Home Giáo Dục Nữ sinh Việt tốt nghiệp thủ khoa sớm ở Nhật
Giáo DụcNgười Việt Năm Châu

Nữ sinh Việt tốt nghiệp thủ khoa sớm ở Nhật

Thuận hoàn thành chương trình đại học chỉ trong ba năm, trở thành thủ khoa người Việt đầu tiên tại Đại học Osaka Sangyo.

Thạch Ngọc Thuận tốt nghiệp Đại học Osaka Sangyo với GPA 3.8/4.0, cao nhất khoa Thương mại. Nhưng đến tháng 3/2023, Thuận mới chính thức nhận bằng, hiện cô được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.

“Đó là kết quả từ sự chăm chỉ và nỗ lực bền bỉ suốt nhiều năm qua của em”, cô gái có gương mặt bầu bĩnh, giọng nói vui vẻ mở đầu câu chuyện về cuộc sống ở Nhật.

Thạch Ngọc Thuận vừa hoàn thành chương trình đại học sớm một năm, với điểm GPA đứng đầu khoa Thương mại, Đại học Osaka Sangyo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạch Ngọc Thuận hoàn thành chương trình đại học sớm một năm, với điểm GPA đứng đầu khoa Thương mại, Đại học Osaka Sangyo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tốt nghiệp cấp ba năm 2017, Thuận học tiếng Nhật cấp tốc để du học trường tiếng tại Osaka. Thông thường, học viên sẽ bắt đầu từ N5 (cấp độ thấp nhất trong kỳ thi năng lực tiếng Nhật) nhưng cô may mắn được học lớp đặc biệt của trường (N3) và đậu N2 sau đó.

Nhờ thành tích học tập xuất sắc, Thuận được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật trao học bổng trị giá 6 triệu đồng một tháng. Để vào được đại học ở đây, sinh viên cần có N1 (cấp cao nhất). Thuận lúc đó chưa có chứng chỉ này nhưng đã vượt qua kỳ thi đầu vào (trình độ tương đương N1) và phỏng vấn của Đại học Osaka Sangyo, trở thành sinh viên khoa Thương mại năm 2019.

Tuy nhiên, nữ sinh Việt gặp cú sốc ngay tuần đầu vào học vì không theo kịp tiếng Nhật học thuật. Buồn và hoang mang nhưng Thuận nỗ lực vượt qua cảm xúc tiêu cực. Nhà cách trường 1,5 tiếng di chuyển, Thuận tranh thủ học trên xe buýt và tàu điện ngầm. Sau buổi học, Thuận lên thư viện hoàn thành bài tập của ngày hôm đó, xem trước bài hôm sau. Bằng cách học này, sau một tháng, Thuận có thể theo kịp các bạn.

Ngoài tự học, Thuận kết thân với nhóm sinh viên Nhật. Năm thành viên trong nhóm ở các khoa khác nhau, có chung mục tiêu học tập, hỗ trợ và sau này đều thuộc top 10 của các khoa.

Thuận chụp hình lưu niệm cùng giáo sư Suzuki Akio, trưởng khoa Thương mại năm 2022 của Đại học Osaka Sangyo, khi nhận được thành tích ba năm học mới đây. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thuận chụp hình lưu niệm cùng giáo sư Suzuki Akio, trưởng khoa Thương mại năm 2022 của Đại học Osaka Sangyo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo Thuận, các sinh viên ở Nhật thường tập trung lấy nhiều tín chỉ ở hai năm đầu để hai năm sau đỡ vất vả và có thời gian đi thực tập, xin việc làm.
Thuận tìm đến các thầy cô, anh chị khóa trên hỏi ý kiến và nhận được lời khuyên tương tự.

Ở Osaka Sangyo, sinh viên được lấy tối đa 48 tín chỉ mỗi năm. Năm đầu Thuận đăng ký 46 tín chỉ, cân bằng giữa môn tự chọn, bắt buộc và chuyên ngành. Ở nhóm tự chọn và chuyên ngành, cô lấy các môn là thế mạnh của mình như tiếng Anh, quản trị kinh doanh… để “gánh” điểm cho môn bắt buộc.

Ban đầu Thuận chỉ đặt mục tiêu học để được giảm một nửa học phí nhưng không ngờ kết quả năm nhất lại ngoài mong đợi.

“Em lấy được bằng tin học văn phòng Word, Excel 2016, đứng thứ ba của trường với GPA 3.71, là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong ảnh bìa báo trường và giành học bổng 10 triệu đồng một tháng”, Thuận nói.

Năm thứ hai, do dịch bệnh, Thuận không thể đến trường học trực tiếp. Nhưng đã quen với việc học và đọc tài liệu, Thuận đăng ký tối đa 48 tín chỉ và đặt mục tiêu cao hơn. Có nhiều thời gian trống vì không phải di chuyển, cô tối ưu hóa bằng cách dạy tiếng Nhật trên livestream, mở kênh YouTube chia sẻ về cuộc sống và du lịch Nhật Bản, thu hút nhiều người theo dõi. Cô cũng đỗ N1 với phần nghe 60/60 và nằm trong top 3 của trường về thành tích học tập.

Các trường ở Nhật quy định sinh viên hoàn thành 124 tín chỉ mới được tốt nghiệp. Hai năm đầu, Thuận đã học xong phần lớn tín chỉ và chỉ còn 30 tín chỉ ở các năm sau. Năm thứ ba của cô trở nên nhẹ nhàng khi mỗi tuần chỉ phải đi học ba ngày, còn lại tham gia tình nguyện dạy tiếng Việt cho học sinh Nhật, học lái xe và thi TOEIC, đạt 815 điểm.

Nữ sinh Việt cũng là một trong ba sinh viên quốc tế của trường nhận được học bổng Rotary Yoneyama trị giá 20 triệu đồng một tháng. Rotary Yoneyama là quỹ học bổng lớn nhất Nhật Bản, cả về quy mô chương trình và số lượng được trao, dành cho du học sinh đang học tập tại các trường đại học Nhật.

Giáo sư Sawanobori Chie, trưởng khoa Thương mại năm 2020 của Đại học Osaka Sangyo, là người viết thư tiến cử Thuận cho học bổng Rotary Yoneyama. Giáo sư Sawanobori nhận xét du học sinh Việt có tài lãnh đạo, biết cách truyền cảm hứng cho mọi người để cùng nhau hoàn thành công việc của nhóm.

“Thuận hoà đồng, chủ động tiếp thu, lắng nghe ý kiến người khác. Đó là một trong những lý do giúp em trở thành sinh viên xuất sắc của khoa”, bà Sawanobori viết, bày tỏ kỳ vọng vào sự phát triển của Thuận trong tương lai.

Nữ sinh gợi ý, muốn đạt được mục tiêu học tập, các du học sinh nên làm quen, kết giao với người bản xứ để cải thiện khả năng giao tiếp, trình độ tiếng Nhật và học hỏi về văn hóa.

Cô khuyên không để thời gian trống khi còn trẻ, nên ép bản thân đọc một cuốn sách chuyên ngành hay đạo đức và học thêm một thứ tiếng khác. Ngoài tiếng Nhật và tiếng Anh, Thuận còn biết tiếng Trung.

Thuận (áo vàng) đại diện sinh viên Việt Nam trong bức ảnh bìa tập san của trường năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thuận (áo vàng) đại diện sinh viên Việt Nam trong bức ảnh bìa tập san của trường năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thuận cho rằng, du học sinh không nên chỉ tập trung vào việc học, hãy chủ động tìm công việc làm thêm để có thu nhập và tích lũy kinh nghiệm. Thuận thường xuyên thay đổi môi trường làm thêm lúc còn đi học, từ nhân viên quán ăn đến cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc và mỹ phẩm, với mục đích có nhiều mối quan hệ và học hỏi cách quản lý. Ngoài ra cô cũng muốn tự mình trải nghiệm để sau này có thể tư vấn cho các bạn Việt Nam mới sang.

Hiện không còn phải đến trường nên Thuận dành thời gian đi thực tập tại nhiều công ty ở Nhật. Cô hy vọng tìm được một công việc tốt và triển khai dự án dạy tiếng Nhật N4, N5 miễn phí trên YouTube.

“Nhắc tới người Việt Nam là nhắc tới sự giỏi giang và khả năng cống hiến. Vì thế, em mong được chia sẻ kiến thức và giúp đỡ các bạn có ý định du học Nhật bằng trải nghiệm cá nhân”, Thuận nói.

Theo VnExpress.net

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *