Home Khám Phá Những “cư dân” lạ kỳ nhất sa mạc
Khám Phá

Những “cư dân” lạ kỳ nhất sa mạc

Trước những thử thách khắc nghiệt của môi trường sống, những động vật ở đây phải thay đổi ngoại hình một cách đặc biệt.

Những cư dân lạ kỳ nhất sa mạc - Ảnh 1.

Sa mạc là nơi sống của nhiều loài động vật có vẻ ngoài lạ lẫm – Ảnh: GETTY IMAGES.

Sa mạc không phải là nơi dễ sống. Nhiệt độ ban ngày có thể “nướng chín” không ít sinh vật. Ngược lại khi về đêm, nhiệt độ giảm mạnh, gây rét cắt da thịt.

Trước những thử thách khắc nghiệt của môi trường sống, những động vật ở đây phải thay đổi ngoại hình một cách đặc biệt. Nhiều loài phát triển các lớp da, vảy với kết cấu lạ kỳ để giúp chúng có thể chống chịu thời tiết cực đoan và tích trữ được lượng nước ít ỏi trong cơ thể.

Một số đã tiến hóa các chi để có thể di chuyển nhanh chóng trên cát, đồng thời “nâng cấp” đôi mắt để dễ hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Theo các nhà động vật học, những loài động vật sống trên cạn có vẻ ngoài độc đáo nhất thường được tìm thấy ở sa mạc. Vừa qua, tạp chí khoa học Live Science đã thống kê những sinh vật có ngoại hình lạ kỳ nhất cư ngụ ở sa mạc.

Những cư dân lạ kỳ nhất sa mạc - Ảnh 3.

Cáo sa mạc – Ảnh: GETTY IMAGES.

Trông “dễ thương” nhất chắc hẳn phải là cáo sa mạc (cáo Fennec). Có kích thước nhỏ hơn cả mèo nhà, thường chỉ dài từ 35 đến 40cm, không tính đuôi. Tuy nhiên, cáo sở hữu một đôi tai “khổng lồ”, thường dài từ 10 đến 15cm. Bộ tai này hỗ trợ cáo thoát nhiệt và trợ giúp chúng có thể dễ lắng nghe con mồi di chuyển dưới cát.

Theo Sở thú quốc gia Smithsonian (Mỹ), khi cáo sa mạc “bắt” được âm thanh của các loài gặm nhấm, côn trùng đâu đó trong các lớp cát, chúng sẽ mau chóng dùng cả 4 chân đào mạnh, tạo nên một cảnh tượng như cơn “mưa cát”.

Cáo Fennec biết đào hang phức tạp để trốn nắng vào thời điểm nóng nhất. Đặc biệt, khi nhiệt độ không khí tăng cao, cáo có thể thở gấp 690 lần mỗi phút để hạ nhiệt.

Những cư dân lạ kỳ nhất sa mạc - Ảnh 4.

Cáo Fennec sở hữu đôi tai rất thính – Ảnh: TENOR.

Trong khi đó, các cơ quan của loài tatu (thường nặng chưa đến 1kg) đã tiến hóa một cách tối đa. Thận của chúng có thể xếp vào nhóm hoạt động hiệu quả cao nhất thế giới, gần như không để lãng phí bất kỳ giọt nước nào. Nhờ đó, chúng thu nhận được hầu hết lượng nước nạp vào cơ thể, chủ yếu qua các thực vật chúng ăn.

Ngoài ra, sải tay dài cũng giúp tatu mau chóng bắt lấy những động vật nhỏ như thằn lằn và động vật gặm nhấm trước khi con mồi kịp lẩn trốn trong cát.

Những cư dân lạ kỳ nhất sa mạc - Ảnh 5.

Một con tatu – Ảnh: GETTY IMAGES.

Bọ cạp sa mạc có lông (Hadrurus arizonensis) cũng là một loài thú vị. Theo Sở thú Hogle ở ​​Utah (Mỹ), Hadrurus arizonensis có thể dài từ 10 đến 17cm, được xem là loài bọ cạp lớn nhất Bắc Mỹ. Lông của chúng có thể phát quang dưới tia cực tím (UV). Theo các chuyên gia, đây là cách chúng xua đuổi những kẻ săn mồi “yếu bóng vía” trên sa mạc.

Đặc biệt, bọ cạp cái mang thai con non từ 6 đến 12 tháng. Chúng sẽ sinh ra tối đa 35 con, sau đó cõng các con trên lưng cho đến khi các con có thể tự săn mồi.

Những cư dân lạ kỳ nhất sa mạc - Ảnh 6.

Bọ cạp sa mạc có khả năng phát tia UV – Ảnh: GETTY IMAGES.

Cá nhộng sa mạc (Cyprinodon macularis) là loài cá nhỏ, màu bạc, có thể sống tốt trong điều kiện khô hạn ở các hoang mạc.

Cá đã tiến hóa để phát triển mạnh trong những vùng nước ít ỏi chảy qua các vùng khô cằn. Chúng cũng được tìm thấy ở biển Salton (California) và các chi lưu trên sông Colorado nằm ở vùng sa mạc của Mỹ, vốn có độ mặn cao.

Cá có thể sống trong môi trường nước có lượng muối từ ngọt đến 70 phần nghìn, trong khi đó phần lớn đại dương là có độ mặn từ 26 đến 34 phần nghìn. Chúng cũng có thể sống trong nước ở nhiệt độ lạnh xuống 4,4 độ C và nóng tới 42,2 độ C.

Mặc dù có sức sống dẻo dai, cá nhộng sa mạc đang có nguy cơ tuyệt chủng ở Mỹ do bị đe dọa bởi sự du nhập của các loài không phải bản địa và mất môi trường sống.

Những cư dân lạ kỳ nhất sa mạc - Ảnh 8.

Cá nhộng sa mạc – Ảnh: GETTY IMAGES.

Danh sách các loài động vật sa mạc kỳ lạ sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu loài thằn lằn quỷ gai (Moloch horridus).

Loài thằn lằn này thường có mặt ở Úc. Chúng dài hơn 20cm, khoác bên ngoài là những chiếc gai sắc nhọn dùng để bảo vệ chống lại những kẻ săn mồi vùng sa mạc.

Thằn lằn Moloch horridus thường có một cái “đầu giả” nằm phía trên cổ. Khi bị đe dọa, thằn lằn quỷ gai sẽ hạ đầu thật của chúng xuống, để lộ cái “đầu giả” nhằm đánh lạc hướng đối phương.

Theo tổ chức phi lợi nhuận Bush Heritage Australia, thức ăn của thằn lằn gai là kiến. Nhờ chiếc lưỡi dính, chúng có thể bắt được hàng ngàn con kiến mỗi lần một cách nhanh chóng.

Những cư dân lạ kỳ nhất sa mạc - Ảnh 10.

Thằn lằn quỷ gai ở Úc – Ảnh: GETTY IMAGES.

Theo Soha.vn

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

“Bộ sưu tập rác thải” của hương hiệu đồ nội thất

Đừng vội vứt bỏ ngay chiếc bàn, chiếc ghế hay chiếc kệ...

Samsung và Bill Gates bắt tay cải tiến nhà vệ sinh bảo vệ môi trường

Samsung và Bill Gates đang cùng hợp tác để cách mạng hoá...

Chiếc lỗ trên tường cùng bàn tay gấu truyền cảm hứng ở Thượng Hải

Trên một con phố nhỏ đầy ắp nhà hàng và quán bar...