Nổi tiếng thông minh và nhân cách hoàn hảo, Mako khiến nhiều người Nhật tiếc nuối khi kết hôn với Komuro, người bị coi là không xứng với cô.
Công chúa Mako sinh năm 1991, là con đầu lòng của Thái tử Akishino và Thái tử phi Kiko. Ký tự kanji “ma” trong tên cô có nghĩa là chân thật hoặc tự nhiên, bởi Thái tử Akishino hy vọng con gái sẽ có một cuộc sống đơn giản, không hoa mỹ, thẳng thật với lòng mình.
Là cháu gái cả của Thái thượng hoàng Akihito, Mako thu hút sự chú ý của truyền thông Nhật ngay từ khi sinh ra. Năm 2004, lúc mới 13 tuổi, Mako khiến người Nhật “phát sốt” khi xuất hiện tại một sự kiện trong bộ đồ phong cách thủy thủ. Hình ảnh của cô được nhiều người hâm mộ vẽ lại và dựng thành video, nhận được hàng trăm nghìn lượt xem và bình luận.
Mùa hè năm 2011, ở tuổi 20, Mako tiếp tục để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng khi bí mật tham gia tình nguyện hỗ trợ các nạn nhân trận động đất và sóng thần ở vùng Tohoku. Cô đã dạy học cho trẻ em tại tỉnh Iwate và Miyagi, hai trong số những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai vào tháng 3 năm đó.
Nổi tiếng thân thiện, độc lập và thông minh, Mako có thành tích học tập đáng nể, từng theo học tại nhiều đại học danh tiếng trên thế giới như Đại học Edinburgh ở Scotland và Đại học Cao đẳng Dublin (UCD), Ireland. Trong khoảng thời gian tại UCD, Mako từng gặp cựu tổng thống Ireland Mary McAleese.
Mako là thành viên hoàng gia Nhật đầu tiên theo học tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế (ICU) ở Tokyo, thay vì Đại học Gakushuin như truyền thống. Đại học Gakushuin được thành lập với mục đích ban đầu là giảng dạy cho con cháu giới quý tộc Nhật.
Mako tốt nghiệp ICU với bằng cử nhân ngành di sản văn hóa và nghệ thuật, sau đó lấy được chứng chỉ giám tuyển nghệ thuật và bằng lái xe, điều khá hiếm gặp đối với một thành viên hoàng gia. Cô tiếp tục học cao học tại Anh và nhận bằng thạc sĩ về nghiên cứu bảo tàng và trưng bày nghệ thuật từ Đại học Leicester vào năm 2016.
Những năm qua, Mako đảm nhiệm ngày càng nhiều công việc quan trọng của hoàng gia, liên tục xuất hiện trong các sự kiện chính thức. Với mong muốn đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy các quan hệ hữu nghị quốc tế của Nhật, Mako từng đến thăm Honduras, El Salvador và nhiều quốc gia khác.
Tháng 4/2019, sau khi Thái thượng hoàng Akihito thoái vị vì lý do sức khỏe và nhường ngôi cho Nhật hoàng Naruhito, Mako đã tiếp quản một phần nhiệm vụ hoàng gia từ ông bà nội. Năm ngoái, Công chúa Nhật còn có chuyến thăm chính thức Nam Phi, công việc thường do bố mẹ cô thực hiện. Hồi đầu tháng, chính phủ Paraguay và Brazil trao huân chương cho Mako vì nỗ lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các nước này với Nhật Bản.
“Nhân cách của Mako không thể chê được điểm nào. Mọi người coi cô ấy như một thành viên hoàng gia hoàn hảo”, Mikiko Taga, nhà báo chuyên đưa tin về hoàng gia Nhật, cho biết.
Tuy nhiên, Công chúa được bao người ngưỡng mộ lại gây tranh cãi vào năm 2017, khi tuyên bố đính hôn với Kei Komuro, một thường dân và là người yêu từ thời đại học của cô.
Ngay khi thông tin đính hôn của Công chúa được công bố, truyền thông Nhật lập tức sục sạo đời tư của Kei Komuro và sau đó đưa tin rằng mẹ anh từng nhận 4 triệu yen (36.000 USD) từ hôn phu cũ và chưa trả. Dù Komuro cố gắng giải thích rằng đây là khoản tiền mẹ anh được tặng chứ không phải vay, thông tin đã làm dấy lên làn sóng giận dữ sôi sục trong dư luận Nhật Bản nhắm vào hôn phu của Mako.
Thái tử Akishino và Thái tử phi Kiko từng cho biết họ “tôn trọng” tình cảm của con gái và chấp thuận cuộc hôn nhân, nhưng trước hết mẹ của Komuro phải giải quyết tranh chấp tiền bạc. Mặc dù vậy, vấn đề tới nay được cho là vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.
Bê bối tài chính của mẹ Komuro dẫn đến những cáo buộc rằng anh là “kẻ đào mỏ”, không xứng với Công chúa vốn rất được người Nhật yêu mến. Theo thông lệ, nếu kết hôn với thường dân, Mako sẽ phải từ bỏ địa vị hoàng gia và nhận được khoản hồi môn trị giá 150 triệu yen (1,36 triệu USD).
“Có rất nhiều mối nghi ngờ xung quanh Kei Komuro và mẹ anh ta. Người dân lo sợ hình ảnh hoàng gia Nhật sẽ bị bôi nhọ”, Kei Kobuta, người chuyên bình luận về các vấn đề hoàng gia Nhật, cho biết, nói thêm rằng nhiều người theo dõi hoàng gia coi Mako như em gái hoặc con gái. Họ tin rằng Công chúa đã lựa chọn sai lầm.
Kumiko Nemoto, giáo sư tại Đại học Senshu ở Tokyo, nhận định những kỳ vọng quá lớn vào hoàng gia Nhật đôi khi dẫn đến tình trạng công chúng hủy hoại hình ảnh của những người mà họ coi là khiến hoàng gia chịu tai tiếng. Theo Nemoto, nhiều người cho rằng việc Komuro đến Mỹ lập nghiệp giữa lúc sóng gió là ích kỷ, thậm chí đánh giá việc anh chỉ có mẹ nuôi dạy là không ổn.
Trước hàng loạt áp lực, Mako và Komuro phải hai lần ra thông báo hoãn đám cưới vào tháng 2/2018 và tháng 11/2020. Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật hôm 1/10 cho biết Mako bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn phức tạp do ảnh hưởng từ làn sóng chỉ trích, bình luận tiêu cực.
Tuy nhiên, Mako vẫn không từ bỏ quyết tâm kết hôn với Komuro, người vừa trở về từ Mỹ sau khi theo học tại Trường Luật Fordham ở thành phố New York. Sau khi kết hôn, họ dự định chuyển tới sống tại New York, nơi Komuro vừa bắt đầu công việc tại hãng luật Lowenstein Sandler và đang chờ kết quả kỳ thi lấy bằng luật sư của thành phố.
Hôn lễ của hai người diễn ra khác thường và không thể đơn giản hơn vào ngày 26/10, khi hoàng gia Nhật chỉ thông báo họ đã đăng ký kết hôn, sau đó cặp vợ chồng mới cưới tổ chức họp báo tại một khách sạn chứ không phải tại dinh thự hoàng gia như truyền thống.
Thay vì bộ kimono lộng lẫy, Mako mặc một bộ váy xanh nhạt đơn giản, rời dinh thự của bố mẹ đẻ ở Tokyo, ôm tạm biệt mọi người trong gia đình trước khi lên xe tới khách sạn tổ chức họp báo.
“Tôi vô cùng xin lỗi vì sự bất tiện đã gây ra. Tôi cũng gửi lời cảm ơn những người vẫn tiếp tục ủng hộ tôi. Đối với tôi, Kei là người không thể thay thế. Hôn nhân là sự lựa chọn cần thiết đối với chúng tôi”, Mako phát biểu tại buổi họp báo, giữa những cuộc biểu tình phản đối hôn nhân của cô.
Theo Vnexpress
Leave a comment