Home Tâm Sự - Chia Sẻ Tìm hiểu du học sinh Việt Nam kinh doanh tại Úc
Tâm Sự - Chia Sẻ

Tìm hiểu du học sinh Việt Nam kinh doanh tại Úc

Việc kinh doanh tại Australia đã giúp cho một số du học sinh Việt Nam tạo lập cuộc sống. Tuy nhiên, nó không phải là ‘con đường trải đầy hoa hồng’ mà cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, mất mát.

Từ kinh doanh nhỏ

Phần lớn du học sinh Việt Nam tại Australia đều cố gắng đi làm thêm để trang trải cuộc sống với những công việc phổ biến như bán hàng, thu ngân ở siêu thị, bồi bàn, thu hoạch nông phẩm…

Tuy nhiên, cũng có một số du học sinh mạnh dạn tự bỏ vốn kinh doanh với phương châm ‘tự làm tự ăn’ và không bị phụ thuộc về thời gian.

Một trong những khu vực tập trung nhiều du học sinh Việt kinh doanh ở thành phố Melbourne là chợ Queen Victoria (Vic market).

Trong thời gian du học tại Australia theo chương trình AusAID, anh Hải đi làm thêm tại chợ Vic rồi may mắn được một người bạn nhượng lại gian hàng bán túi xách trước khi người này về nước. Trở thành chủ, anh thuê thêm hai sinh viên bán hàng cho mình những lúc bận học, còn khi rảnh rỗi thì anh tự làm.

Anh Hải cho biết, vì đặc trưng của chợ Vic là bán hàng cho khách du lịch nên vào thời điểm mùa đông, chợ thường ế ẩm hơn mùa du lịch cuối năm, tuy nhiên, “cứ túc tắc bán cũng đủ sống”.

Mai thì lại nhập một số hàng thủ công mỹ nghệ và đồ trang trí từ Việt Nam sang để bán. Những lúc bận bịu, Mai thuê thêm sinh viên bán hàng, thậm chí còn huy động cả mẹ mình ra chợ trông hàng hộ trong thời gian bà sang Australia chơi.

Một số người còn nhập cả tranh thêu, túi xách, quần áo lụa tơ tằm, thậm chí cả… thiếp chúc mừng để bán.

“Những mặt hàng tưởng như có giá trị nhỏ nhưng số lượng bán được nhiều nên người bán vẫn có lãi”, một du học sinh ‘bật mí’.

Sau một thời gian bám trụ kinh doanh ở chợ, phần lớn những ‘ông/bà chủ’ sinh viên đều hoàn toàn có thể tự trang trải được chi phí sinh hoạt ở Australia và có người còn tích cóp được một số vốn liếng nhất định.

Anh Hải cho biết: “Gia đình tôi sống nhờ vào cái chợ này trong bao năm qua. Nhiều người cũng trưởng thành từ đây nên có thể nói rằng chợ này rất ‘nặng ân tình’ với du học sinh Việt Nam”.

Còn Mai đã khiến nhiều người trong cộng đồng du học sinh nể phục vì gian hàng ở chợ đã giúp bạn tích cóp được tiền để đặt cọc mua nhà trả góp ở Melbourne.

Đến thành lập doanh nghiệp

Nếu như những du học sinh khác nhập các mặt hàng từ Việt Nam sang Australia bán thì chị Gia, một cựu du học sinh lại tìm cách nhập ngược các mặt hàng từ Australia về Việt Nam.

Chị mở công ty xuất nhập khẩu TG và sản phẩm đầu tiên được chị lựa chọn là sữa bột trẻ em bởi theo chị, sữa Australia chất lượng rất tốt và có tiếng, được nhiều khách hàng Việt Nam ưa chuộng. Sau hơn hai năm nhập sữa, chị quyết định đa dạng hóa sản phẩm bằng cách làm đại lý phân phối độc quyền các loại thực phẩm chức năng của hãng dược phẩm có tiếng Australia Natural Pharma tại Việt Nam.

“Tôi hy vọng sẽ mở rộng được thị trường tại Việt Nam cho mặt hàng thực phẩm chức năng trong tương lai vì đời sống của người Việt ngày càng được nâng cao kéo theo nhu cầu làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm đối tượng phụ nữ và người già”, chị cho biết.

Chị Hà thì lại quyết định vay số tiền lên đến hàng trăm nghìn đô-la để mở một cửa hàng bán đồ ăn nhanh Việt Nam trong một khu siêu thị sầm uất phía Bắc Melbourne với cái tên rất Việt: ‘Sen’.

“Ban đầu, ai cũng bảo tôi ‘uống thuốc liều’ vì đầu tư quá nhiều vốn vào cửa hàng mà lại chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này”, chị cho biết.

Tuy nhiên, với niềm tin rằng ẩm thực Việt Nam sẽ thu hút được khách hàng Tây, chị đã rất kĩ lưỡng trong việc lựa chọn các món ăn để phục vụ khách với tiêu chí: ‘Đơn giản, tươi ngon và có lợi cho sức khỏe’.

Do đó, khác hẳn với những hàng bên cạnh, các món ăn của cửa hàng chị ít dầu mỡ, ít béo, nhiều rau xanh, được nhân viên chế biến ‘tươi’ tại chỗ. Chẳng hạn, món gỏi cuốn rất được thực khách Tây ưa chuộng và đã trở thành một ‘thương hiệu’ của cửa hàng chị.

Chị Hà ‘bật mí’, việc làm ăn của cửa hàng tương đối thuận lợi với doanh thu trung bình trên một nghìn đô-la/ngày và thu nhập ròng sau khi trừ đi các khoản chi phí lên đến gần chục nghìn đô-la/tháng.

Anh Cường, cựu du học sinh chuyên ngành quản lý dự án, thì lại thành lập công ty tư nhân chuyên về xây dựng cùng với một số ‘chiến hữu’ vốn là bạn học trước kia tại Australia. Công ty anh phục vụ cho mọi nhu cầu của khách hàng cá nhân liên quan đến nhà ở, từ xin giấy phép chia đất và xây dựng của hội đồng thành phố cho đến thiết kế dân dụng, xây dựng và sửa chữa nhà cửa. Anh cho biết vì mới đi vào hoạt động nên công ty chưa mang lại lợi nhuận đột biến nhưng công việc rất ổn định.

“Thu nhập của tôi vào khoảng 60.000 đô-la/năm (trước thuế), ở mức trung bình so với những nhân viên công sở khác. Tuy nhiên, tôi lại được thoải mái về mặt thời gian. Hơn nữa, tôi cũng có kế hoạch phát triển công ty trong tương lai”, anh chia sẻ.

Kinh nghiệm ‘xương máu’

Tuy việc tự kinh doanh có nhiều thuận lợi nhưng đó không hẳn là ‘con đường trải đầy hoa hồng’ với các du học sinh bởi không ít người đã nếm phải ‘trái đắng’ vì sự vội vàng, thiếu hiểu biết về văn hóa cũng như ‘gu’ thẩm mỹ của người Australia.

Anh Nam là một trong số đó. Trong một lần về Việt Nam, vì rất thích mặt hàng tranh đá quý với độ tinh xảo và giá trị nghệ thuật cao nên anh đã quyết định bỏ ra một số vốn kha khá để nhập sang Australia bán. Tuy nhiên, sau đó anh ‘ngã ngửa’ ra là ‘gu’ thẩm mỹ của người Australia hoàn toàn khác Việt Nam nên họ không mấy mặn mà với những bức tranh mang đậm ‘hồn Việt’. Cuối cùng, anh đành ‘lưu kho’ rất nhiều bức tranh đẹp (dưới con mắt người Việt) và điều này đồng nghĩa với việc anh bị ứ đọng một số vốn đáng kể vì chưa tìm được nguồn tiêu thụ sản phẩm.

“Sau lần đó tôi càng thấm thía nguyên tắc bán cái thị trường cần chứ không bán cái mình có”, anh chia sẻ.

Chị Gia cũng một lần ‘thót tim’ với việc kinh doanh tại Australia. Vì doanh nghiệp của chị nhỏ nên trong hai năm đầu thành lập, chị báo lỗ với sở thuế để được hoàn thuế nhiều hơn mặc dù công ty chị vẫn có lãi ít. Tuy nhiên, sau đó chị ‘tá hỏa’ khi bị sở thuế yêu cầu kiểm toán đột xuất. May mắn là chị thuê được một nhân viên kế toán và khai thuế dày dạn kinh nghiệm nên mọi việc được giải quyết êm thấm.


Chợ hoa quả là nơi làm thêm phổ biến của các du học sinh Việt Nam tại Australia.

“Mặc dù luật pháp Australia tưởng như rất ‘thoáng’ nhưng nó đòi hỏi người dân phải có ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm cao”, chị nói.

Còn với chị Hà, thời gian đầu khi mới kinh doanh cửa hàng ăn là giai đoạn rất khó khăn với chị vì chưa có kinh nghiệm về quy trình vệ sinh thực phẩm và cách thức làm việc của người Australia.

Chị cho biết mình đã rất căng thẳng khi liên tục bị ‘Council’ (hội đồng địa phương) xuống kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ còn mang cặp nhiệt độ đến kiểm tra xem phòng lạnh, tủ lạnh đã đủ tiêu chuẩn để dự trữ thức ăn chưa.

Tuy nhiên, dù đã thực hiện đầy đủ yêu cầu được đưa ra nhưng chị vẫn phải đóng cửa một tuần để… tiếp tục sửa chữa cho phù hợp, khiến chị bị thiệt hại hàng nghìn đô-la tiền thuê cửa hàng.

“Trong con mắt của tôi lúc đó, không phải sửa chữa thêm gì nữa. Tuy nhiên, họ chỉ cho tôi mấy cánh tủ bếp đã bị sờn góc, còn bám lại một số thức ăn cũ và yêu cầu tôi mua nhựa hoặc formica bịt lại cho sạch sẽ. Thậm chí những khe hở của tủ bếp do vật liệu co giãn cũng phải bịt lại để đảm bảo yêu cầu vệ sinh”.

“Rồi những lỗ hổng nhỏ trên trần nhà mà mình tưởng là ‘vô thưởng vô phạt’ cũng bị yêu cầu trát lại vì họ sợ vôi, vữa sẽ rơi xuống đồ ăn đang chế biến trong bếp. Những điều đơn giản thế nhưng mình không thể nhận ra vì thường có tâm lý ‘xem nhẹ’ chúng”, chị tâm sự.

Một lần khác, do nhân viên của chị sơ ý quên không đeo găng tay khi lấy đồ ăn cho khách, chị đã bị khách khiển trách và ‘dọa’ sẽ báo ‘Council’ nếu tiếp tục vi phạm.

Điều kiện ở lại Úc sau khi tốt nghiệp
Điều kiện ở lại Úc sau khi tốt nghiệp – alouc.com

“Tôi học được rất nhiều từ những điều nhỏ nhặt đó và luôn ý thức được rằng giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu nếu muốn kinh doanh đồ ăn ở Úc, nếu không bạn sẽ có thể mất khách và bị kiện như chơi!”, chị Hà đúc rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, chị Hà vẫn còn là người may mắn so với anh Ngọc. Từng bỏ ra hơn 50.000 đô-la để mua lại một cửa hàng sushi và mới chỉ hoạt động hơn bốn tháng nhưng vợ chồng anh đã phải nghĩ đến phương án đóng cửa vì kinh doanh thua lỗ.

Anh cho biết cũng chính vì sự vội vàng, không nghiên cứu kĩ về vị trí, khả năng sinh lợi và thành phần dân cư sinh sống xung quanh mà vợ chồng anh đã phải “trả giá đắt”.

“Chúng tôi cố gắng bám trụ trong một năm cho hết hạn hợp đồng rồi sẽ ‘dẹp tiệm’. Làm ăn không phải chuyện đơn giản, nếu không thận trọng thì rất dễ khuynh gia bại sản!”, anh Ngọc thở dài.