Home Cộng Đồng Trung Quốc lại bày trò “mèo khóc chuột”, tham gia hội nghị chống buôn bán nội tạng tại Vatican
Cộng Đồng

Trung Quốc lại bày trò “mèo khóc chuột”, tham gia hội nghị chống buôn bán nội tạng tại Vatican

(www.Alouc.com) – Các quan chức y tế Trung Quốc đã tham dự hội nghị chống buôn bán nội tạng ngày 12-13/3 tại Viện hàn lâm Khoa học Giáo hoàng ở Vatican, chỉ hơn 1 năm sau khi họ gây tranh cãi lần đầu tiên.

Tại hội nghị, các quan chức Trung Quốc vạch ra những gì họ nói là những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chống buôn bán nội tạng. Nhưng Patrick Poon, một nhà nghiên cứu của tổ chức Ân xá Quốc tế, không tin vào những gì họ cung cấp.

“Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ tiết lộ bất kỳ thông tin đáng tin cậy nào về việc cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc”, ông Poon nói với ucanews.com. “Trước đây, Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu), cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, thậm chí còn đưa ra những nhận xét trái ngược nhau về việc cấy ghép nội tạng đã được lấy từ các tù nhân”.

Hoàng Khiết Phu
Ông Hoàng Khiết Phu tại một hội thảo ở Đài Bắc, Đài Loan năm 2010 (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Ông Hoàng, một bác sỹ phẫu thuật gan, là người phát ngôn cho hệ thống cấy ghép nội tạng của Trung Quốc trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Hiến tặng và Cấy ghép Nội tạng Quốc gia. Mạng lưới ghép tạng ở Trung Quốc từ lâu đã bị lên án vì hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức có hệ thống và do nhà nước bảo trợ. Đại đa số các nạn nhân của tội ác này là những người Pháp Luân Công, môn khí công ôn hòa theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn bị đàn áp ở Trung Quốc từ năm 1999 đến nay.

“Những lợi ích về thể chất và tinh thần của Pháp Luân Đại Pháp khiến môn này phổ biến tới 114 quốc gia với hơn 100 triệu người theo tập”, trích bản Tuyên bố của thành phố North Bay, Canada nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2017.

“Nếu chính phủ Trung Quốc là đường đường chính chính trong việc giải quyết vấn đề, tại sao họ không công bố bất kỳ số liệu chính thức nào về số ca cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc và cách tiến hành cấy ghép nội tạng?”, ông Poon hỏi. “Các cuộc họp như vậy sẽ có ý nghĩa hơn nếu những vấn đề này được giải quyết thay vì chỉ là một buổi trình diễn thời trang”.

Sự có mặt của các quan chức Trung Quốc tại hội nghị này diễn ra trong bối cảnh đang có những nỗ lực để đạt được một thỏa thuận chính thức giữa Vatican và Trung Quốc, được một số phương tiện truyền thông coi như một dấu hiệu của mối quan hệ nóng lên giữa hai bên.

“Tôi không biết tại sao Vatican lại không bao giờ tổ chức bất kỳ sự kiện nào liên quan đến vấn đề nhân quyền và công lý ở các nước như Trung Quốc dù Liên Hợp Quốc và nhiều nước đã nêu quan ngại về hồ sơ nhân quyền ở Trung Quốc”, ông Poon nói thêm.

Năm ngoái, Viện hàn lâm Khoa học Giáo hoàng của Tòa thánh Vatican đã trở thành tiêu điểm tranh cãi sau khi ông Hoàng tham gia thuyết trình tại một hội nghị tương tự diễn ra vào ngày 7-8/2/2017.

Sánchez Sorondo
Tổng Giám mục Marcelo Sánchez Sorondo, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Giáo hoàng (Ảnh: Flickr)

Những người chỉ trích cho rằng Vatican đã tạo điều kiện để cho “mèo khóc chuột”, vì ông Hoàng bị cáo buộc là “tay mổ giết người hàng loạt” (The Surgeon of Mass Murder), đã dính máu nhiều nạn nhân bị mổ cướp nội tạng. Điển hình là một ca ghép gan tai tiếng vào năm 2005 khi ông Hoàng đề nghị chuẩn bị thêm 2 lá gan dự phòng. Các lá gan này đã được chuyển đến trong vòng 24 giờ đồng hồ, nhưng không bao giờ được sử dụng.

Các chuyên gia nhận định ông Hoàng chỉ có thể chỉ thu được các nội tạng tươi mới nếu có một nhóm dân số bị giam giữ, đã được thử máu từ trước, sẵn sàng bị giết để lấy nội tạng theo yêu cầu.

Các cuộc điều tra trong những năm qua đã khẳng định chính quyền Trung Quốc tiến hành mổ cướp nội tạng các tù nhân lương tâm để phát triển ngành công nghiệp ghép tạng siêu lợi nhuận của Trung Quốc. Nạn nhân chủ yếu của tội ác này là các học viên Pháp Luân Công, những người theo Cơ Đốc giáo, người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ.

Có thể có đến 1,5 triệu người đã bị mổ lấy nội tạng, theo báo cáo dài khoảng 700 trang của 3 nhà điều tra, bao gồm cựu Ngoại trưởng Canada phụ trách vấn đề Châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour, luật sư nhân quyền người Canada David Matas và nhà báo điều tra người Mỹ Ethan Gutmann.

David Kilgour
Ba nhà điều tra về nạn mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc (từ trái qua): Cựu Ngoại trưởng David Kilgour, Luật sư nhân quyền David Matas; Nhà báo điều tra Ethan Gutmann. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Hãng tin BBC đề cập đến báo cáo hồi tháng 6 năm ngoái của Liên minh Quốc tế Chấm dứt mổ cướp tạng ở Trung Quốc (EOP) đã khẳng định Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng đằng sau vụ tàn sát tập thể các tù nhân vô tội.

Hạ viện Mỹ và Nghị viện châu Âu đã lên án tội ác này của chính quyền Trung Quốc trong các văn bản công khai vào năm ngoái.

Hội nghị Vatican là một một phần nỗ lực của Giáo hoàng Francis nhằm chống lại tình trạng buôn người và nội tạng. Tuy nhiên, các nhà hoạt động chống mổ cướp nội tạng lo ngại rằng chính hội nghị này lại đang tạo cơ hội ngụy biện cho thủ phạm lớn nhất của tội ác này.

Theo ĐKN