Home Cộng Đồng Nếu “Điểm Công dân” thấp, dân Trung Quốc sẽ bị cấm di trú cả trong nước và quốc tế
Cộng Đồng

Nếu “Điểm Công dân” thấp, dân Trung Quốc sẽ bị cấm di trú cả trong nước và quốc tế

Hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội (Social Credit System) để đánh giá Điểm Công dân đã được chính quyền Trung Quốc áp dụng thử nghiệm từ năm 2017 và sắp tới sẽ có các hệ quả đầu tiên. Giới chức Bắc Kinh tuần qua thông báo rằng họ sẽ bắt đầu cấm các công dân Trung Quốc đi lại trong nước và quốc tế nếu Điểm Công dân của họ quá thấp.

Mục tiêu của Hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội là để đánh giá mức độ tin cậy của 1,3 tỷ công dân Trung Quốc thông qua việc đo lường các hành vi của họ trong cuộc sống thường nhật và trên mạng Internet.

Mức độ tin cậy được thể hiện qua Điểm Công dân. Điểm số này sẽ được sử dụng để xác định mỗi công dân có đủ tư cách để thế chấp vay tiền, xin việc làm, có thể xin học cho con ở nơi nào hay có được di trú trong và ngoài nước hay không – hoặc thậm chí là cơ hội để hẹn hò…

Chính phủ Trung Quốc viện lý do rằng hệ thống là cách lý tưởng để đo lường và nâng cao sự tin tưởng trên toàn quốc và để xây dựng một nền văn hóa “thành thật”. Như tuyên truyền trong chính sách, “nó sẽ tạo ra một môi trường công luận, nơi mà việc giữ gìn lòng tin là vinh dự”. Nó sẽ tăng cường sự thành thật trong các vấn đề của chính phủ, sự thành thật trong thương mại, sự thành thật của xã hội và xây dựng sự tín nhiệm luật pháp.

Những hành động của người dân từ trả sách mượn của thư viện muộn tới bình luận về chế độ không phù hợp trên mạng xã hội có thể làm giảm Điểm Công dân. Hệ thống này đã được chế độ cộng sản Trung Quốc áp dụng đánh giá quan chức chính quyền từ năm 2015 và gần đây mở rộng áp dụng cho toàn công dân.

Tân Hoa Xã cho biết vào đầu năm 2017, chính quyền Trung Quốc đã triển khai bản chạy thử Hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội tại khu vực đồng bằng sông Dương Tử.

Cho đến nay, người dân Trung Quốc có quyền quyết định có tự nguyện tham gia chương trình Điểm Công dân hay không. Tuy nhiên, vào năm 2020, việc tham gia sẽ là bắt buộc. Hành vi của mỗi một công dân và pháp nhân (bao gồm các công ty và các tổ chức khác) tại Trung Quốc sẽ được đánh giá và xếp hạng, bất kể họ có thích điều đó hay không.

Reuters cho biết Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc vào thứ Sáu (16/3) đã thông báo rằng từ đầu tháng Năm tới, các cá nhân có Điểm Công dân thấp sẽ bắt đầu phải chịu lệnh cấm di trú cả trong nước và quốc tế. Công dân có điểm số tín nhiệm thấp sẽ không được phép đi tàu hỏa và máy bay trong 1 năm tùy thuộc vào Điểm số Công dân của họ thấp thế nào.

Theo ghi nhận của Reuters, một số hành vi tiềm năng có thể làm giảm Điểm Công dân gồm: Không trả tiền phạt cho các vi phạm nhỏ; cố ý sử dụng lại vé tàu đã hết hạn; hút thuốc lá trên tàu; và “phát tán các thông tin sai lệnh về khủng bố”, và một số hành vi khác.

Trong khi đó, Điểm Công dân của người dân sẽ tăng nếu họ lên mạng “tích cực” như có những bình luận nói tốt về chính phủ hoặc nói tốt về nền kinh tế của đất nước, theo wired.co.uk.

Hoàn cầu Thời báo hôm thứ Sáu (16/3) thông tin rằng đã có những người đầu tiên bị liệt vào “danh sách đen” theo tiêu chí của Hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội. Tờ báo của nhà nước Trung Quốc cho biết chế độ Bắc Kinh đã “lập danh sách đen” đối với 17 quân nhân vừa bị trục xuất khỏi quân đội.

Hôm thứ Năm (15/3) văn phòng tuyển quân của thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm thông báo rằng 17 nam quân nhân nhận thấy rằng họ không thể sống trong môi trường quân đội và nhiều lần tìm cách đảo ngũ trước khi bị trục xuất”, Hoàn cầu Thời báo cho biết.

Những cựu quân nhân bị liệt vào danh sách đen sẽ không thể “di trú ra nước ngoài hoặc làm việc trong các cơ quan nhà nước”, cũng như không được mua bất động sản hoặc ở trong các khách sạn cao cấp vì Điểm Công dân của họ kém.

Theo tờ Hoa Nam Buổi Sáng (Hồng Kông), những người bị Điểm Công dân kém phải mất khoảng 5 năm mới có thể cải thiện điểm số tín nhiệm của mình.

Trong một diễn biến khác có liên quan đến hoạt động giám sát công dân, tuần qua Quốc hội Trung Quốc đã chính thức phê duyệt thành lập “Ủy ban Giám sát Quốc gia”, chịu trách nhiệm chống tham nhũng và sẽ có quyền giám sát hành vi của mọi công dân. Người đứng đầu Ủy ban mới thành lập này là ông Dương Hiểu Độ – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Dương Hiểu Độ năm nay 65 tuổi, ông từng có thời gian dài công tác tại Tây Tạng, sau đó từng nhậm chức Thường ủy Thành ủy thành phố Thượng Hải, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Thượng Hải, phụ trách sự vụ liên quan đến Đài Loan, từng có thời gian làm việc với ông Tập Cận Bình. Khi ông Tập Cận Bình làm Bí thư thành phố Thượng Hải, ông Dương Hiểu Độ được ông Tập Cận Bình khen ngợi. Sau khi ông Tập lên Trung ương, ông Dương Hiểu Độ cũng được ông Tập trọng dụng.

Theo Trí Thức VN