giới không thể giúp chúng ta thoát khỏi dịch bệnh”.

Theo Vnexpress

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...