Chính phủ liên bang hiện chống lại áp lực trong việc thu hồi các chi trả JobKeeper từ các công ty hoạt động có lời, sau khi tin tức tiết lộ hàng ngàn doanh nghiệp đã gia tăng gấp đôi hay gấp ba lợi nhuận, trong khi vẫn hưởng chế độ trợ cấp lương bổng. Phe đối lập muốn họ trả lại số tiền trợ giúp vốn là tiền thuế của người dân Úc, cũng như công khai chuyện nầy.
Chương trình trợ giúp COVID-19 có tên là JobKeeper của chính phủ liên bang hiện bị chỉ trích, do làm thiệt hại cho tiền thuế của người dân Úc.
Dân biểu Lao động là ông Andrew Leigh dùng thời gian chất vấn tại Quốc Hội, để hỏi Tổng Trưởng Ngân Khố Josh Frydenberg về việc chính phủ không đòi lại tiền trợ giúp, cho các công ty thu được nhiều lợi nhuận.
“Câu hỏi của tôi dành cho ông Tổng Trưởng Ngân Khố, các phân tích mới cho thấy chính phủ Morrison và Joyce đã chi ra hơn 300 triệu đô la trợ cấp JobKeeper, để gia tăng gấp 3 số lợi nhuận của họ”.
“Với việc chính phủ hiện truy đuổi những người về hưu về số phụ cấp trả dư, tại sao chính phủ lại để các doanh nghiệp nầy giữ lại hàng triệu đô la tiền thuế của người dân, mà rõ ràng họ không cần đến”, Andrew Leigh.
Trong khi đó, ông Tổng Trưởng Ngân khố không trả lời vào câu hỏi.
“Những gì ông dân biểu không hiểu, là những bất trắc lớn lao trong nền kinh tế vào thời điểm, mà chúng ta mang lại cho các doanh nghiệp sự ổn định”.
‘Chúng ta giúp cho họ có khả năng đặt kế hoạch cho tương lai, có cơ hội giữ lại nhân viên”, Josh Frydenberg.
Sau một vụ tranh cãi công khai, công ty bán lẻ Harvey Norman đã hoàn trả lại 6 triệu trong số 22 triệu đô la đã nhận được theo chương trình JobKeeper, trong khi vẫn ghi nhận mức doanh vụ phát đạt.
Các dữ kiện thống kê độc lập mới nhất cho thấy, có 20 ngàn doanh nghiệp đã gia tăng gấp 3 số lợi nhuận, trong khi nhận được tổng cộng là 370 triệu đô la tiền trợ cấp JobKeeper của chính phủ.
Ngoài ra có khoảng 15 ngàn công ty tăng gấp đôi số thu hoạch, trong lúc nhận được số tiền là 320 triệu đô la trong chương trình JobKeeper.
Thượng nghị sĩ độc lập Rex Patrick cho biết, hiện chẳng có giải pháp nào để buộc những doanh nghiệp nầy, chịu trách nhiệm về những sai trái cả.
“Vào tháng 4 năm 2020, Quốc Hội cho ông Tổng Trưởng Ngân khố quyền thành lập chương trình JobKeeper”.
‘Ông ta tạo ra một hệ thống chân thật mà căn bản là nói với các công ty rằng, ‘Nếu quí vị gặp khó khăn hay sẽ bị khó khăn, chúng tôi sẽ giúp đỡ quí vị’.
“Ông không đưa ra kế hoạch thu hồi ở đây, điều đó có nghĩa là các công ty có thể tạo ra lợi nhuận nhiều hơn dự tính và cũng không nghĩ đến chuyện hoàn trả tiền lại, đó là một lỗi lầm lớn lao của ông Josh Frydenberg”, Rex Patrick.
Còn dân biểu Andrew Leigh của Lao động cho rằng chương trình JobKeeper thiếu minh bạch.
“Vào lúc nầy, người dân Úc không biết hầu hết những người nhận JobKeeper là ai”.
‘Việc đó hoàn toàn khác biệt với các nước tiên tiến khác, khi họ minh bạch đầy đủ chuyện nầy”.
‘Nếu quí vị không phải là một công ty có đăng ký, thì người dân Úc không biết liệu quí vị có nhận được trợ cấp JobKeeper hay không”.
‘Vì vậy với con số 13 tỷ đô la trả cho các doanh nghiệp có lợi nhuận gia tăng, phần lớn các khoản chi trả nầy vào túi của các công ty không đăng ký, vốn nằm yên ổn trong bóng tối”, Andrew Leigh.
Trong khi đó, giám đốc dịch vụ cố vấn có tên là Ownership Matters là ông Dean Paatsch nói rằng, chương trình JobKeeper rõ ràng có một mức độ lãng phí và ông đồng ý là cần có tình trạng minh bạch hơn.
“Những gì chúng ta muốn biết là liệu JobKeeper có chi trả cho 97 phần trăm kế hoạch, hiện vẫn nằm trong bóng tối”.
“Vì vậy chúng ta muốn biết liệu có công ty do ngoại quốc điều hành hay không, cũng như họ kiếm lời và không trả thuế ở Úc”, Dean Paatsch.
Được biết đường lối mà chương trình JobKeeper được thành lập là hoàn toàn hợp pháp cho các công ty có lời, để giữ các trợ giúp JobKeeper.
Thế nhưng chính phủ hiện truy tìm những người dân Úc bình thường, vốn đã hưởng lợi chương trình nầy một các sai trái.
Chúng tôi đã trông thấy các lá thư đòi nợ từ Sở Thuế gởi đến cho người thụ hưởng Úc, 12 tháng sau khi những người nầy được báo là họ đủ điều kiện để hưởng khoản chi trả nói trên.
Theo SBS
Leave a comment