1.000 – 1.200 USD/tháng là thu nhập bình quân cao nhất của lao động Việt Nam ở thị trường nước ngoài. Mức thu nhập thấp nhất là 400- 600 USD/tháng.
Hơn 800 nghìn người Việt lao động ở nước ngoài
Theo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, từ năm 2010 – 2017, cả nước có 821.862 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ năm 2014 đến nay, bình quân số lao động đi làm việc nước ngoài khoảng trên 102.000 người/năm, chiếm 7% số người có việc làm mới của cả nước.
Số lượng lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tăng nhanh nhất tại thị trường Nhật Bản, bình quân giai đoạn 2013-2017 tăng tới 461% so với giai đoạn 2010-2013. Cùng giai đoạn, số lượng lao động đi XKLĐ tại Đài Loan tăng bình quân 183%, Trung Đông tăng bình quân 120%.
Trong khi thị trường lãnh thổ Đài Loan vẫn tập trung nhiều lao động nhất, ổn định qua các năm, thì thị trường Nhật Bản hiện có mức tăng đột biến. Số lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản năm 2017 cao gấp 11 lần so với năm 2010, và gấp 3 lần so với năm 2014.
Diễn biến của thị trường người lao động ở nước ngoài của Việt Nam hiện tại vẫn tương đồng với thống kê trên. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), trong 10 tháng đầu năm 2018, hơn 116.600 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vượt 6,07% so với kế hoạch cả năm 2018 (trong đó có 41.636 lao động nữ, chiếm tỷ lệ 35,6%). Tính riêng trong tháng 10, các doanh nghiệp XKLĐ đã đưa 14.548 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Về phân bổ thị trường lao động, trong tổng số 134.751 lao động đi XKLĐ trong năm 2017, thị trường Đài Loan có số lao động Việt đi làm việc cao nhất, gần 67.000 lao động (trong đó có 23.530 lao động nữ), chiếm gần 50% tổng số lao động.
Thị trường Nhật Bản tăng vượt bậc, đứng thứ hai với 54.504 lao động (trong đó có 24.502 lao động nữ), tăng 36,47% so với năm 2016, nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 100 nghìn người (nhiều nhất trong 15 nước có thực tập sinh tại Nhật Bản).
2 -2,5 tỷ USD kiều hối gửi về mỗi năm
Theo báo cáo của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, mức thu nhập bình quân (tính cả làm thêm) của người lao động đi XKLĐ là 400-600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông, 700-800 USD/tháng ở thị trường lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), 1.000-1.200 USD/tháng ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Báo cáo đánh giá, nhìn chung trong giai đoạn 2010-2017, lao động ra nước ngoài làm việc thường có thu nhập cao và ổn định hơn so với làm việc trong nước cùng ngành nghề, trình độ. “Sự gia tăng số lượng lao động làm việc ở các thị trường có thu nhập cao đưa Việt Nam trở thành một trong số những nước có lượng kiều hối lớn từ người lao động ở nước ngoài gửi về”, cơ quan chức năng của Quốc hội nhận định.
Lượng kiều hối do lao động ngoài nước gửi về nước hàng năm là khoảng 2 -2,5 tỷ USD, tỷ lệ tăng trung bình trong giai đoạn từ 2010-2017 là 6-7%/năm.
Tại một số địa phương, lượng tiền do người lao động gửi về nước chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu nội địa của tỉnh. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, bình quân hàng năm Hà Tĩnh thu nhập từ XKLĐ rất lớn, từ khoảng 6.800 – 7.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền người lao động gửi về nước từ 3.500 – 4.000 tỷ đồng/năm. Con số này xấp xỉ 45% tổng thu ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh trong năm 2017 (khoảng 8.900 tỷ đồng).
Từ năm 2010-2017, Hà Tĩnh có 50.270 người đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, bình quân 6.300 người đi mỗi năm.
Tại Nghệ An, theo báo cáo từ địa phương, bình quân hàng năm tỉnh này có từ 12.000 – 13.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hiện hơn 60.989 lao động Nghệ An đang đi XKLĐ.
Đây cũng là tỉnh có số lao động gửi tiền về nhiều nhất hiện nay. Nguồn thu ngoại tệ gửi về nước qua các ngân hàng là hơn 250 triệu USD/năm (tương đương hơn 5.831 tỷ đồng/năm). Tuy nhiên, chất lượng lao động vẫn thấp, tỷ lệ lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao, từ 60% – 70%.
Trước đó, theo báo cáo đánh giá của Chương trình phát triển liên hiệp quốc (UNDP) (công bố hồi tháng 9/2018), Việt Nam là một trong 10 nước hàng đầu tiếp nhận lượng kiều hối nhiều nhất trên thế giới, chiếm khoảng 2,5% tổng kiều hối toàn cầu năm 2017.
Theo đánh giá của UNDP, kiều hối của Việt Nam chiếm 6-8% GDP hàng năm trong các năm 2006-2017, cao hơn các nước phát triển khác (bình quân chiếm 1-2% GDP).
Lao động Việt xa xứ làm quần quật ở xứ người để lo cho gia đình
Kiều hối về Việt Nam tăng đều đặn và quy mô lớn gấp 4 lần khối lượng ODA năm 2016 và tương đương với lượng FDI năm 2017.
Kiều hối gửi về Việt Nam chủ yếu từ nguồn Việt kiều hải ngoại và lao động xuất khẩu. Trong đó, kiều hối từ nguồn Việt kiều hải ngoại (chủ yếu định cư ở Mỹ, Canada, Đức và Pháp) chiếm 80-90% lượng kiều hối gửi về nước. Xuất khẩu lao động chiếm một tỷ lệ nhỏ (6-7%), nhưng đang gia tăng theo đà gia tăng nhanh của việc XKLĐ sang các nước.
Theo Trí Thức VN